TTVH Online

Vùng đất này ở Vĩnh Phúc, thứ bánh quê đặc sản có cái tên lạ ăn ngon cỡ nào mà gây thương nhớ thiết tha?

Phong Cầm 22/05/2023 19:46 GMT+7

Những thực khách ​ từng thưởng thức bánh hòn Tá Tươi, thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) hẳn vẫn nhớ hương vị loại bánh này. Dù để nguội nhưng thân bánh vẫn mềm, quyện lẫn nhân bánh gồm thịt băm xào hành tươi, mộc nhĩ, lạc rang (giã)… tạo hương vị thơm ngon, bùi béo.

Các nguyên liệu chính để làm nên thương hiệu bánh hòn Tá Tươi dân dã và được làm thủ công dưới đôi bàn tay của những người phụ nữ thôn quê. Sự chân chất, mộc mạc ấy gây thương nhớ cho các thực khách; trải qua các vòng thẩm định, đánh giá, bánh hòn Tá Tươi đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022.

Chịu thương, chịu khó với nghề

Xã Hợp Thịnh có nhiều hộ gia đình làm bánh hòn, nhưng chỉ có bánh hòn Tá Tươi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nguyên nhân không chỉ bởi cơ sở là một trong số những hộ gia đình làm bánh đầu tiên ở địa phương mà chất lượng bánh ở đây ngon, được nhiều thực khách biết đến và đặt hàng thường xuyên.

Chia sẻ về cái duyên làm nghề bánh hòn, chị Phùng Thị Tươi, chủ cơ sở bánh hòn Tá Tươi cho biết: “Trước đây, tôi đi làm công nhân, được một thời gian thấy thu nhập thấp, nhà lại neo người trông con nên xin nghỉ để đi học làm bánh hòn và gắn bó với nghề từ ấy đến nay”.

Là người kỹ tính nên các nguyên liệu đầu vào được chị Tươi chọn lọc cẩn thận. Nếu như các nhà khác sẵn lấy bột làm bún để làm bánh hòn thì chị Tươi đã tìm đặt gạo Bao thai ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang về làm. Theo chị Tươi, bột gạo Bao thai tuy không trắng, nhưng lại khiến vỏ bánh mềm, ăn đặm vị.

Gạo sau khi ngâm sẽ nghiền thành bột, tiếp tục ngâm thêm rồi đem lọc khô. Lúc này, cho bột khô trộn tỷ lệ với nước và đưa lên bếp khuấy đều đến khi bột đặc lại (gần chín bột) thì bắc ra. Bột nguội bớt tiếp tục đánh bằng máy cho mềm, dẻo hơn. 

Bấy giờ, mọi người chia bột thành những phần nhỏ, nắm trong lòng bàn tay, vo tròn, ấn dẹt và cho nhân bánh vào, túm các góc của miếng bột lại, vê kín miệng thành hình tròn rồi cho vào luộc lại 1 lần nữa là ra chiếc bánh hòn.

Tại cơ sở sản xuất bánh hòn Tá Tươi ngày nào cũng có từ 5-10 người đến phụ làm bánh. Họ đều là các bà, các cô trong xóm, mỗi người một việc, người thì sơ chế hành, xào nhân bánh, người lại bận rộn khuấy bột, đánh bột. Sau khi hoàn tất các công việc, mọi người xúm vào nặn bánh, luộc bánh rất nhịp nhàng. Bánh hòn sau khi luộc được vớt ra rổ, đưa vào quạt để làm nguội bớt rồi chia vào những chiếc hộp nhỏ, trọng lượng khoảng 500gr/hộp.

Vùng đất này ở Vĩnh Phúc, thứ bánh quê đặc sản có cái tên lạ ăn ngon cỡ nào mà gây thương nhớ thiết tha? - Ảnh 1.

 Các chị, các cô thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) nặn bánh hòn.

Chị Tươi cho biết thêm: “Không chỉ chú trọng tuyển chọn gạo, thịt làm nhân bánh tôi cũng phải lấy loại thịt vai (hoặc nách), tuyệt đối không làm thịt gáy, thịt cổ hoặc thịt lợn vụn. Ngày nào làm bánh, tôi lấy thịt, hành ngày đó cho tươi ngon. Thịt sau khi lấy về được sơ chế cẩn thận nên nhân bánh thơm ngon, làm vừa lòng những thực khách khó tính nhất”.

Vất vả nhất có lẽ là khâu khuấy bột (ráo bột). Trên chiếc bếp củi cháy hừng hực là chiếc nồi gang to chứa đầy bột. Bấy giờ, cô Nguyễn Thị Thuận ra sức khuấy bột bằng chiếc đũa gỗ to, dù mát trời, nhưng do phải dùng sức nhiều, lại liên tục đứng gần bếp lửa nên mồ hôi cô Thuận nhễ nhại, gương mặt đỏ bừng.

Theo cô Thuận, khuấy bột mùa này còn đỡ nóng bức, mùa hè như bị “tra tấn”. 

Từ lúc bắc nồi bột lên bếp phải liên tục khuấy đều tay, để bột không bị khê, vón cục hoặc chỗ sống, chỗ chín. Đảm nhận những phần việc vừa khó, vừa khổ, nên cô Thuận và một số chị em khác được mọi người phong cho chức “kiện tướng” khuấy bột, luộc bánh.

Để kịp làm ra những mẻ bánh hòn ngon, nóng hổi phục vụ khách hàng và cũng để giảm bớt sự nóng nực, khâu ráo bột thường thường được các đầu bếp làm từ tờ mờ sáng. Thế nên, nhiều người bảo "Làm nghề bánh hòn phải chịu thương, chịu khó".

Trăn trở đưa sản phẩm bánh quê vươn xa

Với 1 tạ bánh hòn thành phẩm, trung bình mỗi ngày, cơ sở Tá Tươi phải đóng gói khoảng 200 hộp bánh bán ra thị trường. Bánh ngon, dễ ăn, nên khách hàng không chỉ đặt cho các đám cưới, hội nghị mà nhiều trường mầm non, tiểu học ở các xã lân cận cũng thường xuyên đặt bánh hòn cho học sinh ăn bán trú.

Theo chị Tươi, cao điểm mùa cưới, cơ sở làm từ 800-1.000 hộp bánh/ngày. Thông thường, khách có nhu cầu ăn bánh hòn sẽ điện thoại đặt hàng từ tối hôm trước hoặc sáng sớm, nên cơ sở phải làm từ 3h sáng đến gần trưa mới kịp giao hàng cho khách.

Có thể thấy, chất lượng bánh hòn Tá Tươi dù ngon, nhưng quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ. Phần lớn, việc cung ứng sản phẩm dựa trên nhu cầu đặt hàng của khách hàng quen trong khu vực, chưa có các điểm bán bánh lẻ phục vụ người dân ở các khu vực lân cận.

Vùng đất này ở Vĩnh Phúc, thứ bánh quê đặc sản có cái tên lạ ăn ngon cỡ nào mà gây thương nhớ thiết tha? - Ảnh 2.

 Mẻ bánh hòn nóng mới ra lò, đặ sản của thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc).

Cụ thể, dù cách chợ đầu mối Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên… không xa nhưng tại các địa điểm này chưa có cửa hàng giới thiệu sản phẩm hay ít nhất là những tiểu thương bán bánh hòn Tá Tươi. Điều này khiến việc tìm mua sản phẩm OCOP nói chung, bánh hòn Tá Tươi trở nên khó khăn, dù bạn đọc có biết đến thương hiệu của sản phẩm. 

Hay nói cách khác, muốn thưởng thức bánh hòn Tá Tươi, thực khách phải đến tận cơ sở sản xuất để mua, hoặc được ship nếu đặt hàng nhiều, còn mua ở các chợ truyền thống thì không có.

Qua đó để thấy rằng, dù công tác tuyên truyền thương hiệu sản phẩm OCOP ở các địa phương được các sở, ngành quan tâm, nhưng nếu chủ thể (chủ cơ sở sản xuất) không có sự tìm tòi hướng phát triển kinh doanh để mở rộng thị trường thì sản phẩm rất khó đến được tay người tiêu dùng. Nhất là đối với nhóm sản phẩm cần tiêu thụ nhanh trong ngày thì việc kết nối với các tiểu thương, kênh tiêu thụ đòi hỏi phải có sự tính toán, nhạy bén nhất định.

Thực tế, khi kinh tế-xã hội phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao thì nhu cầu sử dụng thực phẩm chất lượng, an toàn luôn được người tiêu dùng quan tâm. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các sản phẩm OCOP ở các địa phương đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Mặc dù toàn tỉnh có 2-3 cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP, nhưng 2 kênh tiêu thụ lớn là siêu thị và chợ đầu mối vẫn vắng bóng các thương hiệu địa phương, điều này khiến người tiêu dùng băn khoăn trong lựa chọn cũng như tìm mua các sản phẩm OCOP.

Chị Tươi khẳng định: “Với sự quan tâm của các sở, ngành chức năng trong đánh giá, công nhận bánh hòn Tá Tươi đạt sản phẩm OCOP 3 sao, thời gian tới, cơ sở sẽ nỗ lực nâng cao sản lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trước mắt, chúng tôi sẽ đưa bánh hòn Tá Tươi về gần hơn với người dân thành phố Vĩnh Yên và các xã, phường lân cận, sau đó tiến tới các tỉnh bạn”.

Được biết, thời gian qua, ngành Công thương đã xúc tiến việc đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm thương mại, hy vọng sẽ mở rộng ra các chợ truyền thống để việc mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương đối với người dân được thuận tiện hơn.

Mong rằng, bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của các sở, ngành chức năng và địa phương thì các chủ thể OCOP sẽ chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu thị trường, nâng cao khả năng kết nối cung cầu, tiêu thụ để đưa sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng hơn.

Việc người dân tiếp cận sản phẩm thuận lợi là cơ hội giúp các chủ thể OCOP nâng cao doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng phát triển bền vững.    

Hà Trần
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN