Lợi dụng sơ hở của các công ty xuất khẩu hàng đi nước ngoài tại khu vực kho hàng thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, 5 đối tượng lên kế hoạch trộm tài sản giá trị hơn 600 triệu đồng. Với hành vi này các đối tượng có thể bị xử lý thế nào?
Công an quận Tân Bình (TP.HCM) vừa phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Dương triệt phá đường dây trộm cắp tài sản xảy ra tại khu vực kho hàng thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, bắt giữ 5 người.
5 người bị cơ quan công an bắt giữ gồm: Trần Văn Trọng (35 tuổi, thường trú tỉnh Bắc Ninh), Huỳnh Long Duy (31 tuổi), Nguyễn Văn Dương (30 tuổi), Huỳnh Long Hảo (29 tuổi, cùng thường trú ở tỉnh Quảng Ngãi) và Nguyễn Văn Cường (45 tuổi, thường trú tỉnh Quảng Nam).
Trước đó, ngày 26/11, Công an quận Tân Bình nhận được tin báo của chị P.T.H.P. là đại diện Công ty B.P Sóc Trăng về việc Công ty B.P bị trộm hơn 3.000 sản phẩm túi đeo nằm trong lô hàng hơn 17.000 sản phẩm túi đeo của công ty được vận chuyển từ Sóc Trăng đến kho hàng S.C (quận Tân Bình) để chờ làm thủ tục đưa lên máy bay xuất đi nước ngoài.
Tổng số hàng bị mất trị giá hơn 600 triệu đồng. Tại cơ quan công an, trước những tài liệu, chứng cứ thu thập được, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi trộm cắp tài sản.
Người thực hiện hành vi trộm cấp tài sản giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị phạt hành chính hoặc bị kết án và chưa được xóa án tích, hoặc hành vi được xác định là cái ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
Trong đó, khoản 4 của Điều 173 quy định, người nào chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Vị luật gia nêu quan điểm, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, nhóm đối tượng trên đã lấy số hàng hơn 600 triệu đồng.
Như vậy, nếu bị chứng minh có tội, các đối tượng này có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đây là khung cao nhất của tội trộm cắp tài sản.
Theo bà Thơ, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt.
Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản so với các tội xâm phạm quyền sở hữu khác là người phạm tội có hành vi lén lút, bí mật di chuyển bất hợp pháp tài sản của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản này.
Hành vi lén lút được xem là đặc điểm mang tính riêng biệt của tội trộm cắp tài sản. Và đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Do đó, khi định tội cần phải chứng minh hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là kết quả của hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.
Tại cơ quan điều tra, Cường khai là tài xế chạy xe tải chở hàng và có quen biết với Duy. Do cần tiền tiêu xài, Duy nảy sinh ý định trộm cắp tài sản và đề nghị Cường thông báo cho anh ta khi có chuyến hàng tiếp theo để Duy lấy trộm hàng đem bán lấy tiền rồi chia đôi với Cường.
Ngày 24/11, nhận mật báo từ Cường, Duy đã rủ đồng bọn thực hiện hành vi trộm cắp.
Theo cảnh sát, nhóm này lợi dụng sơ hở của các công ty xuất khẩu hàng đi nước ngoài tại khu vực kho hàng thuộc sân bay Tân Sơn Nhất để cấu kết với tài xế của các xe tải chở hàng, dùng thủ đoạn mở ốc khoen khóa cửa của các thùng hàng xe tải mà không làm ảnh hưởng đến "seal" niêm phong của các công ty.
Các nghi phạm đặt in trước băng keo niêm phong thùng hàng của các công ty để sau khi rạch thùng hàng lấy tài sản thì niêm phong lại bằng băng keo này nhằm che mắt đại diện công ty khi kiểm hàng để tránh bị phát hiện.