Theo đó, dự kiến tháng 5/2023, chính sách miễn thị thực và cấp thị thực trong dự án sửa đổi, bổ sung một số điều luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được Quốc hội thông qua.
Ngày 22/3, tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" do báo Đầu tư tổ chức nhằm đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an; bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội cùng các doanh nghiệp trong nước và các chuyên gia khách quốc tế.
Theo đó, tại buổi tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc: "Du lịch là một trong những ngành kinh tế năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Tầm quan trọng của ngành du lịch như một động lực giúp tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và sản phẩm địa phương đã được nhắc đến trong một số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cụ thể là Mục tiêu 8, 12 và 14, khẳng định "Du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào việc tạo việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng thông qua các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ".
Theo ông Minh, Việt Nam có 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)...; 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8 nghìn lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước…
Thế nhưng vì sao du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều, trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch và đang đặt ra những tham vọng cao hơn?
Cần có những giải pháp cụ thể, khả thi nào trong các chương trình hành động để khơi thông các điểm nghẽn, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng du lịch đất nước, sớm thu hút du khách trở lại đông hơn?
Để trả lời cho những câu hỏi và cũng là nỗi đau đáu của những người làm du lịch, bà Nguyễn Thị Lê Hương- Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettravel chia sẻ tại buổi tọa đàm: "Tôi cho rằng sản phẩm du lịch là quan trọng, khách hàng quay trở lại Châu Á thì sản phẩm du lịch của Việt Nam cần được xác định rõ ràng. Việt Nam hãy coi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng là hàng đầu".
Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương, bên cạnh xác định sản phẩm du lịch thì cần phải truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, đưa ra thông điệp Việt Nam là đất nước nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, giống như đảo Bali của Indonexia, Campuchia…
Còn với ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) thì cho hay: "Đứng dưới góc độ người làm du lịch, chúng tôi tham vọng cao hơn là con số 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023. Chúng ta có thể vượt trên 10 triệu lượt khách hoặc 12 triệu lượt khách.
Chúng tôi tin rằng ngành du lịch sẽ quay trở lại và đóng góp cao hơn năm trước, muốn như vậy chúng ta cần thu hút khách du lịch chất lượng cao. Chúng ta cần phải hiểu khách hàng, cần phải nghiên cứu thị trường, bởi trước dịch xu hướng và nhu cầu du lịch khác với sau dịch Covid-19.
Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu thị trường du lịch, nếu không tìm hiểu thị trường, chúng ta sẽ còn loay hoay và đưa ra định hướng không đúng.
Vừa rồi chúng tôi nghiên cứu và thấy xu hướng mới đang nổi lên ở thị trường du lịch đó là khách không còn đi theo đoàn nhỏ mà đi theo cá nhân, xu hướng đi du lịch xanh, muốn trở về với thiên nhiên.
Bên cạnh những ý kiến của các doanh nghiệp trong nước thì cũng có một vấn đề được nhiều chuyên gia du lịch nhận xét là "nút thắt" trong việc hút khách quốc tế đến Việt Nam, đó chính là chính sách thị thực, để trả lời cho những thắc mắc này, ông Đặng Tuấn Việt – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã chia sẻ: "Để đáp ứng yêu cầu thực tế trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch và cũng lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà quản lý, từ ngày 14/3 Bộ Công an đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó nội dung nổi bật nhất là bước đột phá cởi mở trong chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử.
Cụ thể, có ba đề xuất được Bộ Công an nhấn mạnh trong dự án lần này.
1. Đề xuất mở rộng diện các quốc gia được cấp thị thực điện tử, hiện nay theo Nghị quyết của Chính phủ quy định là 80 nước, nhưng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công an thì sẽ mở rộng tối đa các nước được cấp thị thực điện tử, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu luật định, là tôn trọng, không xâm phạm an ninh trật tự và chủ quyền của Việt Nam.
2. Đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người cấp thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày và giá trị của thị thực điện tử có thể là 1 lần hoặc nhiều lần căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch. Đảm bảo cho người nước ngoài, khách du lịch có thể xuất cảnh nhiều lần thực hiện công việc kinh doanh hay tour kết nối.
3. Đề xuất kéo dài tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú, cấp thị thực thẻ tạm trú nếu đáp ứng được yêu cầu khác của pháp luật.
Trong thời gian chờ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành thì Bộ Công an có giải pháp nào để không bị lỡ cơ hội kéo du khách nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt đạt được mục tiêu là 8 triệu lượt khách vào năm nay.
Đối với câu hỏi này, ông Đặng Tuấn Việt cho biết để đáp ứng nhu cầu thực tế, Bộ Công an dự kiến đề xuất với Quốc hội đưa nội dung cơ bản liên quan đến chính sách miễn thị thực, cấp thị thực điện tử vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đó chưa phải là luật nhưng là căn cứ để Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngày chính sách cởi mở về thị thực.
Cũng theo ông Đặng Tuấn Việt, hy vọng đề xuất này sẽ được thông qua Quốc hội vào tháng 5/2023.