TTVH Online

Tại sao nhiều nhà máy ở Việt Nam đột ngột ngưng chào giá xuất khẩu một loại nông sản sang Trung Quốc?

Phong Cầm 23/12/2022 06:12 GMT+7

11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,6 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá gần 1,14 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà máy tạm ngưng chào giá xuất khẩu sang Trung Quốc để kìm đà giảm giá.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn lớn nhất của Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được gần 294.910 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 122,98 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với tháng 10/2022. 

Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,86 triệu tấn, trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 11/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,1% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 274.530 tấn, trị giá 114,03 triệu USD. 

Tại sao nhiều nhà máy ở Việt Nam đột ngột ngưng chào giá xuất khẩu một loại nông sản sang Trung Quốc? - Ảnh 1.

11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,6 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn. Ảnh: Báo TTH.

Lũy kế 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,6 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá gần 1,14 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Năm 2022, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. 

Tuy nhiên, vùng nguyên liệu sắn đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp do các loại bệnh dịch, nhất là bệnh khảm lá sắn, làm ảnh hưởng lớn đến cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất. Diện tích cây sắn của cả nước đạt khoảng 530.000 ha. 

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc vẫn rộng cửa

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều sắn và sản phẩm từ sắn nhất thế giới. Trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 3,47 triệu tấn tinh bột sắn (HS 11081400), trị giá 1,81 tỷ USD, tăng 23,3% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,95 triệu tấn tinh bột sắn từ Thái Lan, trị giá 1,04 tỷ USD. 

Trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 1,31 triệu tấn, trị giá 665,99 triệu USD, tăng tới 164,7% về lượng và tăng 190,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 37,68%, tăng mạnh so với mức 17,56% của 10 tháng năm 2021.

Từ đầu tháng 12/2022 đến nay, giá sắn tươi tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc có xu hướng giảm do đang vào vụ thu hoạch; trong khi giá sắn tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như Tây Ninh lại tăng nhẹ do nhiều nhà máy chưa đủ nguyên liệu để sản xuất. 

Hiện giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) tại Tây Ninh dao động quanh mức 2.750 – 2.900 đồng/kg. Giá sắn lát và tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam vẫn được giữ ổn định so với cuối tháng 11/2022. 

Giá tinh bột thành phẩm bán ra của các nhà máy tạm chững, nhiều nhà máy đồng loạt tạm ngưng chào giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhằm kìm đà giảm giá. Mặc dù Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh nhưng nhu cầu tinh bột sắn qua đường biên mậu với Việt Nam vẫn khá chậm. 

Mặc dù giá tinh bột ngô nội địa Trung Quốc tăng, nhưng phía Trung Quốc vẫn trả giá tinh bột sắn Việt Nam ở mức thấp, gây bất lợi cho tính bền vững cây sắn vụ tiếp theo. Trong khi đó, nhiều nhà máy nhỏ tại Việt Nam không có đủ nguồn lực tài chính, cũng như sản phẩm cạnh tranh buộc phải điều tiết lượng sản xuất phù hợp.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo thời gian tới nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với sắn và tinh bột sắn vẫn cao, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. 

K.Nguyên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN