TTVH Online

"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Cách huyện Tuần Giáo nâng vùng nguyên liệu cây ăn quả lên 600ha (Bài 2)

Phong Cầm 07/11/2023 08:19 GMT+7

Từ trung tâm huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đi các xã Pú Nhung, Quài Nưa, Tỏa Tình, Rạng Đông, những vườn xoài, bưởi, mắc ca, mít... đã dần khép tán, vẽ nên một màu xanh mướt. Đi đến đâu, chúng tôi đều cảm nhận sự hứng khởi, vui mừng của người dân khi những cây trồng này đang mang lại hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo, tăng thu nhập.

Với sự kết nối của Hội Nông dân, sự liên kết giữa nông dân- doanh nghiệp lên bước "ngày càng tin cậy và hiểu biết nhau hơn". Cũng bởi vậy, sau khi xây dựng vùng nguyên liệu "lõi", từ đó đã lan tỏa, mở rộng, giúp người nông dân không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu.

Tuần Giáo xây dựng vùng cây ăn quả 600ha

4 giờ chiều một ngày cuối tháng 10, chúng tôi đặt chân đến Tuần Giáo (Điện Biên), con đường từ trung tâm huyện đi các xã Pú Nhung, Quài Nưa uốn lượn như dải lụa, xen giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, những vườn cà phê, xoài, mắc ca, mít... đã khép tán. Tôi ấn tượng, xen lẫn ngạc nhiên về sự đổi thay của huyện cửa ngõ tỉnh Điện Biên, thấy vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Phạm Thị Tuyên bảo, đó là thành quả của những năm qua khi huyện tập trung phát triển, xây dựng vùng cây ăn quả chất lượng cao và đây là một trong những hướng phát triển kinh tế gắn với thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện Tuần Giáo.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Bắc:  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Phạm Thị Tuyên cùng lãnh đạo UBND xã Quài Nưa, cán bộ Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc hướng dẫn bà con cách chăm sóc vườn xoài. Ảnh: Bình Minh

Nếu như trước đây người dân ở Tuần Giáo sản xuất chủ yếu là trồng ngô, nhưng từ 2018, được sự vận động của cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương, một phần diện tích ngô kém hiệu quả đã được chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả như: xoài, bưởi da xanh, dứa, mít... Trong đó, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Nhớ đó, huyện Tuần Giáo đã có gần 500ha cây ăn quả và phấn đấu đến 2025, sẽ tập trung chăm sóc, phát triển bền vững 600ha. Để làm được điều này, Tuần Giáo đã tận dụng các nguồn vốn để triển khai các mô hình, dự án liên kết chuỗi sản xuất cây ăn quả; thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng quy mô phát triển cây ăn quả trên địa bàn. Trong đó, khuyến khích liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân.

Theo bà Tuyên, thời gian qua, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nổi bật, trong đó, Công ty CP Nông nghiệp HT Miền Bắc đã phát triển "chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả" với tổng diện tích 374,6ha. Đặc biệt, từ đầu 2023, đơn vị này đã bắt đầu triển khai thực hiện "Dự án hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây mít siêu sớm TL1 thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2022-2025" tại các xã Rạng Đông, Pú Nhung, Mường Mùn, với 106 hộ tham gia.

"Sau nhiều năm tích cực trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả, đến nay, huyện Tuần Giáo bước đầu hình thành các vùng trồng tập trung, chuyên canh. Nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, giúp nâng cao thu nhập cho người dân", bà Tuyên vui mừng thông tin.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Bắc:  - Ảnh 2.

Người dân xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) rẫy cỏ tại vườn xoài của gia đình. Ảnh: Bình Minh

Trước khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, bà Tuyên từng nhiều năm là Trưởng phòng NNPTNT của huyện. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình liên kết trồng xoài ở Quài Nưa, nữ Phó Chủ tịch với phong cách trẻ chung, năng động và rất gần gũi, bà trò chuyện, hướng dẫn người dân một cách tỉ mỉ nhưng cũng rất dễ hiểu về cách tỉa tán, chăm sóc, phòng sâu bệnh trên cây xoài.

