Các chuyên gia pháp lý cho biết, tòa cấp phúc thẩm sẽ xem xét một cách cẩn trọng, toàn diện vụ cô giáo Lê Thị Dung bị tuyên phạt 5 năm tù vì gây thiệt hại cho Nhà nước 45 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, các chuyên gia pháp lý đã phân tích về vụ việc TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) tuyên án 5 năm tù cho bà Lê Thị Dung (cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Dung bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm.
Cụ thể, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo nội dung trình bày tại phiên tòa, bà Dung không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng quy chế đã được xây dựng hợp lệ và việc chi tiêu thực hiện đúng quy chế, được công khai trước nhiều cơ quan chức năng.
Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp phúc thẩm cần làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của bị cáo khi thực hiện việc chi tiêu nội bộ này như thế nào, chứng cứ nào chứng minh bị cáo đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Ông Cường cho rằng, trường hợp pháp luật chưa quy định rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau thì không nên xử lý hình sự trong trường hợp này mà có thể áp dụng biện pháp xử lý khác để truy thu tài sản cho nhà nước, rút kinh nghiệm, tiến hành kỷ luật cũng có thể giải quyết được vấn đề.
Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Dung phạm tội 2 lần trở lên nên áp dụng khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm và tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bà Dung ở mức thấp nhất là 5 năm tù.
Như vậy, trường hợp nếu bà Dung có tội, việc kết án 5 năm tù không sai. Bởi, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự, trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự trở lên, có thể chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn.
Vì thế, trong trường hợp bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và được xác định là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc mới có thể được chuyển sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Tuy nhiên, trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Dung không thành khẩn khai báo, không nhận tội nên không được áp dụng Điều 54 của Bộ luật hình sự để chuyển khung hình phạt.
Vị chuyên gia cho rằng, đây là vụ án phức tạp, dư luận có nhiều thông tin trái chiều, bản thân bị cáo bức xúc và kháng cáo kêu oan. Tòa án cấp phúc thẩm cần thận trọng trong việc xem xét đánh giá toàn bộ các tình tiết có liên quan đến vụ án, làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Đặc biệt là làm rõ quy định của pháp luật về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công lập để xác định hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hay không, mức độ xử lý như thế nào cho phù hợp với quy định.
Trong khi đó, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này, cần xem xét lại việc áp dụng tình tiết phạm tội 2 lần trở lên đối với bà Dung theo điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Bởi theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tòa án muốn áp dụng tình tiết phạm tội 2 lần trở lên theo điểm b khoản 2, Điều 356 để xét xử bị cáo phải có đầy đủ điều kiện là bị cáo thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên và tổng số tiền gây thiệt hại phải từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
Đối chiếu quy định trên, thấy trong vụ việc này, hành vi của bà Dung gây thiệt hại 45 triệu đồng nên chỉ có căn cứ xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Theo cáo trạng, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung, khi đó là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) đã nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ ngân sách nhà nước.
Cũng theo hồ sơ vụ án, trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật.
Một số khoản thanh toán hai lần cho một nội dung như đã nhận được phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/tuần cho chức danh bí thư chi bộ, đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán…
Tổng số tiền gây thiệt hại cho ngân sách theo cáo trạng là 48,3 triệu đồng, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, viện kiểm sát đã rút xuống còn gần 45 triệu đồng.
Viện kiểm sát cho rằng do bà Dung thanh toán nhiều lần trong nhiều năm nên rơi vào trường hợp "phạm tội nhiều lần" và bị truy tố ở khung hình phạt 5 - 10 năm tù. Sau đó bà Dung bị TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù về tội danh trên.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bà Dung không nhận tội vì cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện để kiểm soát chi.
Theo hồ sơ, bà Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình có đóng góp kinh phí hỗ trợ phòng chống Covid-19…
Tuy nhiên do bà Dung kêu oan và không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án 5 năm tù.
Cũng trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Hương, nguyên kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên bị tuyên 24 tháng tù treo. Bà Hương bị xác định biết các khoản thanh toán của cựu giám đốc là sai nhưng vẫn làm thủ tục cho cho thanh toán.