Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2001 đến năm 2022 toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ cháy, nổ làm chết 1.910 người, bị thương hơn 4.400 người.
Bộ Công an vừa có Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng cháy và Chữa cháy gửi tới Bộ Tư pháp.
Theo nội dung báo cáo của Bộ Công an, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều các vụ sập, đổ nhà, công trình, tai nạn trên cao, dưới nước, trong hang, hầm. Thiên tai, bão lụt liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu làm nhiều khu vực trên cả nước thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, hạn hán, nguy cơ cháy rừng trên diện rộng luôn ở mức cảnh báo cao.
Những yếu tố trên đã tác động trực tiếp đến tình hình cháy nổ, tai nạn, sự cố và đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2001 đến năm 2022, toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ cháy, nổ (trong đó xảy ra gần 50.000 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân; 344 vụ nổ và trên 9.800 vụ cháy rừng), làm chết 1.910 người, bị thương hơn 4.400 người. Về tài sản thiệt hại ước tính trên 26.000 tỷ đồng và trên 61.000ha rừng có giá trị kinh tế.
Theo Bộ Công an, trong số nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy thì sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm đến 45,5%; do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm hơn 26%; vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 1,7%...
Bộ Công an đánh giá, công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC có chuyển biến tích cực, được thực hiện đúng trình tự pháp luật. Các trường hợp xử lý hành chính đều lập hồ sơ quản lý theo dõi.
Nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp hành chính khác để ra các quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động của bộ phận cơ sở hoặc cơ sở khi có vi phạm nghiêm trọng về PCCC có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.
Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân trên 27.700 vụ cháy (chiếm tỷ lệ 93,7%); còn 1.853 vụ đang tiếp tục điều tra.
Đối với các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời khởi tố, điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC.
Điển hình như vụ cháy ngày 19/3/2014 tại chợ Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên; vụ cháy ngày 1/11/2016 tại quán karaoke ở quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội; vụ cháy 29/7/2017 tại xưởng sản xuất socola ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội; vụ cháy vụ cháy quán karaoke An Phú ngày 6/9/2022 tại TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương…
Bộ Công an nhận định, qua quá trình triển khai thực hiện Luật PCCC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Cụ thể, nhiều loại hình cơ sở mới hình thành, chưa có quy định cụ thể về phòng cháy; một số nội dung không còn phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC trong tình hình hiện nay...
Một số nội dung về phân cấp quản lý về PCCC và CNCH khó triển khai trong thực tiễn, khó xác định và quy trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, dẫn đến tình trạng khoán trắng công tác PCCC và CNCH cho lực lượng chức năng (cảnh sát PCCC và CNCH).
Việc áp dụng các quy định của cơ quan khác để thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC dẫn đến tình trạng khó khăn, bất cập và phải xin ý kiến các đơn vị chủ trì xây dựng quy định này, gây chồng chéo, rườm rà về thủ tục, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công an đã chỉ đạo công an 63 địa phương bố trí một cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH; triển khai phần mềm ứng dụng "Báo cháy-114".
Ngoài ra, Bộ Công an phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH để đưa vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa của các trường.
Công tác nhân rộng, phát triển mô hình phong trào và điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay đã xây dựng, phát triển, nhân rộng trên 40.500 mô hình điểm, trên 31.000 đơn vị, tổ chức điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH...