TTVH Online

Trường học xử lý thế nào nếu SGK không có trong danh mục được công bố?

Phong Cầm 13/05/2023 12:28 GMT+7

Nếu sách giáo khoa lựa chọn không có trong danh mục đầu sách được UBND TP.HCM phê duyệt, tổ chuyên môn của trường phải bàn bạc, thống nhất đầu sách phù hợp dựa trên danh mục UBND phê duyệt để sử dụng.

Công bố danh mục sách giáo khoa mới

UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa theo lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 4, 8 và 11 năm học 2023-2024.

Theo danh mục sách được công bố, bộ sách giáo khoa lớp 4 được phê duyệt có 27 đầu sách. Mỗi môn đều có từ 2-3 đầu sách, phần lớn do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện. Số còn lại thuộc về Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Trường học xử lý thế nào nếu SGK không có trong danh mục được công bố? - Ảnh 1.

Một số đầu sách SGK lớp 4. Ảnh chụp văn bản

Bộ sách giáo khoa lớp 8 có 36 đầu sách ở 11 môn. Trong đó, môn toán có 4 bộ sách gồm: Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống (của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm), Cùng khám phá (Nhà xuất bản Đại học Huế). Môn ngữ văn có 3 bộ gồm: Chân trời sáng tạo, Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống. Khoa học tự nhiên có 2 bộ sách, lịch sử và địa lý 3 sách, tin học có 3 bộ sách, tiếng Anh 6 bộ sách.

Đối với sách giáo khoa lớp 11, UBND TP.HCM công bố 62 đầu sách ở 15 môn. Trong đó, môn Toán có 4 bộ Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm), Cùng khám phá (Nhà xuất bản Đại học Huế). Môn Ngữ văn có 3 bộ, Lịch sử có 2 bộ và Địa lí có 3 bộ. Đặc biệt, môn Mỹ thuật có đến 11 bộ sách.

Xử lý thế nào nếu sách trường chọn không có trong danh mục công bố?

Theo lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM, căn cứ vào danh mục sách giáo khoa được UBND TP.HCM phê duyệt, cơ sở giáo dục dựa vào danh mục đầu sách mà tổ chuyên môn đã đề xuất lựa chọn trước đây để đưa ra đầu sách phù hợp cho từng bộ môn. Sau đó, thông tin đến phụ huynh học sinh về loại sách giáo khoa mà trường sử dụng trong năm học 2023-2024.

Trường học xử lý thế nào nếu SGK không có trong danh mục được công bố? - Ảnh 3.

Nếu sách giáo khoa lựa chọn không có trong danh mục đầu sách được UBND TP.HCM phê duyệt thì các trường cần lựa chọn đầu sách phù hợp đã được công bố. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Nếu xảy ra trường hợp đầu sách ở bộ môn mà nhà trường đề xuất lựa chọn trước đó không có trong danh mục đầu sách mà UBND TP.HCM phê duyệt, tổ chuyên môn của trường phải bàn bạc, thống nhất đầu sách phù hợp (dựa trên danh mục đầu sách của UBND TP.HCM phê duyệt) rồi mới thông báo cho phụ huynh học sinh.

Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM nhận định, đối với Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa có tính năng là tài liệu tham khảo. Việc giảng dạy của giáo viên không lệ thuộc vào sách giáo khoa như trước đây. Do đó, cho dù lựa chọn bộ sách nào thì giáo viên vẫn cần phải tham khảo, nghiên cứu, chọn lọc tư liệu ở các bộ sách còn lại để làm bài học trang bị thêm kiến thức cho học sinh; biến bài học trở nên sinh động, hấp dẫn. Song song đó, học sinh cũng nên tham khảo các bộ sách khác để mở rộng thêm kiến thức, nâng cao khả năng tự học.

Mỹ Quỳnh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN