NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, nghệ sĩ Thanh Thuỷ là những nghệ sĩ sinh năm 1963 để lại nhiều dấu ấn trong làng nghệ thuật Việt.
NSND Lê Khanh
NSND Lê Khanh (tên thật là Trần Mai Khanh) sinh năm 1963. Chị là con của NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai, là em của NSƯT Lê Vân và là chị của NSƯT Lê Vi. Từ năm 15 tuổi, diễn xuất và nhan sắc của NSND Lê Khanh đã được đạo diễn Đức Hoàn chú ý và mời vào phim Từ một cánh rừng (1978) với vai Tuất - thanh niên xung phong.
Hoạt động nổi trội trên sân khấu kịch, Lê Khanh có nhiều vai diễn để đời như Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc, Đan Thiềm trong vở Vũ Như Tô, Thúy trong Bến bờ xa lắc, Juliet trong vở Romeo và Juliet, quận chúa Minfo trong Âm mưu và tình yêu… Lê Khanh cũng thành công trong lĩnh vực phim ảnh với các bộ phim: Săn bắt cướp, Chuyện tình bên dòng sông, Bản tình ca cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.
Năm 2001, Lê Khanh được phong danh hiệu NSND khi mới bước sang tuổi 38. Và tính tới thời điểm này, nữ nghệ sĩ là diễn viên sân khấu trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Ở tuổi 60, NSND Lê Khanh vẫn khao khát được trải nghiệm nhiều dạng vai mới. Chị từng chia sẻ, chỉ khi nào không còn sức khỏe, hết duyên với nghề thì mới ngừng đóng phim, diễn kịch.
NSND Lan Hương tên thật là Nguyễn Phúc Lưu Lan Hương, sinh năm 1963 tại Hà Nội. Thuở nhỏ, Lan Hương chào đời khi thiếu tháng, có sức khoẻ không quá tốt, cũng bởi vậy mẹ chị không cho tham gia sinh hoạt văn nghệ vì sợ con khổ.
Vận may đến với Lan Hương khi NSND Hải Ninh đề nghị bố mẹ cho cô bé thử đóng phim Em bé Hà Nội, do thấy cô có một số nét hợp với tính cách nhân vật chính. Ban đầu, bố mẹ chị phản đối, song sau đó đã bị thuyết phục và đồng ý.
Sự thành công của những bộ phim khiến Lan Hương nhanh chóng trở thành ngôi sao nhí của điện ảnh Việt. Sau khi học xong lớp 10 (lớp cao nhất bậc trung học thập niên 1980), Lan Hương thi tuyển vào khóa 1 diễn xuất Nhà hát Tuổi Trẻ. Chị ghi dấu với các bộ phim truyền hình Tình biển (đóng ở Kiên Giang với Lê Công Tuấn Anh và Quyền Linh) và Những người sống bên tôi... Lan Hương thuộc hàng thiểu số diễn viên có khả năng đóng cả vai thiếu nhi, người trưởng thành lẫn người già.
Kể từ đầu thập niên 2000, Lan Hương chuyển dần sang công tác đào tạo diễn viên. Chị cũng từng tách khỏi Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ để lập Đoàn kịch thể nghiệm để diễn một số tác phẩm đầu tay có chủ đề bảo vệ môi trường và cả khoa học giả tưởng như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguyễn Du với Kiều, Tâm linh Việt, Từ một ngã tư, Giấc mơ trưa, Biến vỹ của tình yêu...
Về đời sống riêng, chị có cuộc hôn nhân hạnh phúc với đạo diễn Tất Bình sau một lần đổ vỡ.
Nghệ sĩ Thanh Thuỷ
Nghệ sĩ Thanh Thuỷ sinh ra trong một gia đình công chức tại Biên Hoa. Mặc dù cả gia đình cũng như chính bản thân đều muốn theo nghề giáo, nhưng cơ duyên đã đưa chị tới với nghệ thuật.
Sự nghiệp của nghệ sĩ Thanh Thuỷ trải qua nhiều thăng trầm. Khi ra trường, chị đã từng cùng Mỹ Dung, Phùng Nguyên mở tiệm bán quần áo trên đường Cống Quỳnh. Tiệm đóng cửa, chị về quê gần 3 năm cho đến khi nhận lời xuất hiện lại trong chương trình ca nhạc hài kịch "Việt Nam thương nhớ" của nghệ sĩ Minh Phượng. Tuy chương trình thành công lớn, nhưng Thanh Thủy vẫn ngần ngại quay lại. Về sau, khi được mời về làm vở "Trở về mái nhà xưa", chị mới nhận ra mình vẫn còn yêu nghề và khao khát trở về.
Ở thể loại Kịch người lớn, Thanh Thuỷ từng ghi dấu trong các vở "Xóm nhỏ Sài Gòn (vai Đông Nghi mang về cho chị giải Mai Vàng nữ diễn viên kịch nói xuất sắc năm 1998), "Bí mật vườn Lệ Chi" (vai Thần phi Nguyễn Thị Anh – giải Mai Vàng 2007)…
Trên sân khấu kịch thiếu nhi, cái tên Thanh Thuỷ quen thuộc với các em nhỏ qua các vở "Công chúa Chích choè", "Tấm Cám", "Aladin và đủ thứ thần", "Phù thuỷ lắm chiêu"…
Tài năng và những đóng góp của chị trong nghề nghiệp đã mang lại cho chị chiếc huy chương vàng Liên hoan Sân khấu mùa thu năm 1998, 4 lần nhận giải Mai Vàng, diễn viên ấn tượng, 2 lần đươc trao giải nữ diễn viên sân khấu kịch nói được yêu thích nhất.