Cập nhật giá vàng hôm nay: Giá vàng thế giới "lên đỉnh" kỷ lục trên 2.400 USD/ounce, trong khi đó, giá vàng trong nước có phần chững lại, thậm chí "hạ giá" trước thông tin về đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc tổ chức đầu thầu vàng sau 11 năm, đang nhận được các ý kiến trái chiều.
Theo tìm hiểu của Dân Việt theo dự kiến, trong ngày mai và chậm nhất là ngày thứ 6 tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng để tăng cung cho thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng trở lại.
Hiện tại có tổng 26 đơn vị đã thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước trong đó có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý cho biết, doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị nguồn lực tài chính để tham gia đấu thầu lần này. "Rất mong chờ xem lần này Ngân hàng Nhà nước đưa ra thị trường bao nhiêu lượng, chúng tôi căn cứ vào số đấy để chúng tôi đăng ký với Ngân hàng Nhà nước", vị này nói.
Đại diện doanh nghiệp cũng kỳ vọng, đấu thầu vàng đợt này sẽ giúp hạ nhiệt thị trường khi thị trường có thêm nguồn cung, giúp thị trường ổn định và đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ co hẹp, về mức phù hợp. Hiện tại, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã có xu hướng giảm, từ mức 20 triệu đồng/lượng về 11 triệu đồng/lượng và chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch hôm nay (16/4).
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, lần này Ngân hàng Nhà nước cho vận hành hoạt động nghiệp vụ đấu thầu vàng trở lại, cơ bản nhằm tăng tính công khai minh bạch, tăng nguồn cung vàng. Từ đó, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nhất là thương hiệu SJC, với giá vàng trên thế giới cũng như giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác.
"Tôi nghĩ chúng ta sớm ổn định được thị trường vàng trong thời gian tới. Nhưng nên lưu ý thời gian qua, giá vàng tăng mạnh chủ yếu là do vàng thế giới dưới tác động của xung đột địa chính trị, chiến tranh Trung Đông", ông Lực lưu ý.
Thực tế, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung cho thị trường bằng việc tổ chức đầu thầu sau 11 năm, giá vàng hôm nay không còn biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Cập nhật giá vàng hôm nay tại công ty VBĐQ Sài Gòn, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết mua vào/bán ra ở mức 82 triệu đồng/lượng và 84,02 triệu đồng lượng.
Mức giá này đã giảm 300.000 đồng/lượng chỉ sau 1 tiếng trước đó và hạ nhiệt đáng kể so với mức giá đỉnh ghi nhận trong phiên giao dịch ngày hôm qua là 85,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Điều đáng nói, giá vàng hôm nay chững lại, thậm chí lao dốc so với cùng thời điểm ngày hôm qua, song trên thị trường thế giới giá vàng vẫn không ngừng "tịnh tiến". Cập nhật, của Dân Việt hiện, vàng Comex đang ở vùng giá đỉnh kỷ lục trên 2.400 USD/ounce. Đây là diễn biến "lạ", bởi thông thường khi vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước tăng theo, thậm chí tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng của giá vàng thế giới. Thời điểm giá vàng miếng trong nước đạt đỉnh ngày hôm qua, vàng thế giới cũng chỉ dao động dưới ngưỡng 2.370 USD/ounce.
Quay trở lại với câu chuyện đấu thầu vàng, các chuyên gia đều kỳ vọng hành động này của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp giá vàng hạ nhiệt và rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Như Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng nói với Dân Việt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 3 triệu đồng là chấp nhận được.
Tuy nhiên, trong quá khứ vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện gần 80 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.
Điều đáng nói, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng, giá vàng trong nước đã giảm gần 12 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thời điểm trước đấu thầu vào khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Sau các phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng có thời điểm giảm dần về 1 triệu đồng/lượng, tuy nhiên đà giảm này không giữ được lâu. Và kết thúc gần 80 phiên đấu thấu, chênh lệch giá vàng vẫn đứng ở mức trên 4 triệu đồng/lượng, tức cao hơn thời điểm trước khi bắt đầu đấu thầu vàng.
Chính vì vậy, theo giới phân tích: Trong lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà Nước sẽ phải tính toán rất cẩn trọng về phương thức, cũng như khối lượng đấu thầu vàng miếng sao cho phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Đồng thời, cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá như chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ đã đề ra.
Có góc nhìn khác, TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, đấu thầu vàng sẽ chỉ tạo ra tác động tâm lý nào đó trong ngắn hạn. "Căn cơ nhất, dài hạn nhất và thông lệ quốc tế nhất là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do và đánh thuế", ông Nghĩa nói.
Ông phân tích, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế lớn, có những lúc lên tới 30 % là rất là phi lý. Nguyên nhân, vì dòng thương mại bị cắt đứt do lâu nay, Việt Nam không nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn có.
Dẫn số liệu, ông cho biết, mỗi năm, Việt Nam được sản xuất khoảng 600 kg vàng, trong khi đó nhu cầu có thể là 50 tấn, theo thông báo của Hội đồng vàng thế giới.
"Nếu như vậy, để bù đắp nhu cầu này, người ta phải nhập lậu và hoặc là tăng giá vàng trong nước lên. Đây là chuyện đương nhiên", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Chính vì vậy, muốn xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, đơn giản là dùng các biện pháp thương mại, không cần gì phải dùng các biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng. Tức là, cho phép một số công ty kinh doanh vàng có đủ điều kiện tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Để quan lý, theo ông Nghĩa, sẽ dùng công cụ mạnh nhất của Chính phủ để xử lý đó là thuế. Điều này giúp thị trường vàng minh bạch như thị trường vàng thế giới.
Ông cũng nói thêm rằng, các ngân hàng trung ương mua để dự trữ tác động mạnh tới giá vàng thế giới.
"Lẽ ra như Việt Nam nên nghiên cứu mua để dự trữ hơn là mang vàng dự trữ ra đấu thầu để bình ổn thị trường. Đó có thể là cách làm ngắn hạn nhưng không phải là cách làm bài bản", ông bổ sung.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, thời điểm hiện tại không chỉ có tổ chức đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, để ổn định thị trường.
.