Để thúc đẩy công tác xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam – Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) và Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc đã họp song phương vể kiểm dịch thực vật.
Xem xét điều kiện xuất khẩu bưởi Việt Nam sang Hàn Quốc
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, ngày 25/4/2024, tại Seoul - Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã tổ chức thành công cuộc họp song phương về kiểm dịch thực vật. Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục BVTV và ông Kyoung Bong Koh - Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (APQA) đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, hai bên đã tiến hành rà soát và thống nhất để thông qua yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa vàng của Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam cũng như quả bưởi của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đây là cơ sở để hai bên hoàn tất các thủ tục nội bộ, hướng tới việc sớm thương mại hóa các mặt hàng quả tươi này. Dự kiến phía Hàn Quốc cần 3 tháng để hoàn tất thủ tục nội bộ cho 2 sản phẩm trên.
Bên cạnh đó, Cục BVTV và APQA cũng đã thống nhất kế hoạch thanh tra hàng năm đối với các cơ sở đóng gói và xử lý kiểm dịch bằng nhiệt (VHT) tại Việt Nam vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2024, liên quan đến mặt hàng xoài và thanh long.
Đây là kế hoạch kiểm tra giám sát mới được áp dụng từ cuối năm 2023, để thay thế cho quy trình trước đây là phải cử chuyên gia sang thực hiện kiểm tra từng lô hàng tại các cơ sở xử lý.
Cục BVTV đánh giá cao việc APQA áp dụng quy trình giám sát mới đối với các cơ sở VHT từ cuối năm 2023, giúp tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu và thể hiện sự tin tưởng của APQA với Cục BVTV.
Hai bên cũng nhất trí sẽ thiết lập kênh liên lạc để phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc ngăn chặn vận chuyển trái phép hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật, đặc biệt sản phẩm tươi có trong danh mục cấm qua đường bưu điện và chuyển phát nhanh trong thương mại quốc tế. Cục BVTV sẵn sàng hợp tác trong hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức về vấn đề này nói riêng và các quy định kiểm dịch thực vật của Hàn Quốc nói chung.
Về hướng hợp tác trong tương lai, APQA đề xuất ưu tiên đánh giá nguy cơ dịch hại đối với cam Unshu và kiwi để xuất khẩu vào Việt Nam.
Phía Việt Nam cũng đã nộp hồ sơ xuất khẩu cho một số loại trái cây tươi như bơ, nhãn, vải thiều và chanh leo, trong đó ưu tiên cho vải thiều và chanh leo.
Cục BVTV cũng nhấn mạnh rằng quả vải đã có biện pháp xử lý được các nước công nhận làm cơ sở cho việc đánh giá nguy cơ dịch hại được thuận lợi hơn.
Cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2025.
Giám sát dư lượng thuốc BVTV
Hàn Quốc được đánh giá là thị trường xuất nhập khẩu nông, lâm thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2024, có một số mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có sự tăng trưởng mạnh gồm: hạt tiêu (4,9 triệu USD, tăng 128,3%); phân bón các loại (25,2 triệu USD, tăng 64%); cao su (13 triệu USD, tăng 59,3%), cà phê (21 triệu USD, tăng 53%).
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm là kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV, bởi mới đây, trong tháng 1/2024, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm xoài nhập khẩu đang được bán tại thị trường Hàn Quốc.
Trong đó các sản phẩm xoài xuất xứ từ Việt Nam và Philippines có dư lượng thuốc BVTV lần lượt là 0.08 và 0.05, vượt quá mức quy định của hệ thống PLS (0.01mg/g).
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, xoài là sản phẩm trái cây nhiệt đới được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc bên cạnh chuối và dứa nên nhu cầu tiêu thụ là rất lớn. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.
Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến nghị, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc BVTV tại thị trường Hàn Quốc.
"Đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc BVTV khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này" - Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị.