Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện cả nước hiện có 294 trung tâm đăng kiểm và các chi nhánh với 546 dây chuyền kiểm định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa cho biết, trong quý 1/2024, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 1,3 triệu lượt phương tiện ôtô, trong đó hơn 1 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, trong quý 1/2024, có tới hơn 203.000 lượt xe ôtô không đạt đăng kiểm lần đầu, phải bảo dưỡng và sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định hơn 379.000 lượt phương tiện ôtô, trong đó có hơn 315.000 lượt phương tiện đạt kiểm định và gần 64.000 lượt phương tiện “trượt” kiểm định lần đầu.
Điểm sáng của lĩnh vực đăng kiểm là trong 3 tháng đầu năm nay, không xảy ra tình trạng ùn tắc, cơ bản đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện, cả nước hiện có 294 trung tâm đăng kiểm và các chi nhánh với 546 dây chuyền kiểm định; trong đó có 279 trung tâm đang hoạt động với 455 dây chuyền kiểm định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phối hợp với các địa phương cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 5 trung tâm đăng kiểm gồm: Trung tâm Đăng kiểm 14 - 08D, Trung tâm Đăng kiểm 34-08D, Trung tâm Đăng kiểm 81-06D, Trung tâm Đăng kiểm 71 - 06D và Trung tâm Đăng kiểm 28-02D.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tổ chức đánh giá, công nhận mới, công nhận lại 70 đăng kiểm viên và 105 đăng kiểm viên bậc cao; đã thực hiện đăng cảnh báo trên 11.600 phương tiện bị xử lý vi phạm hành chính và gỡ cảnh báo 827 phương tiện đã khắc phục vi phạm hành chính.
Thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ đăng kiểm theo quy định của Luật Giá (16/2023/QH15) để sớm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đăng kiểm.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của cục giai đoạn đến năm 2026.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm thừa nhận hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư xây dựng từ năm 2003 chưa được bổ sung, nâng cấp đủ để đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phần mềm đã và đang được đưa vào sử dụng, chưa đáp ứng các yêu cầu về kiến trúc Chính phủ điện tử và không đáp ứng đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.
Các phần mềm nghiệp vụ được xây dựng đơn lẻ qua nhiều thời kỳ, nhiều phần mềm sử dụng các công nghệ lập trình đã lạc hậu không còn đáp ứng nhu cầu sử dụng. Một số lĩnh vực chưa có phần mềm quản lý chuyên ngành, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và phân hệ báo cáo tổng hợp.
Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm giúp cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, giúp nâng cao khả năng phản hồi và linh hoạt trong việc quản lý của Cục Đăng kiểm.
Cụ thể, đối với công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng đến 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.
Ứng dụng sẽ hình thành các phần mềm, công cụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tra cứu dữ liệu, thông tin đăng kiểm phương tiện; thực hiện các dịch vụ trực tuyến (đặt lịch đăng kiểm, thanh toán giá/phí trực tuyến…) được cung cấp bởi các đơn vị đăng kiểm; hình thành các cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thống nhất hoạt động đăng kiểm; kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan.
Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm sẽ nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử thay thế hồ sơ, giấy chứng nhận bản giấy.
Cục Đăng kiểm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an nghiên cứu tích hợp dữ liệu đăng kiểm phương tiện và giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử vào ứng dụng định danh điện tử (VNeID) để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.