Xuất khẩu thủy sản quý III có sự khởi sắc so với những tháng đầu năm, tăng trưởng âm thu hẹp dần, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV đạt 2,4 tỷ USD, cả năm 2023 cán mốc 9 tỷ USD.
VASEP cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, các mặt hàng chính gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có doanh số xuất khẩu giảm mạnh hơn so với các loài khác. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất (-31%), tôm giảm 26%, cá ngừ giảm 24%. Trong khi đó, mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ giảm từ 10-18%, các loại cá biển khác chỉ thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhóm 3 sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích cực hơn trong quý III, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm. Sau khi giảm 28% trong quý II, sang quý III, xuất khẩu tôm chỉ thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Trong khi cá tra có doanh số thấp hơn 12% và cá ngừ giảm gần 8%, so với 2 con số tương ứng là -41% và -31% trong quý II.
Đối với mặt hàng cua, ghẹ (chủ yếu là ghẹ) có kim ngạch xuất khẩu tăng vượt bậc trong quý III, gấp hơn 1,5 lần so với quý II và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, những thị trường tiêu thụ lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đều giảm từ 17- 34%, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản giảm ít hơn (-13%).
Trong các khối thị trường lớn, Trung Đông được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Việt trong 2 năm gần đây. Trong quý III, riêng khối thị trường này có được mức tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, với mức 2% so với cùng kỳ năm 2022, và lũy kế 9 tháng đầu năm cũng có mức giảm thấp nhất, giảm 8%. Khối thị trường ASEAN và CPTPP giảm lần lượt 15% và 20% so với cùng kỳ.
VASEP đánh giá, xuất khẩu thủy sản quý III có sự khởi sắc so với những tháng đầu năm, nhưng chưa có sự đột phá mạnh mẽ để nhìn thấy một xu hướng ổn định trong thời gian tới, vì mặt bằng so sánh nửa đầu năm 2022 đã ở mức thấp, sau khi tăng cao nửa đầu năm 2022. Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc.
Theo VASEP, với diễn biến hồi phục dần dần từ các thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, việc suy giảm này là do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu tăng cao kéo theo hàng loạt các hệ lụy như sức tiêu dùng giảm, giá tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung lại tăng trong các tháng đầu năm.
Tuy vậy, bước vào giai đoạn cuối năm, với tín hiệu hồi phục nhu cầu từ các thị trường, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang cho thấy kết quả tích cực.
"Dự kiến trong những tháng cuối năm xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản sẽ hồi phục do các hệ thống bán lẻ, nhà hàng - quán ăn đang dần phục hồi", ông Hòe nhận định.
Đối với các doanh nghiệp, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) - doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và xuất khẩu tôm tại Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9 với 20,3 triệu USD về doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và là tháng thứ 3 không liên tiếp trong năm 2023 có doanh thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ tôm thành phẩm của doanh nghiệp cũng tăng 39%.
“Doanh nghiệp đang trong tiến trình phục hồi, rút ngắn sự giảm sút doanh thu ở 6 tháng đầu năm. Hiện doanh nghiệp tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý 4/2023. Tình hình này còn kéo dài thêm hai tháng nhằm đáp ứng, chuẩn bị hàng cho các hệ thống phân phối, tiêu thụ cuối năm”, theo thông tin từ Sao Ta.
Trong khi đó, các chuyên gia của VNDirect Research tiết lộ vào hồi đầu tháng 8 vừa qua, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC - doanh nghiệp đầu ngành về kinh doanh cá tra) dự kiến sẽ tập trung hơn vào Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 và cả năm 2024 khi thị trường này đã mở cửa hoàn toàn, dẫn đến nhiều dư địa tăng trưởng trong các năm tới. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của VHC dự kiến sẽ giảm 3% trong năm 2023 và phục hồi 20% trong năm 2024 khi nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc hơn.
Với các yếu tố như CPI giảm, lượng tồn kho cũng giảm và nhu cầu nhập khẩu thủy sản phục hồi trong tháng 5, dự báo nhu cầu cá tra của Mỹ sẽ phục hồi trong thời gian tới. Cùng với việc lạm phát hạ nhiệt và các dịp lễ lớn cuối năm, doanh thu xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn có thể cải thiện từ quý IV/2023.