Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực nên việc kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực.
Sáng 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã trình bày chuyên đề "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Đây là chuyên đề đầu tiên trong 4 chuyên đề được truyền đạt trong chương trình làm việc 2 ngày của Hội nghị quan trọng này.
Ông Phan Đình Trạc cho biết, đây là lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong một nghị quyết của Trung ương trên cơ sở cương lĩnh, Hiến pháp và văn kiện đại hội của Đảng các nhiệm kỳ.
Nêu cụ thể 8 đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Thứ nhất, là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là đặc trưng riêng, cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thứ hai, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ ba, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ tư, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Thứ năm, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
"Đặc trưng này thể hiện giá trị đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. "Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực Nhà nước. Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có chung nguồn gốc thống nhất từ nhân dân", ông Trạc cho biết.
Đặc trưng thứ sáu là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Đây là đặc trưng phổ biến của mọi Nhà nước pháp quyền.
Thứ bảy, độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một đặc trưng cốt lõi được công nhận rộng rãi như một giá trị không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền.
Thứ tám là tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng đề cập tới một vấn đề quan trọng nữa là việc ban hành các quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.
Cùng với đó là thực hiện "4 không" trong phòng, chống tham nhũng.
Thứ nhất "không thể" tức là hình thành cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ để không thể tham nhũng.
Thứ hai, phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để "không dám" tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để "không cần" tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, cần xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để "không muốn" tham nhũng.
"Đương nhiên việc này góp phần quan trọng thôi chứ không chấm dứt được tham nhũng bởi những người tham nhũng được phát hiện thời gian qua đều là những người giàu có", Trưởng Ban Nội chính Trung ương bày tỏ.