TTVH Online

Ba Lan muốn quân đội NATO thường trực và vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ của mình

Phong Cầm 29/10/2022 14:02 GMT+7

Ba Lan hoàn toàn muốn sự hiện diện thường trực của quân đội NATO và vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của mình, một phụ tá hàng đầu của Tổng thống Andrzej Duda cho biết hôm 28/10.

Quốc gia NATO 'quan tâm nhất' đến vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Jakub Kumoch, người đứng đầu Văn phòng Chính sách Quốc tế trong Phủ Thủ tướng của Tổng thống Ba Lan. Ảnh: GLP

Cố vấn của Tổng thống Duda, ông Jakub Kumoch nói với kênh tin tức Polsat rằng Ba Lan đã có các cuộc đàm phán với Washington về vũ khí hạt nhân và cho rằng hiệp ước NATO-Nga năm 1997 không nên được coi là một trở ngại để đạt được điều này.

Ông Duda đã gây chú ý vào đầu tháng này khi cho biết Ba Lan đã thảo luận về việc tham gia chương trình "chia sẻ hạt nhân", theo đó Mỹ sẽ triển khai bom hạt nhân ở một số quốc gia NATO phi hạt nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng phản ứng bằng cách nói rằng Washington "không có kế hoạch" triển khai vũ khí hạt nhân cho bất kỳ thành viên NATO nào gia nhập sau năm 1997, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vedant Patel khẳng định ông không biết tới bất kỳ cuộc thảo luận nào với Ba Lan về vấn đề này.

"Tổng thống Duda không nói Ba Lan đang tiến hành các cuộc đàm phán, nhưng đã có những cuộc đàm phán như vậy và đó là sự thật", ông Kumoch nói với Polsat hôm 28/10. Ông nói thêm: "Tất cả vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu", ông lưu ý, với việc Warsaw thông báo cho Mỹ rằng Ba Lan quan tâm đến việc tham gia vào chương trình chia sẻ hạt nhân.

Đa số người Ba Lan ủng hộ sự quan tâm của Tổng thống Duda đối với bom nguyên tử của Mỹ, theo một cuộc khảo sát thực hiện vào đầu tháng này. Nhìn chung, 54,1% ủng hộ việc tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân, chỉ có 29,5% số người được hỏi phản đối. Sự ủng hộ đặc biệt mạnh mẽ trong giới trẻ (93%), độc giả của các phương tiện truyền thông nhà nước (72%) và cử tri của đảng PiS cầm quyền (68%).

Ngoài việc muốn có quân đội và vũ khí hạt nhân của Mỹ, Warsaw cũng yêu cầu được đồng minh NATO là Đức - cùng với Nga bồi thường thiệt hại lớn cho Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Mối quan tâm của Warsaw đối với vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được cả Nga và Belarus để ý. Ba Lan là đầu mối chính cho việc vận chuyển vũ khí và đạn dược của NATO đến Ukraine, và Nga tuyên bố một số chiến binh Ba Lan đã tham gia vào cuộc xung đột bên phía Kiev.

Cuối ngày 27/10 theo giờ địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan thông báo tướng Piotr Trytek của nước này đã được bổ nhiệm, dẫn đầu phái đoàn của Liên minh châu Âu chịu trách nhiệm huấn luyện quân đội Ukraine. 

"Sĩ quan Ba Lan, tướng Piotr Trytek, sẽ dẫn đầu sứ mệnh huấn luyện quân sự quốc tế cho quân đội Ukraine. Đây là một trách nhiệm to lớn, nhưng đồng thời cũng là sự công nhận vị thế của Ba Lan trên trường quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak viết trên Twitter.

Ông Trytek, 51 tuổi, là tư lệnh Sư đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 của Ba Lan. Ông từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan.

Lê Phương (RT)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN