Về vụ cục nóng điều hòa phát nổ ở Vĩnh Phúc khiến một người tử vong, một người bị thương, bạn đọc đặt câu hỏi, trong vụ việc này trách nhiệm bồi thường được quy định thế nào?
Chiều 20/4, một gia đình ở Khu đô thị Khai Quang (TP.Vĩnh Yên) gọi thợ đến sửa máy điều hòa. Hai người thợ trèo lên mái tôn của ngôi nhà để xử lý cục nóng máy điều hòa, trong khi sửa gas điều hòa, cục nóng điều hòa bất ngờ nổ tung.
Sau đó, 2 người thợ được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Do vết thương nặng, một trong 2 nạn nhân là anh K.V.H (28 tuổi, trú xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhưng anh Hiệu tử vong tại bệnh viện vào đêm 20/4.
Người thợ cùng đi là anh P.T.B (40 tuổi, cùng trú xã Vĩnh Ninh) bị thương, được điều trị tại cơ sở y tế.
Khoảnh khắc cục nóng điều hòa phát nổ đã được camera một nhà dân trong khu vực ghi lại, sau đó lan truyền trên mạng xã hội.
Clip bắt đầu bằng cảnh một người thợ ngồi bên cạnh cục nóng điều hòa, người thợ còn lại đang bước đi trên mái tôn, tiến lại gần cục nóng điều hòa. Khi người thợ thứ 2 bước đến bên cạnh cục nóng điều hòa và vừa cúi xuống sát người thợ thứ nhất thì cục nóng phát nổ.
Theo Công an TP.Vĩnh Yên, nguyên nhân ban đầu có thể do nổ khí gas. Vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sỹ luật Đặng Cho biết, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến một người tử vong, một người bị thương. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác định trách nhiệm của các bên liên quan, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo ông Cường, sau quá trình điều tra, xác minh có thể sẽ có một số tình huống sau xảy ra.
Theo đó, trường hợp vụ việc xác định có lỗi của đơn vị sử dụng lao động, vi phạm quy định về an toàn lao động khi không tập huấn nghiệp vụ, nhân viên không có trình độ chuyên môn, không được đào tạo, có thể xem xét trách nhiệm liên quan đến vi phạm về an toàn lao động.
Nếu hậu quả nghiêm trọng, còn có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" theo Điều 295 Bộ luật hình sự.
Còn trường hợp không chứng minh được lỗi của đơn vị sử dụng lao động, vấn đề hình sự sẽ không được đặt ra, tuy nhiên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Ngoài ra, vị chuyên gia thông tin, theo quy định của pháp luật, khí ga là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ quy định về quy cách bảo quản, cách thức quản lý sử dụng.
Vì vậy, nếu trường hợp khí ga gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, chủ sở hữu khí ra đó có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 601 Bộ luật dân sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được xác định là bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ người lao động này có ký hợp đồng lao động hay không, có đóng bảo hiểm hay không để xác định quyền lợi và trách nhiệm khi tai nạn lao động xảy ra.
Nhưng trước tiên, đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm hỗ trợ người lao động trong việc chi trả các chi phí cứu chữa.