Huyện Tuần Giáo đã lồng ghép, sử dụng hiệu quả nhiều nguồn vốn thực hiện 56 dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 484,2ha. Trong đó, bao gồm: 248,1ha xoài; 52,9ha mít; 22ha nhãn chín muộn; 80,9ha lê; 66,9ha bưởi; 13,4ha chanh leo tím. Diện tích trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Pú Nhung, Rạng Ðông, Mùn Chung, Nà Tòng với tổng diện tích đạt 620ha. Nhiều diện tích đã cho thu hoạch, trong đó có 3ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng. 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tuần Giáo đã xuất bán trên 100 tấn xoài cho Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc, với giá bán 7.500 - 10.500 đồng/kg.

Đổi thay ở quê hương người Anh hùng Vừ A Dính

Là quê hương của người Anh hùng - liệt sĩ Vừ A Dính, xã Pú Nhung còn là căn cứ cách mạng của tỉnh Lai Châu - nay là tỉnh Điện Biên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trải qua gần 7 thập kỷ, sau ngày giải phóng Điện Biên 7/5/1954, về Pú Nhung hôm nay không khó để nhận ra nhiều sự đổi thay. Những nương sắn, nương ngô xanh tốt, vườn xoài, vườn bưởi trĩu quả; đường bê tông trải dài về các bản.

Tâm sự với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung- người cũng tên là Vừ A Dính nói, để có được thành quả này, cấp ủy, chính quyền xã đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh, huyện, đồng thời phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín, vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế.

Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Pú Nhung còn trên 50% thì đến nay đã giảm còn 37%. Từ xã “trắng” tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, hiện đã cơ bản đạt 15/19 tiêu chí.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Bắc:  - Ảnh 1.

Ông Vừ A Dính, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung, anh Lầu A Tồng, Phó Chủ tịch Hội ND xã Pú Nhung, cùng cán bộ Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc kiểm tra mô hình liên kết trồng mít siêu sớm TL1 trên địa bàn xã Pú Nhung. Ảnh: Bình Minh

Ông Vừ A Dính cho biết, đến nay, Pú Nhung đã trở thành một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Tuần Giáo, với hơn 100ha, trong đó, 10ha cây mắc ca; trên 60ha xoài, bưởi da xanh... tập trung chủ yếu tại các bản: Phiêng Pi; Đề chia A, B; Chua Lú.

Cùng với điều kiện về thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng, những năm qua, xã Pú Nhung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ vốn, giống cây nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tham gia để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cho những cây trồng cũ kém hiệu quả. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức lớp dạy nghề, hội thảo, tập huấn giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất.

Theo đó mà xã Pú Nhung đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng cho thu nhập từ 50 đến hơn 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như các hộ gia đình: Ly Khua Dơ (bản Chua Lú), Sùng Va Hồ (bản Khó Pua), Vàng Sái Lĩnh (bản Phiêng Pi), Ly A Sùng (bản Tênh Lá)...

Để minh chứng cho những đổi thay ở Pú Nhung, ông Dính dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cà phê, bưởi, mít đang được trồng trên địa bàn xã. Ông cho biết, đầu năm nay, giống mít siêu sớm TL1 được Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc chuyển giao cho bà con trồng đang phát triển rất tốt.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Bắc:  - Ảnh 2.

Người dân xã Pú Nhung chăm sóc cây mít siêu sớm TL1 do Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc liên kết, cung cấp giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Bình Minh

Nói về câu chuyện liên kết giữa nông dân- doanh nghiệp, ông Lầu A Tồng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Pú Nhung bảo, ngoài phát triển cây ngắn ngày, đất đai trên địa bàn xã cũng rất phù hợp trồng một số loại cây ăn quả, trong đó có cây mít nhưng thực sự để mỗi hộ nông dân tự loay hoay trồng, thì mỗi nhà cũng chỉ trồng được 5-7 cây mỗi loại, mà kể cả có trồng được cũng không biết kỹ thuật chăm sóc thế nào, tiêu chuẩn, chất lượng trái cây ra sao, rồi bài toán lớn nhất là tiêu thụ sản phẩm cho ai.

