TTVH Online

Xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ: Hành trình 6 năm đàm phán

Phong Cầm 29/11/2022 12:35 GMT+7

Hôm qua (28/11), tại TP.Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ NNPTNT tổ chức lễ công bố lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 7 loại trái cây được phép nhập khẩu sang Mỹ.

Kết quả đáng mừng sau 6 năm đăng ký

Tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre rất vinh dự và tự hào là địa phương xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ. 

"Tôi xin thay mặt lãnh đạo tỉnh và người dân trồng bưởi cả nước nói chung, người dân tỉnh Bến Tre nói riêng được chia sẻ niềm vui, niềm tự hào đến với quý vị đại biểu, các vị khách quý khi trái bưởi của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang Mỹ và Bến Tre là địa phương xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang thị trường đầy tiềm năng và đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng cao này" - ông Tam nói.

Theo ông Tam, có được kết quả trên là sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, các cơ quan chức năng của nước nhập khẩu và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Song song đó là sự nỗ lực của Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - đơn vị trực tiếp đăng ký và chuẩn bị về mọi mặt để đưa sản phẩm bưởi danh xanh Bến Tre sang thị trường khó tính, đòi hỏi quy trình sản xuất phải đạt kỹ thuật rất cao như Mỹ.

Xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ: Hành trình 6 năm đàm phán - Ảnh 1.

Lễ công bố lô bưởi xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ được tổ chức tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Xây

Việt Nam có 21 mã số vùng trồng đang được xem xét xuất khẩu đi Mỹ

Tại buổi lễ, Cục Bảo vệ thực vật đã trao giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho Công ty Chánh Thu và cắt băng công bổ xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường Mỹ.

Việt Nam hiện có 16 mã số vùng trồng đang hoạt động và 21 mã số vùng trồng khác đang được xem xét để xuất đi Mỹ. Ngoài những đòi hỏi về vùng trồng thì các cơ sở đóng gói cũng có những yêu cầu riêng, rất chi tiết cụ thể.

Các cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm như ruồi đục quả, sâu đục quả và các loại nấm. Loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói. Quả phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả. Loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây, trừ cuống quả ngắn hơn 2,5 cm vẫn còn gắn vào quả.

"Sau gần 6 năm đăng ký xuất khẩu bưởi sang Mỹ, các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Mỹ đã tích cực đàm phán, trao đổi kỹ thuật, nhất là vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật, đến nay Mỹ chính thức nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam" - ông Tam nhấn mạnh. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh này hiện có 3 sản phẩm gồm: Bưởi, nhãn, chôm chôm đã được cấp 25 mã số vùng trồng xuất khẩu sang EU và Mỹ. Riêng đối với thị trường Mỹ đã được cấp 11 mã số với diện tích 156,76ha, sản lượng 3.135 tấn/năm.

Cũng theo ông Tam, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 10.000ha trồng bưởi, hàng năm cho sản lượng trên 200.000 tấn. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh luôn luôn hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, chú trọng đến các đối tượng kiểm dịch thực vật phía Mỹ quan tâm, xây dựng các vùng trồng, tổ chức sơ chế, đóng gói sau thu hoạch đảm bảo đúng quy định. 

Đến nay, địa phương này đã thành lập 32 tổ hợp tác và 9 HTX trồng bưởi da xanh với tổng diện tích trên 542ha.

7 loại trái cây vào Mỹ

Xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ: Hành trình 6 năm đàm phán - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT tìm hiểu sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre. Ảnh: H.X

Theo Bộ NNPTNT, nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế nhờ vào chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Rau quả nói chung và trái cây nói riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 2,76 tỷ USD. Riêng trái bưởi tươi xuất khẩu đạt 3.250 tấn, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hà Lan, Đức, Trung Quốc, Canada…

Cả nước ta hiện có 105.400ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn; với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Tại ĐBSCL có khoảng 32.000ha bưởi với sản lượng khoảng 369.000 tấn/năm. Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và trái bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Mỹ.

Đến nay, nước ta đã có 36 vùng trồng bưởi của 10 tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và Đăk Nông) được cấp mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang Mỹ với tổng diện tích 752ha, sản lượng dự kiến 13.105,6 tấn.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói: "Sự kiện xuất khẩu chính ngạch lô bưởi đầu tiên được tổ chức tại Bến Tre là niềm tự hào không chỉ của người trồng bưởi Bến Tre mà còn là niềm vui chung của người dân trồng quả bưởi trên cả nước". 

Theo ông Nam, đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi xuất khẩu chính ngạch trái bưởi sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ rộng lớn và cũng là một trong những thị trường khó tính bậc nhất hiện nay, đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Bưởi danh xanh Việt Nam là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Ông Nam nhấn mạnh, thị trường Mỹ là một thị trường khó tính vào bậc nhất, tuy nhiên nhu cầu về nhập khẩu các loại trái cây tươi vẫn rất lớn. Sau sự kiện này, ngành nông nghiệp tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới. 

Trái bưởi Việt Nam xuất sang Mỹ cần đáp ứng điều kiện gì?

Theo quy định của Mỹ và yêu cầu trong Chương trình xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang Mỹ, quả bưởi tươi của Việt Nam phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở xử lý phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Quả bưởi không được nhiễm ruồi, ngài và nấm và phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Bà Erica Grover - Giám đốc khu vực của chương trình kiểm tra tại gốc APHIS cho hay: "Để xuất khẩu được bưởi sang Mỹ thì vùng trồng bưởi phải được đăng ký mã số vùng trồng với Cục Bảo vệ thực vật và APHIS; các lô hàng bưởi tươi phải được xử lý chiếu xạ; bưởi phải được đóng gói tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Aphis chấp thuận".

Các mã số vùng trồng phải kiểm tra, kiểm soát 6 sinh vật gây hại đã đưa vào trong văn bản ký kết mà phía Mỹ quan tâm. Hay nói cách khác là chúng ta phải phòng trừ và loại trừ những đối tượng đó trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

P.V

Huỳnh Xây
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN