Chưa bao giờ chúng ta lại hội tụ nhiều yếu tố "cần" và "đủ" như lúc này để cải cách tiền lương. Năm 2023 liệu có thể trở thành năm quá độ, tiền đề để đẩy nhanh cải cách tiền lương trong năm 2024?
Cuối năm 2022, Quốc hội đã có nhiều phiên thảo luận về tiền lương công chức, viên chức. Một trong những vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu thảo luận đó chính là tăng lương cho công chức, viên chức.
Tuy nhiên, phân tích đi, phân tích lại các đại biểu đều cho rằng năm 2022 - 2023 chưa phải là thời điểm thích hợp để cải cách tiền lương. Kết quả cuối được đưa ra là điều chỉnh tiền lương, theo hướng tăng lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.800.000 đồng/tháng từ 1/7/2023.
Dù không phải là mức cao, chưa xoa dịu được "cơn khát tiền lương" của đại đa số công chức, viên chức nhưng bước điều chỉnh này cũng giúp cải thiện tình trạng công chức rời bỏ bộ máy công quyền, mang lại nguồn sinh khí mới trong môi trường làm việc công.
Bước tăng lương cơ sở được cho là dọn đường cho mục tiêu cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27 của Trung ương khoá 12 ban hành năm 2018. Bộ Nội vụ cũng đã lên kế hoạch cho lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến thực hiện năm 2024.
Nghị quyết 27/2018 được kỳ vọng là sẽ mang lại những thay đổi cơ bản, trong đó trọng tâm là người lao động trong khu vực công sẽ được trả lương theo vị trí việc làm.
Nghị quyết đưa ra mục tiêu từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Mục tiêu Nghị quyết 27 là vậy, nhưng do dịch Covid-19 nên tới tháng 10/2020, Hội nghị 13, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã quyết định lùi cải cách tiền lương đến ngày 1/7/2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đưa ra mốc mới: Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022.
Quyết tâm cao vậy, nhưng việc thực hiện Nghị quyết 27 đã không thể thực hiện đúng lộ trình do tác động của dịch Covid-19. Quốc hội đã phải lùi cải cách tiền lương tận 2 lần (1 lần lùi từ năm 2020 sang năm 2022, và lùi từ năm 2022 tới thời điểm thích hợp). Những điều chỉnh này được thông qua tại Nghị quyết 34/2021/QH15.
Cho đến tháng 10/2022, Quốc hội tiếp tục quyết định chưa cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 mà chỉ đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện điều này. Thay vào đó là sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023 và tăng lương cho người về hưu.
Ông Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã từng nói: “Trên thực tế cán bộ công chức là người quyết định chính sách pháp luật quốc gia, là người kiểm soát xã hội, là người thực thi công vụ nhưng lại được trả lương thấp nhất trong hệ thống, vậy sao không sinh sự?
Cứ động viên, khuyên bảo thì không phải, thực sự đây là động lực, công cụ kiểm soát việc thực hiện năng lực, chức trách có đúng hay không. Và họ có quyền được hưởng những đóng góp, đầu ra, sản phẩm của họ”.
Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, nghị quyết có nêu nhiệm vụ "trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách công chức, viên chức”.
Đại diện bộ Nội vụ cũng đã chia sẻ nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của bộ này là tập trung thực hiện “Ba đột phá” và “Bốn trọng tâm”. Một trong những trọng tâm lớn nhất là sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm, tạo lộ trình cho cải cách chính sách tiền lương từ năm 2024 trở đi.
Năm nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế dần ổn định trở lại, bởi vậy, theo TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội (Quốc hội), đây là thời điểm thuận lợi để cải cách tiền lương.
Ông Lợi cho rằng để cải cách tiền lương cần thực hiện song song 5 bước đột phá:
Thứ nhất, cần đổi mới trong tư duy khi cải cách chính sách tiền lương. Tức là người làm chính sách cần xác định tư duy cải cách chính sách tiền lương, chi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chính là chi cho đầu tư phát triển. Đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.
Thứ 2, tinh giản biên chế là khâu đột phá quan trọng để cải cách chính sách tiền lương. Cụ thể để đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương thì bộ máy hành chính nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với giá trị sức lao động.
Thứ 3 là tạo nguồn ngân sách để tăng lương. Đây là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương đi vào thực tiễn đời sống, tiền lương phải gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân.
Hiện nay, ngân sách nhà nước ta còn hạn hẹp, trong khi phải chi nhiều, đặc biệt là chi xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất,…
Vì vậy phải cơ cấu lại chi ngân sách, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực, các tập đoàn nhà nước không có hiệu quả, dùng lượng tiền đó để tăng lương.
Thứ 4 trả lương theo đúng vị trí việc làm và mức độ cống hiến. Để làm được điều này cần tiến hành rà soát lại đội ngũ công chức hành chính nhằm nâng cao chất lượng và giảm những công chức không có năng lực hoặc biến chất.
Thứ 5 đầu tư cho phát triển tính vào lương phải đảm bảo "tính đúng", "tính đủ". Quá trình thực hiện cải cách tiền lương cần tiến hành đồng bộ với cải cách các chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: Cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách BHXH, chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội; đồng thời phải xuất phát từ tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.
Nội dung cải cách chính sách tiền lương phải toàn diện, bao gồm cả thang lương, bảng lương, hệ số lương và các khoản phụ cấp, đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển.
Khoản "đầu tư cho phát triển" tính vào lương cần đảm bảo "tính đúng", "tính đủ". Tính đúng, là tiền lương phải được gắn với công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của công chức hành chính; đảm bảo tiền lương là đòn bẩy để tăng năng suất lao động và tiền lương phải bảo đảm đúng giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động.