TTVH Online

Việt Nam sẽ hợp tác thế nào để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?

Phong Cầm 01/10/2023 11:38 GMT+7

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nhiều doanh nghiệp chip bán dẫn của Mỹ rất quan tâm đến Việt Nam, bày tỏ ý định sẽ đầu tư tại Việt Nam. Không những thế họ còn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để có các hoạt động ở Hoa Kỳ.

Việt Nam sẽ đi tắt, đón đầu, dẫn trước ngành công nghiệp bán dẫn

Trao đổi với báo chí tại Họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương hé lộ 3 trụ cột để Việt Nam đi vào ngành bán dẫn, đồng thời hé lộ nhiều doanh nghiệp Mỹ có kế hoạch đầu tư, bắt tay hợp tác phát triển cùng Việt Nam trong khai thác đất hiếm, bán dẫn.

Việt Nam sẽ hợp tác với ai để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương (Ảnh: Chinhphu.vn).

Ông Phương cho biết, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam và chuyến công tác của Thủ tướng sang Mỹ mới đây, hợp tác khoa học và công nghệ, đặc biệt lĩnh vực bán dẫn được nhiều kỳ vọng.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định: Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế và chúng ta đang có chủ trương đi tắt, đón đầu để cố gắng vươn lên, đi đầu, dẫn trước.

"Ngành công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam. Vì mới nên chúng ta phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển nó một cách hiệu quả", ông Phương nói.

Về kế hoạch phát triển, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT tiết lộ thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ vừa mới giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư một nhiệm vụ là khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.

Qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ KKH&ĐT đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn.

Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, dài hơi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đào tạo đại học. Để đào tạo được các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học, và đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác hết sức quan trọng.

Theo ông Phương, đầu tiên là Nhà nước. Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các trường đại học, các viện đào tạo số lượng sinh viên đủ để phục vụ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu hụt lực lượng này.

Cần tập trung đó là các viện và các trường đại học. Các viện và các trường đại học, phải có một kế hoạch mang tính chất dài hơi là mở thêm các khoa, phòng đào tạo. Hoặc thuê mướn hoặc hợp tác với các trường trên thế giới để có nguồn giáo viên dạy được cho học sinh, sinh viên Việt Nam về công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đó mới có sự hấp dẫn đối với sinh viên đăng ký học các khoa này.

Và nhóm đối tác thứ ba theo Thứ trưởng Phương là hết sức quan trọng, nếu không đào tạo sẽ lãng phí, không sử dụng được, đó chính là doanh nghiệp trong công nghiệp bán dẫn. 

"Trong hai chuyến thăm vừa rồi của Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Chính phủ, rất mừng là có nhiều doanh nghiệp chip bán dẫn của Mỹ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, và bày tỏ ý định sẽ đầu tư tại Việt Nam. Không những thế họ còn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để có các hoạt động ở bên Hoa Kỳ", ông Phương nói.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, hy vọng rằng với nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư chip bán dẫn tại Việt Nam có thể khắc phục được số lượng dự kiến để đào tạo sinh viên cho ngành chip bán dẫn.

Trụ cột thứ hai hết sức quan trọng mà hiện nay chúng ta còn thiếu là đào tạo kỹ sư, người lao động, chúng tôi gọi tắt là kỹ thuật viên, những người cụ thể làm việc trong lĩnh vực này.

Trụ cột cuối cùng là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Một nhân tài có thể dẫn dắt được hàng chục, hàng trăm người đi theo. Và việc thu hút nhân tài trong công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ở Việt Nam, là việc hết sức quan trọng.

Với ba trụ cột đấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cố gắng hoàn thành đề án này theo đúng tiến độ đề ra.

Thông tin về tình hình kinh tế trong nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết kinh tế có dấu hiệu khởi sắc khi quý III, tăng trưởng đạt 5,33%, 9 tháng là 4,24%. Trong đó có điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước.

Nếu so sánh với quốc tế, với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới thì tăng trưởng của chúng ta là cao. Trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều cao hơn, thậm chí hơn cả những nước châu Âu như Anh, Pháp, kể cả Mỹ.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt thì việc quay về thị trường trong nước là tích cực, mặc dù phát triển chưa như mong đợi nhưng có đóng góp tốt, tiêu dùng hàng hóa tăng trên 9% so với cùng kỳ.

Về đầu tư công, 9 tháng giải ngân được 51,38%, đây là điều rất vui vì mấy năm trở lại đây đầu tư công không năm nào vượt trên 50%. Số tiền tuyệt đối mà chúng ta giải ngân cao hơn năm ngoái là hơn 110 nghìn tỷ đồng, đây là con số rất lớn.

An Linh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN