TTVH Online

Chuyên gia giáo dục kinh ngạc vì ứng dụng ChatGPT

Phong Cầm 03/02/2023 08:42 GMT+7

Nếu như giáo viên mất 1-2 buổi suy nghĩ và vài chục giờ làm việc để soạn giáo án thì ChatGPT chỉ mất 6 phút. Đây là con số khiến cho ngành giáo dục cũng phải quan tâm trước cơn bão ChatGPT.

Ứng dụng ChatGPT đang gây bão khi thông báo cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt (TikTok mất 9 tháng, trong khi Intagram tốn 2 năm). Đây là sản phẩm của Công ty OpenAI (Mỹ), chuyên nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Theo AP, hệ thống AI thế hệ mới có thể chuyển đổi, tạo văn bản theo nhu cầu, tạo những hình ảnh và đoạn phim mới dựa trên những gì đã học được từ cơ sở dữ liệu khổng lồ về sách kỹ thuật số, bài viết trực tuyến và các phương tiện khác. Hàng triệu người dùng đã thích thú trải nghiệm công cụ này và đang giúp nó trở nên thông minh hơn.

Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cũng đã trải nghiệm và bất ngờ với ChatGPT.

Có AI, con người càng phải học nhiều hơn

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, chia sẻ: "Mình vừa thử dùng ChatGPT để thiết kế chương trình học cho học sinh. Thật sự đáng kinh ngạc khi ChatGPT chỉ mất 6 phút để soạn một giáo án dài 6 trang mà giáo viên có thể sử dụng ngay, với chất lượng khá. Để ra một kết quả tương tự, team soạn giáo án của mình có thể sẽ tốn ít nhất 1-2 buổi suy nghĩ và vài chục giờ làm việc.

Chuyên gia giáo dục kinh ngạc vì ứng dụng ChatGPT - Ảnh 1.

ChatGPT chỉ mất 6 phút để soạn giáo án dài 6 trang. Ảnh minh họa: PLO

Vài nhận định của mình về ChatGPT như sau: Sử dụng ChatGPT thì kỹ năng đặt câu hỏi/ra yêu cầu là rất quan trọng. Bạn càng biết rõ cái bạn muốn, càng có kỹ năng mô tả rõ điều bạn muốn, chất lượng sản phẩm mà AI tạo ra càng tốt. Ví dụ, bạn bảo "Soạn cho tôi một giáo án kỹ năng sống", kết quả sẽ rất chán so với "Soạn cho tôi một giáo án với chủ đề A, hướng đến đối tượng B để giải quyết các nhu cầu C, dùng phương pháp D và có độ dài lý tưởng là E".

Và như thế, không có nghĩa là kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên môn, óc sáng tạo của con người là vô dụng trong thời đại AI. Trái lại, vẫn rất quan trọng. Bởi vì để điền A, B, C (chủ đề gì, cho ai, giải quyết nhu cầu gì), mình cần phải có óc quan sát, khả năng nhận biết nhu cầu, vấn đề gì hiện chưa được đáp ứng tốt. (Cái mà chúng ta hay gọi là "óc nhạy bén"). Nếu dùng AI để giải quyết một nhu cầu đã cũ và nhiều người đã làm trước mình thì sản phẩm trí tuệ đó giá trị cũng thấp thôi.

Để điền D (phương pháp gì), mình phải có kiến thức chuyên môn ở mức độ nhất định để đưa ra những từ khoá chuyên môn đúng. Ví dụ, dùng phương pháp học theo dự án/ giáo dục trải nghiệm hay đối thoại triết học.

Để điền E (thời lượng), mình phải có tư duy thiết kế, khả năng tưởng tượng ra sản phẩm đó ở trong hình hài thế nào thì phù hợp với nhu cầu.

Tóm lại, mình đã dùng đến các kiến thức của mình về tư duy thiết kế, marketing, tâm lý học, phương pháp sư phạm, thiết kế bài giảng... để điền vào câu lệnh (tưởng như rất đơn giản) trên. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể dùng AI để đi tìm A, B, C, D, E. Nhưng mất thời gian lâu hơn, và trong lúc đó người khác đã tìm thấy đáp án trước bạn, hoặc… leo lên làm sếp bạn mất rồi".

Theo chuyên gia Uyên Phương, sự ra đời của AI không có nghĩa là không cần học. Trái lại, rất cần học, miễn là học đúng cách. "Scaffolding" trong sư phạm nghĩa đen là "xây giàn giáo", nghĩa bóng là chỉ kỹ năng mà một giáo viên/ một giáo án tốt sẽ dắt học sinh đi qua bước đổ nền, rồi từng trụ cột, từng thang bậc… một cách khoa học, hệ thống cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng. Mình nhận thấy để dùng AI làm ra một sản phẩm tốt, mình cũng cần "scaffolding" này. Để ra được giáo án 6 trang trên đây, mình đã đặt 5 câu hỏi có tính chất "scaffolding", chứ không phải "một phát ăn ngay".

Khuyến khích dùng một cách thông minh

Nhận xét về ứng dụng ChatGPT, theo cô Lê Trần Diệu Thu, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ Văn thì: "Với các câu hỏi kiến thức phần văn học, cách trả lời, câu từ của ChatGPT có vẻ khá chau chuốt nhưng đáp án lại chưa chuẩn. Điều này có thể gây ra sự tai hại nếu người học dùng nó như một công cụ giáo dục vì không đủ kiến thức chuyên môn để nhận định câu trả lời mà ChatGPT đưa ra là đúng hay sai. Bên cạnh đó, cách hành văn của ChatGPT còn rời rạc, câu trả lời không gãy gọn, từ ngữ thiếu liên kết. Tuy nhiên, với những câu hỏi nghị luận xã hội, công cụ ChatGPT lại đưa ra các gợi ý tương đối ổn. Đây có thể là một gợi ý giúp người đọc dựa vào đó để đưa ra ý tưởng cho câu trả lời của mình.

Chuyên gia giáo dục kinh ngạc vì ứng dụng ChatGPT - Ảnh 2.

Một đoạn chat giữa ChatGPT và người dùng. Ảnh: CMH

Giáo viên có thể dựa vào ChatGPT để hướng dẫn học sinh tham khảo công cụ này nhằm xây dựng ý tưởng ban đầu cho các bài viết. Dựa trên ý tưởng mà ChatGPT đưa ra, học sinh hoàn toàn có thể phát triển ý tưởng, sáng tạo thêm để tạo nên những câu trả lời, những bài văn hoàn thiện nhất. ChatGPT có thể xây dựng ý tưởng nhưng lại chưa bảo vệ tốt quan điểm đó đến cuối cùng và hoàn thiện câu trả lời".

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia, giáo viên bày tỏ quan ngại vì Chat GPT tác động đến học sinh và phải làm sao để các em có thể sử dụng Chat GPT như công cụ trong việc học hành. Một số người quan ngại học sinh sẽ sử dụng Chat GPT để giải bài tập, viết đoạn văn, bài tự luận để xử lý. Giáo viên phải làm thế nào khi ChatGPT phát triển và cha mẹ sẽ cho con cái học hỏi những gì từ nhà trường và từ AI?...

Chia sẻ với PV, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Theo tôi công nghệ là xu hướng, là sự tiến bộ của nhân loại và chúng ta nên tích cực khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, dạy học không chỉ thuần túy là kiến thức mà trong đó có "tính người" rất cao. Cùng 1 học sinh nhưng có thầy khai thác khả năng giúp em ấy trở thành thiên tài nhưng người khác dạy thì tài năng lụi tàn. Vì vậy, không ai thay thế được người thầy. Chúng ta nên khuyến khích dùng các ứng dụng một cách thông minh, nhân văn và xây dựng, bồi đắp giá trị, lòng tự trọng của bản thân".

Tào Nga
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN