TTVH Online

Hà Nội "hỏa tốc" xin lùi quy định diện tích nhà ở tối thiểu 20 m2 mới được đăng ký thường trú

Phong Cầm 23/11/2022 20:27 GMT+7

UBND TP.Hà Nội đề nghị Thường trực HĐND TP "xem xét lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP.Hà Nội" tại kỳ họp HĐND TP năm 2023.

Ngày 23/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành văn bản hỏa tốc gửi Thường trực HĐND TP đề nghị lùi thời gian ban hành Nghị quyết của HĐND TP quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú ở TP.Hà Nội.

Không đảm bảo thời gian về trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản nêu rõ, ngày 17/10 vừa qua UBND TP có tờ trình gửi Thường trực HĐND TP về việc phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ và được Thường trực HĐND TP đồng ý chủ trương xây dựng vào ngày 26/10.

Hà Nội "hỏa tốc" xin lùi quy định diện tích nhà ở tối thiểu 20 m2 mới được đăng ký thường trú - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Sau đó, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo, giao các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện toàn bộ hồ sơ đề nghị ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội thấy rằng, theo tiến độ các bước trình tự về thời gian theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), cụ thể về thời gian hồ sơ đề nghị xây dựng, thời hạn đăng tải, thời hạn thẩm định, thời hạn trình bày thẩm tra, thời hạn gửi hồ sơ đến đại biểu HĐND TP không đảm bảo để trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm 2022.

Do đó, UBND TP.Hà Nội đề nghị Thường trực HĐND TP "xem xét lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP.Hà Nội" tại kỳ họp HĐND TP năm 2023 để "đảm bảo thời gian về trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật".

Phải có chỗ ở diện tích tối thiểu 20 m2 mới được đăng ký thường trú ở Hà Nội

Hà Nội "hỏa tốc" xin lùi quy định diện tích nhà ở tối thiểu 20 m2 mới được đăng ký thường trú - Ảnh 2.

Nhà phải có diện tích tối thiểu 20m2 khách thuê mới được đăng ký thường trú tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, HĐND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiếu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn TP.

Theo đó, dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2. Đây là nhà do các cơ quan, đơn vị bố trí phân phối, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. 

Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ. 

Nhiều ý kiến cho rằng quy định trên của Hà Nội đang có sự mâu thuẫn với một trong những điểm sáng của Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021) là gỡ bỏ các "rào cản" riêng khi nhập hộ khẩu vào các TP trực thuộc Trung ương như Hà Nội. 

Mặt khác, việc Hà Nội đưa ra điều kiện về "diện tích tối thiểu là 20 m2 sàn/người" cao hơn khá nhiều so với mức quy định chung là "không thấp hơn 8 m2 sàn/người" tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú. Điều kiện này có thể làm phát sinh thêm một loại "giấy phép con", làm hạn chế quyền tự do cư trú của đông đảo người lao động đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội mà chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Cần làm rõ điều kiện, cơ sở đưa ra quy định

Có ý kiến về việc này, Đại biểu Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, việc TP.Hà Nội đưa ra điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu là 20 m2 khi đăng ký thường trú cao hơn so với quy định chung của Luật cư trú (8m2) là không sai.

Theo ông Hòa, Luật Thủ đô đã mở cho Hà Nội có quy định riêng về quản lý dân cư để hạn chế việc di dân tự pháp vào nội thành. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, HĐND TP.Hà Nội xây dựng quy định về điều kiện đăng ký thường trú cũng là đúng quy định.

"Hiện nay dân số của Hà Nội đã vượt 9 triệu, mật độ dân số trong nội thành cao, đường phố thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đô thị quá tải. Bởi vậy, Hà Nội xây dựng chính sách hạn chế dân di cư tự phát vào nội thành là cần thiết. Chúng ta cần chia sẻ với Thủ đô về vấn đề này", ông Hòa nói.

Tuy nhiên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng lưu ý, đây là quy định được đông đảo người dân quan tâm. Do vậy Hà Nội cũng cần phải đánh giá kỹ "tác động của quy định là như thế nào". Đặc biệt cần làm rõ căn cứ, cơ sở nào để TP đưa ra điều kiện đăng ký thường trú đối với người ở nhà thuê, mượn, ở nhờ lên tới 20 m2, cao hơn nhiều so với mức 8m2 mà Luật Cư trú đưa ra.


Hoàng Thành
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN