Ngày 20/10, đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN, Trưởng ban chỉ đạo Cụm thi đua số 2, trưởng đoàn kiểm tra làm việc tại huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá) về công tác hội và phong trào nông dân năm 2022.
Trước buổi kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022 tại tỉnh Thanh Hóa, đoàn đã đến thăm và làm việc với Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và dịch vụ cây cảnh, trồng cây cảnh thôn Tiến Thành, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá).
Theo báo cáo của Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và dịch vụ cây cảnh, trồng cây cảnh thôn Tiến Thành, Chi hội được thành lập vào ngày 24/9/2019 với 20 thành viên, vốn đầu tư xây dựng khu trưng bày là 400 triệu. Ngành nghề chính là sản xuất và dịch vụ cây cảnh. Diện tích sản xuất, trưng bày sản phẩm là 0,5 ha /20 hộ, 20 lao động thường xuyên tham gia, tổng giá trị thu nhập từ bán cây cảnh năm 2021 là 1,8 tỷ đồng.
Hiện Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và dịch vụ cây cảnh, trồng cây cảnh thôn Tiến Thành đã tổ chức liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nhiệm, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong chi hội. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh khác, quỹ hội là 40 triệu đồng, hình thức tự đóng góp và chi cho các sinh hoạt của chi hội, định kỳ sinh hoạt 1 tháng/lần. Chi hội đang dự kiến sẽ phát triển thành lập HTX trong năm 2023.
Cũng theo báo cáo của Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và dịch vụ cây cảnh, trồng cây cảnh thôn Tiến Thành, Chi hội còn khó khăn về nguồn quỹ đất để tổ chức sản xuất và trưng bày sản phẩm còn hạn chế, một số thành viên trong chi hội đang khó khăn về vốn để đầu tư sản xuất.
Tiếp đó, đoàn kiểm tra về công tác hội động và phong trào nông dân của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá).
Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập vào 1998 với 120 thành viên, vốn điều lệ là 1 tỷ đồng. Ngành nghề chính là sản xuất và chế biến chè thương phẩm các loại và nuôi ong rừng lấy mật. Diện tích sản xuất chè là 0,8ha/hộ; có 20 máy chế biến chè; có 18 lao động tham gia; sản lượng thu hoạch năm 2021 là 21 (tấn) chè khô; 9 tháng đầu năm 2022 là 18 (tấn). HTX có tổng 800 bọng nuôi ong, năm 2021 thu được 900 lít, 9 tháng năm 2022 thu được 850 lít mật ong.
Năm 2020, HTX được Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ đào tạo, xây dựng và chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VIETGAP) cho chè xanh nguyên liệu, diện tích 10 ha. Hướng dẫn, hỗ trợ tem truy xuất điện tử xuất xứ, thiết kế, mã xác thực tem logo nhận diện thương hiệu, thiết kế, in tem nhãn sản phẩm chè xanh.
Hiện Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn đã tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với thị trường: Lâm Đồng, Sài Gòn, Đồng Nai,Thái Bình, Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Bình Dương; tham gia 65 cuộc hội chợ, 15 cuộc triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. HTX đã được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, 2 bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.
Tại buổi làm việc với đoàn, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn cũng nêu một số khó khăn như: Giao thông đi lại trong địa bàn sản xuất còn khó khăn, các thành viên trong HTX sản xuất cách xa nhau đã ảnh hưởng đến sản xuất; HTX chưa có văn phòng để hoạt động, hiện tại đang đi mượn địa điểm để trưng bày sản phẩm. Một số thành viên trong HTX đang khó khăn về vốn để đầu tư sản xuất, nâng cao công nghệ chế biến chè.
Ngoài ra đoàn cũng đến thăm và làm việc với Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thuỷ sản thôn 5, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá).
Theo báo cáo nhanh, Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thuỷ sản thôn 5, xã Xuân Thọ được thành lập vào tháng 4/2020, có 45 thành viên trong đó hộ chăn nuôi cá nước ngọt. Tổng diện tích nuôi trồng là 19,5 ha. Hàng năm sản lượng cá thương phẩm và cá giống đạt khoảng 200 tấn cá.
Hiện Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thuỷ sản thôn 5, xã Xuân Thọ đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, làm tốt công tác điều tiết sản xuất (lịch thu thu hoạch, mua giống, thức ăn...) hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nhiệm sản xuất; ký kết các hợp đồng cung ứng giống cá, mở rộng quy mô hoạt động, kết nạp thành viên mới; tổng số quỹ hội là 12.500.000 đồng.
Tại buổi làm việc, đơn vị cũng nêu lên một số khó khăn của chi hội như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu là phụ thuộc vào thương lái trong và ngoài tỉnh. Một số thành viên trong chi hội khó khăn về vốn để đầu tư sản xuất.
Phát biểu và chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương HNDVN cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo huyện và cán bộ Hội Nông dân huyện Triệu Sơn dành cho đoàn.
Phó Chủ tịch Trung ương HNDVN đánh giá cao công tác hội và phong trào của Hội Nông dân huyện Triệu Sơn cũng như Hội Nông dân Thanh Hoá.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Trung ương hội Bùi Thị Thơm khẳng định sự phát triển của hội viên nông dân Triệu Sơn là thể hiện sự phát triển đoàn kết, cùng các cấp chính quyền ở địa phương xây dựng nhiệm vụ chính trị huyện mình là rất rõ rệt.
Phó Chủ tịch Trung ương HNDVN Bùi Thị Thơm cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá quan tâm hơn nữa công tác phát triển chi hội nghề nghiệp để hội viên tham gia nhận thấy được hiệu quả khi tham gia chi hội. Giúp hội viên phát triển tư duy trong sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của thị trường để khai thác được tiềm năng thế mạng của địa phương…
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Trung ương HNDVN Bùi Thị Thơm cũng đề nghị các cấp hội cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, cần tăng cường giao lưu với nông dân, đa dạng chia sẻ với nông dân, nghiên cứu đổi mới các chia sẻ với nông dân trên mọi lĩnh vực. Gắn kết chi hội nghề nghiệp với tổ hợp tác, phát triển.
Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con hội viên nông dân để tham mưu giải quyết cho các cấp uỷ chính quyền. Hội nông dân các cấp cũng cần quan tâm hơn nữa công tác phản biện và giám sát.