Một con cá voi đã được bảo tồn tiêu bản tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Gothenburg ở Thụy Điển có tên là Cá voi Malm.
Nhồi bông hay việc hoàn thành một tiêu bản nhồi động vật là một quá trình đầy thách thức đối với động vật biển, chẳng hạn như cá voi và cá heo. Lý do chính là vì làn da của chúng khó xử lý đối với cả những tay thợ lành nghề nhất.
Mặc dù về mặt kỹ thuật là có thể, nhưng việc chúng thiếu bộ lông khiến việc duy trì màu da trở nên khó khăn, da sẽ chuyển sang màu xám sau vài năm. Vì thế, có rất ít các sinh vật biển được nhồi bông. Tuy nhiên, có một con cá voi đã được biến thành tiêu bản nhồi tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Gothenburg ở Thụy Điển, được gọi là Cá voi Malm.
Câu chuyện về Cá voi Malm bắt nguồn từ năm 1865, khi một con cá voi xanh dạt vào bờ biển Askim gần thành phố Gothenburg. Nhiều người dân địa phương chưa từng nhìn thấy cá voi rất phấn khích khi chứng kiến cảnh tượng hiếm gặp này.
Tuy nhiên, những ngư dân phát hiện ra con cá voi đã giết nó một cách dã man, đầu tiên móc mắt, sau đó đâm nó bằng lao và chặt bằng rìu. August Wilhelm Malm, nhà phân loại học và người phụ trách Bảo tàng Gothenburg, đã mua con cá voi từ những kẻ giết nó cho bộ sưu tập trong bảo tàng của mình.
Việc vận chuyển động vật có vú khổng lồ đến Gothenburg đã phải sử dụng tới ba tàu hơi nước và hai sà lan chở than, thu hút một lượng lớn người xem vì tò mò. Ban đầu Malm chỉ định giữ lại một phần da của con cá cho bảo tàng, nhưng đến giờ chót lại quyết định xử lý để làm tiêu bản toàn bộ con cá voi.
Malm đã thuê một nhóm những người bán thịt để xẻ thịt cá voi và loại bỏ mỡ và nội tạng, trong khi các bộ phận của cá voi, bao gồm tim, một mắt, thanh quản, trực tràng và các bộ phận của ruột, được bảo quản bằng glycerine và rượu. Da được xử lý bằng muối, mùn cưa và đất sét nghiền thành bột, sau đó phủ bên trong bằng dung dịch asen bão hòa. Sau khi da khô, nó được phủ thêm một lớp thủy ngân clorua và một lớp sơn bóng copal trong suốt.
Một khung gỗ được đóng để định hình một con cá voi, da được căng trên khung và được giữ với nhau bằng 30.000 chốt kẽm và đồng. Cổ được trang bị bản lề, cho phép mở hàm và du khách có thể trèo vào bụng con "quái vật", nơi được chuyển thành phòng khách với ghế dài, thảm trải sàn và tranh treo tường. Mặc dù một số nguồn cho rằng bên trong con cá voi từng được sử dụng như một quán cà phê nhỏ, nhưng chưa có nguồn chính thống đáng tin cậy nào xác nhận điều này.
Khi bảo tàng kỷ niệm sinh nhật lần thứ một trăm của cá voi vào năm 1965, hơn 11.000 người đã đến thăm. (Ảnh: IT).
Trước đó, du khách có thể trèo vào miệng cá voi bất cứ lúc nào, nhưng vào những năm 1930, một cặp đôi được phát hiện đang làm tình bên trong. Sau sự cố đó, hàm bị đóng lại và chỉ mở ra vào những dịp đặc biệt. Miệng được mở vào năm 1940 trong lễ kỷ niệm 75 năm của Cá voi Malm và một lần nữa vào năm 1955 tại lễ kỷ niệm 90 năm và một lần nữa vào năm 1965 tại lễ kỷ niệm 100 năm. Khi bảo tàng kỷ niệm sinh nhật lần thứ một trăm của cá voi vào năm 1965, hơn 11.000 người đã đến thăm.
Bất chấp sự nổi tiếng của Cá voi Malm như một điểm thu hút khác du lịch, việc nhồi tiêu bản động vật biển như cá voi và cá heo nhìn chung không thành công do những khó khăn trong việc bảo quản da của chúng. Quá trình bảo tồn Cá voi Malm đòi hỏi nhiều nỗ lực và nguồn lực, và khó có khả năng một công việc tương tự sẽ được thực hiện ngày nay.
Ngoài ra, việc giết hại cá voi theo cách tàn bạo như vậy hiện đang bị lên án rộng rãi và không thể chấp nhận được trong thời hiện đại. Ngày nay, các hội bảo vệ động vật đã nỗ lực để bảo vệ, bảo tồn sinh vật biển, nhiều quốc gia ban hành luật ngăn chặn việc săn bắt cá voi và cá heo.
Cá voi Malm đóng vai trò là một hiện vật lịch sử độc đáo, một cái nhìn thoáng qua về thời kỳ mà sự tò mò khoa học, mong muốn thu thập và trưng bày các mẫu vật quý hiếm là động lực của các viện bảo tàng. Nó cũng như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh vật biển và sự cần thiết phải đối xử với động vật bằng sự tôn trọng và lòng trắc ẩn.
Tiêu bản nhồi/Định hình (Taxidermy):
Đây là dạng tiêu bản phổ biến, tuy nhiên không dễ thực hiện, đòi hỏi người làm phải có kiến thức về điêu khắc, sinh học, gia công,... Người ta sẽ chỉ lấy bộ da ngoài của con vật (kèm một số bộ phận khác nếu cần thiết, ví dụ như phần sọ, xương mõm, móng guốc,...), sau đó tẩm hóa chất để bảo quản. Tiếp theo, người ta sẽ khoác nó lên một cái khung được làm sẵn bằng kim loại, thạch cao, gỗ hoặc xốp. Sau cùng, tiêu bản sẽ được tô vẽ, gia công để trông sống động hơn.