"Người dân Pú Nhung chăm chỉ, chịu khó trồng ngô, sắn, đậu tương để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo người dân sinh sống nhiều năm trên vùng đất này, dù cố gắng đến đâu thì thu nhập từ trồng ngô, sắn, đậu tương vẫn rất bấp bênh, nhiều gia đình vẫn đói nghèo. Bởi vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ là cơ hội giúp bà con vươn lên thoát nghèo, gia tăng thu nhập, nhất là khi có doanh nghiệp vào sẽ tạo sự lan tỏa, sức bật để người dân vươn lên thoát nghèo"- ông Tồng tâm sự.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Bắc:  - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Huy Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc hướng dẫn cách tỉa cành đối với cây mít siêu sớm TL1. Ảnh: Bình Minh

Rời Pú Nhung, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Quài Nưa. Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết, xã có 12ha xoài trồng từ năm 2018, 2019 chủ yếu tại 2 bản Pha Làng và Chan thuộc dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả của Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc, với 38 hộ tham gia. Năm 2023 cây xoài cho thu hoạch với sản lượng 2,9 tấn, chất lượng được đánh giá tốt.

Phấn khởi khi được tham gia mô hình, chị Lường Thị Nga, bản Pha Làng, xã Quài Nưa cho biết, trồng xoài với hơn 1ha từ 2018, chị được Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc hỗ trợ giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm. Sau 3 năm, cây xoài đã cho trái và được doanh nghiệp thu mua thông qua các tổ hợp tác, bởi vậy, mỗi năm gia đình chị thu về trên dưới 60 triệu đồng.

Cùng chung niềm vui, chị Là Thị Phiến, bản Chăn, xã Quài Nưa chia sẻ: "Khi tham gia mô hình liên kết trồng xoài, bà con rất yên tâm khi được cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện về hướng dẫn kỹ thuật, Công ty cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm".

Nếu như trước đây, gia đình chị Phiến chỉ trồng lúa nương và ngô, nỗi lo cái ăn, cái mặc cho gia đình luôn thường trực thì nay nhờ có thu nhập từ bán xoài, chị đã có khoản tích góp.

Còn đối với anh Lò Văn Anh, bản Pha Nàng, xã Quài Nưa cho hay, từ năm 2018, gia đình đã trồng 200 gốc xoài Ðài Loan. Ðến nay, vườn xoài đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh rất muốn mở rộng diện tích xoài song do diện tích đất nông nghiệp của gia đình có hạn. Tuy nhiên, chủ trương của xã không mở rộng diện tích cây ăn quả nên gia đình tập trung chăm sóc, phát triển bền vững diện tích xoài hiện có.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Bắc:  - Ảnh 4.

Chị Lường Thị Nga, xã Quài Nưa cho biết, tham gia mô hình liên kết trồng xoài, với diện tích 1ha, gia đình chị đã có thu nhập bình quân mỗi năm đạt 60 triệu đồng. Ảnh: Bình Minh

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Phạm Thị Tuyên cho biết, thực hiện Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên và các văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 - 2023, sản xuất nông lâm nghiệp của huyện Tuần Giáo nói riêng đã mang lại lợi ích thiết thực cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết năm 2022, tổng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gần 17 tỷ đồng, trong đó tổng số kinh phí đã thực hiện hơn 13,4 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí đã thực hiện, huyện Tuần Giáo đã tập trung hỗ trợ cây trồng, vật nuôi như: Xoài Đài Loan, mít siêu sớm TL1, nhãn chín muộn, cây mắc ca, xoài GL4...

Bà Tuyên cũng cho biết, phương hướng phát triển nông nghiệp của huyện Tuần Giáo trong thời gian tới là tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/HU 09/12/2021 của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các Kế hoạch triển khai thực hiện các đề án: Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê); phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển cây ăn quả đặc sản, lợi thế; thúc đẩy cơ giới hóa vào sản xuất và chế biến nông sản…

"Các dự án liên kết được triển khai đã hình thành cách thức tổ chức sản xuất mới cho người dân và thúc đẩy các hợp tác xã phát triển tại địa bàn các xã trên toàn huyện Tuần Giáo, từng bước thay đổi tư duy, nâng cao ý thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, theo tiêu chuẩn, quy trình, phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường mang lại giá trị tăng cao".

(Bà Phạm Thị Tuyên)







Bình Minh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN