Cuộc sống của chúng ta muôn màu và thật đẹp, có những điều mang ý nghĩa lớn lao nhưng được xây dựng từ chất liệu thật đơn giản, chất liệu của cuộc sống thường nhật, của tình người. Giống như anh thanh niên đã cống hiến tuổi thanh xuân bên chiếc xe hư về đêm khuya.
Anh có cái tên nghe khá lạ: Lục Minh Anh (26 tuổi, Tomy Tèo), hàng đêm giúp đỡ người đi đường bên dốc cầu Bến Lức (Long An). Nghe tin ban đầu tưởng đây là sự thêu dệt, tâng bốc cho vui, nhưng khi tiếp xúc với những người sống khu vực xung quanh, chúng tôi mới biết đây là câu chuyện có thật.
Quốc lộ 1 đoạn đi qua cầu Bến Lức một ngày cuối thu trong trẻo, thời tiết se lạnh sau trận mưa rào. Cảnh nhộn nhịp, hối hả đang lùi dần để nhường cho sự tĩnh mịch của cuộc sống về đêm dưới ánh đèn cao áp.
Trong một mái che nhỏ tạm bợ bên vệ đường, chàng trai cao ráo, ăn mặc khá gọn gàng, gương mặt toát lên vẻ hiền lành của dân vùng nông thôn. Thỉnh thoảng lại vươn vai như chờ đợi một điều gì đó từ dòng xe máy, xe đạp hối hả hay ì ạch chạy qua.
Lần đầu tiếp xúc tưởng như đây là điểm vá xe mưu sinh với đồ nghề lỉnh kỉnh trên thùng chiếc xe ba gác cũ mèm, nhưng thật không ngờ công việc của anh là vá xe, sửa xe giá 0 đồng (miễn phí), đồng thời giúp đỡ những người đi đường chẳng may gặp sự cố chẳng biết cậy nhờ ai.
Công việc hàng đêm ý nghĩa này đã kéo dài bền bỉ suốt hơn 5 năm qua, nó được chứng minh qua "tủ đồ nghề" đen sì, bào mòn theo năm tháng.
Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Tomy Tèo luôn bị ngắt quãng bởi thỉnh thoảng lại có người cần giúp đỡ tạt vào "tiệm". Khuôn mặt lo âu của họ trước sự cố khi thì xe bể bánh, lúc lại hết xăng, thậm chí gặp nước mưa vào bugi không nổ… như được giãn ra bởi bàn tay thoăn thoắt, lành nghề của anh thợ trẻ.
Mỗi trường hợp xử lý xong luôn là một câu hỏi "hết bao nhiêu tiền?" và câu trả lời khiến nhiều người ngỡ ngàng: "Làm miễn phí cô bác ạ, bảng treo kìa đi đi thượng lộ bình an…". Kết thúc mọi cuộc giao dịch chỉ là lời chào, lời cám ơn và những nụ cười.
Chủ điểm vá xe cho biết, hàng ngày anh mưu sinh bằng nghề chở đồ thuê, phương tiện kiếm sống chỉ là chiếc ba gác cũ mua hơn 5 năm trước. "Cái xe này thật hữu ích, ngày là phương tiện kiếm sống, tối đến biến thành "trạm sửa xe miễn phí", nó đã theo em bào mòn hàng trăm cặp lốp rồi anh ạ", Tèo hài hước.
Anh cho biết bản thân làm việc này suốt 4 năm qua hoàn toàn tự nguyện. Cứ sau mỗi ngày làm việc, anh và chiếc ba gác với dụng cụ sửa xe quen thuộc lại "trực chiến" trên con đường này.
Chia sẻ về hành trình của mình ban đầu, Tèo bày tỏ: "Một số người nói tôi bị hâm nên mới đi làm chuyện bao đồng, ngày đi làm, tối ngủ lấy sức cho hôm sau mắc mớ gì phải thức thâu đêm! Họ nói thì mặc họ, còn việc tôi thích thì mình cứ làm. Vì họ không làm việc "hâm" như mình nên không biết được ý nghĩa của nó, mà có phải việc làm to tát gì đâu, chỉ giúp đỡ vá xe thôi mà".
Anh trầm ngâm nhớ lại, cách nay 5-6 năm, một lần đang chạy trên đường xe bị thủng bánh, lúc đưa vào tiệm, thợ yêu cầu thay luôn ruột xe với mức giá trên 140.000 đồng. Túi không đủ tiền, tìm nơi khác chẳng thấy nên đành dắt bộ hơn 10km để tới được nhà trong tình trạng vừa đói, vừa lạnh.
"Chỉ vì lý do đơn giản vậy thôi mà tôi đã làm nghề này hàng đêm suốt 4 năm qua. Mình giúp được ai thì giúp, coi như làm phước vậy thôi chứ ngoài ra chẳng có mục đích gì từ nghề "vá xe miễn phí này cả".
Khi chúng tôi hỏi anh đã giúp được bao nhiêu trường hợp rồi, Tèo cho biết mình không thể nào nhớ hết, còn với câu hỏi anh dự định sẽ làm việc này đến khi nào thì Tèo cũng trả lời chân chất: "Mới 26 tuổi, còn sức thì còn làm, đến lúc không được nữa thì thôi…".
Không chỉ hỗ trợ vá xe về đêm, Tèo còn tham gia cùng anh em trong Đội S.O.S huyện Bến Lức làm một chiếc xe hút đinh di động chạy dọc theo tuyến quốc lộ 1 qua Bến Lức.
"Trước đây còn có "đinh tặc" nhưng vài năm qua, anh em chúng tôi vừa hút đinh, vừa cảnh cáo những đối tượng khả nghi nên tình trạng rải đinh khu vực này hầu như không còn. Làm việc này cũng rất thú vị, có lúc đi chở hàng thuê gặp một số người lạ vẫy tay chào mình nhưng thực sự không biết đó là ai. Một hồi lại hỏi chuyện thì ra là người hôm trước được mình vá xe miễn phí" - Tèo chia sẻ.
Câu chuyện rôm rả giữa Dân Việt cùng anh thợ vá "độc nhất, vô nhị" cùng một số bà con xung quanh kéo dài đến gần nửa đêm. Khi kim đồng hồ chỉ hơn 23 giờ là lúc anh Tèo dọn "chiến trường" để trở về đơn vị gốc.
Anh cười vui: "Nhà em ở xã Thạnh Đức cách đây không xa, khoảng 10 phút là về đến nhà nhưng thật tình có nhiều hôm về đến cửa thì lại nhận được điện thoại "cầu cứu" nên phải "quay xe", có bữa "quay xe" đến hai lần và sau đó là giấc ngủ sâu vì không áy náy đối với những người cần giúp đỡ. Anh chị lúc nào quay lại thì cứ điện thoại, em trực chiến hàng đêm ở đây mà!".
Chiếc ba gác cà tàng nổ máy xả khói đen sì lẩn khuất vào màn đêm, tấm chân tình và nụ cười vô tư, hiền hậu của chàng trai xứ miệt vườn để lại cho chúng tôi những bâng khuâng khó tả. Trên đường về TP.HCM, trong lòng mỗi người tràn đầy những cảm xúc miên man. Cuộc sống hiện tại luôn bề bộn, xô bồ, song hình ảnh đẹp, ở góc nhìn chân thật bao người chứng kiến mới rõ một hành động nghĩa hiệp đáng quý, ít ai làm được.