Tận dụng diện tích đất vườn đồi rộng, ông Nguyễn Ngọc Vinh (xóm Na Quán, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã trồng rau rừng đặc sản, gồm rau bò khai và rau lủi. Hai loại rau rừng này cứ tốt um, chỉ sau vài hôm đã lại được hái với sản lượng lớn.
Khoảng 30 năm trở về trước, gia đình ông Nguyễn Ngọc Vinh (xóm Na Quán, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã đưa giống rau rừng là rau bò khai về trồng tại vườn nhà.
Từ một loài rau rừng thơm ngon, bổ dưỡng, rau bò khai được ông Nguyễn Ngọc Vinh (xóm Na Quán, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) mang từ rừng về trồng tại vườn khoảng 30 năm nay. Ảnh: Hà Thanh.
Nhận thấy rau rừng phát triển tốt, lại được nhiều người ưa chuộng nên ông dần phát triển trên diện tích lớn. Đến nay, gia đình ông đang có khoảng 4 sào diện tích trồng rau bò khai cho thu nhập đều đặn mỗi tháng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Vinh cho biết, rau bò khai là giống rau rừng nên gần như không cần chăm sóc nhiều, chỉ thỉnh thoảng bón phân hữu cơ cho cây phát triển.
Rau bò khai chủ yếu thu hoạch vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Vào mùa rau bò khai, trung bình mỗi tuần, gia đình ông cắt bán cả tạ rau.
Rau bò khai hiện được thương lái thu mua với giá trung bình khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg, thời điểm giá cao có thể lên tới 50.000 – 60.000 đồng/kg (giá lẻ).
"Những năm 2000, thời điểm rau bò khai đắt, cứ vài ngày đi chợ bán rau là bà nhà tôi lại rẽ vào tiệm vàng mua vàng về tích lũy, tiết kiệm" - ông Vinh khoe.
Bò khai là tên một loại rau rừng hay còn được gọi là rau hiến, rau dạ hiến, rau khau hương, rau long châu sói. Bò khai được coi là một loại rau đem lại lợi ích sức khỏe cho người sử dụng.
Theo nghiên cứu khoa học, rau bò khai có nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, protein, vitamin C, canxi, photpho,…
Trong đông y, rau bò khai có tính bình, vị hơi đắng nên có công dụng chữa bệnh. Từ thân cho đến lá đều có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau.
Có thời điểm, rau bò khai được ông Vinh bán tại Thái Nguyên với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Ảnh: Hà Thanh.
Ngoài trồng rau bò khai, cách đây khoảng chục năm, qua một người buôn bán rau ở chợ, gia đình ông Vinh đã tiếp cận được với giống rau lủi là loài rau rừng thơm ngon có nguồn gốc từ Gia Lai.
Ngay sau khi được có giống, ông Vinh đã trồng rau lủi trên diện tích tương đối rộng lớn.
Theo ông, rau lủi rất dễ trồng, cách thức trồng giống nhiều loại rau thông thường khác như rau muống, rau lang.
Quá trình chăm sóc cũng không cầu kỳ, vì chỉ cần cắm xuống đất rồi thỉnh thoảng bón phân là cây rau phát triển rất nhanh.
Cứ vài hôm lại được hái một lứa rau, mỗi sào rau có thể cho thu hoạch vài chục cân mỗi lứa. Tuy nhiên, rau lủi không thích hợp với thời tiết nắng nóng nên mùa hè rau hay bị sâu bệnh.
Rau lủi, một loại rau rừng thơm ngon mọc tốt um trong vườn nhà ông Vinh ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Theo Đông y, rau lủi có nhiều công dụng trong phòng, chống, hỗ trợ điều trị một số bệnh. Ảnh: Hà Thanh.
Theo Đông y, rau lủi có vị cay, ngọt thơm, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, tán ứ tiêu thũng, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm họng, viêm khí quản mãn.
Rau lủi tía cũng có tác dụng hỗ trợ chữa trị phong tê, thấp khớp, đau nhức xương, chấn thương sưng đau, ho gió, ho gà, ho lao, bị thương do té ngứa loét, bong gân…
Rau lủi tía chủ yếu được gia đình ông Vinh cắt bán về các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên...
Bên cạnh trồng rau bò khai và trồng rau lủi, gia đình ông còn kết hợp trồng các loại cây ăn quả trong vườn nhà như bưởi, quất, hồng xiêm… trên diện tích khoảng 2.000m2 và trồng thêm 4ha rừng keo.
Với mô hình trồng trọt tổng hợp đó, mỗi năm cũng mang về cho gia đình ông Vinh trên dưới 100 triệu đồng.