4 lần cải cách, nhưng thực tế vấn đề tiền lương ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập, nhất là đối với công chức, viên chức khiến nhiều người không còn muốn gắn bó với công việc ở khu vực công.
Cải cách tiền lương được hiểu là áp dụng phương pháp mới để thực hiện cải cách tiền lương nhằm đưa tiền lương của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống, phù hợp với sự phát triển kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế các lần cải cách tiền lương trước kia chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động cả trong khu vực công và khu vực tư.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003). Thế nhưng thực tế nếu chiếu theo khái niệm trên thì đó chưa hẳn là cải cách mà có thể được hiểu là điều chỉnh tiền lương.
Trước năm 1960, vấn đề tiền lương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được quy định trong các sắc lệnh liên quan Quy định chế độ lao động trong toàn cõi Việt Nam. Năm 1957, Việt Nam tiến hành sửa đổi chế độ tiền lương với lao động làm việc tại miền Bắc Việt Nam và triển khai chính thức năm 1960.
Trong đợt cải cách này, mức tiền lương cụ thể cho từng loại công việc, thời gian trả, hình thức trả lương, nâng bậc lương và các vấn đề khác liên quan đều do Nhà nước định sẵn thông qua hệ thống các bậc lương và phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Vấn đề tiền lương tối thiểu được Chính phủ giới hạn trực tiếp bằng việc quy định cụ thể (tối thiểu) các mức lương trong các ngành.
Ngày 5/7/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 25/CP quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp. Theo đó, chế độ tiền lương của cán bộ, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính sự nghiệp được phân chia theo chức vụ, yêu cầu kỹ thuật, có tính tới môi trường làm việc, điều kiện sức khỏe...
Cải cách lần 2 diễn ra vào năm 1985 hay còn gọi là cải cách giá - lương - tiền. Đây thực chất là cuộc cải cách nhằm tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất; thực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả. Mục tiêu hướng tới để người ăn lương trong xã hội được đảm bảo có thể sống chủ yếu bằng tiền lương, có thể tái sản xuất được sức lao động. Cải cách cũng nhằm xác lập quyền tự chủ về tài chính của các ngành và các cơ sở kinh tế.
Cải cách lần 3 vào năm 1993 (giai đoạn này từ năm 1993-2002). Chính sách tiền lương năm 1993 là cuộc cải cách toàn điện do đã có sự thay đổi cơ bản nhận thức về vai trò của tiền lương và trợ cấp xã hội. Lần đầu tiên thừa nhận sức lao động là hàng hóa và tiền lương chính là giá cả sức lao động.
Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc ban hành các văn bản quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp; chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính - sự nghiệp và lực lượng vũ trang.
Quốc hội sẽ bàn tăng lương công chức, viên chức
Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng vào ngày 29/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ bàn vấn đề cải cách tiền lương, điều chỉnh lương cơ sở, cùng với Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Trung ương để có quyết sách về vấn đề này.
Về tăng tiền lương, chế độ phụ cấp cho y bác sỹ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc dịch chuyển lao động từ bộ phận công sang tư, tư sang công, lao động gia nhập hay rời bỏ thị trường là câu chuyện bình thường của thị trường lao động.
Tuy nhiên, hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc tăng lên bất thường thì phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đều đang đánh giá vấn đề này.
Riêng với y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét việc tăng phụ cấp từ 40 – 70% nhưng Bộ Chính trị đã quyết định tăng lên 100%. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện.
Về chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại.
Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết, do đó, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ bàn vấn đề này. ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở.
Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này.
Một trong những đặc điểm của chính sách tiền lương ở Việt Nam trong giai đoạn này là mức lương tối thiểu thường xuyên được điều chỉnh tăng lên. Năm 1997, Chính phủ ra Nghị định số 06/CP về việc giải quyết tiền lương và trợ cấp năm 1997 đối với công chức, viên chức hành chính - sự nghiệp, người nghỉ hưu, nghỉ mất sức, lực lượng vũ trang cán bộ xã, phường và một số đối tượng hưởng chính sách xã hội. Theo đó, nâng mức lương tối thiểu lên 144.000 đồng/tháng.
Sau 4 lần cải cách tiền lương, tiền lương của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động; tiền lương trong khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc vẫn chưa độc lập với việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; việc thể hóa chủ trương của Đảng về tiền tệ hóa các chế độ ngoài lương (ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh,...) còn chậm.
TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH cho rằng, bất cập tiền lương công chức, viên chức không chỉ ở việc lương thấp, không phải ánh đủ năng lực của công chức, viên chức mà nó còn bất cập ngay chính với tiền lương ở khu vực tư.
"Lương một anh công chức không thể thấp hơn một anh công nhân. Lương của khu vực tư đang chạy nhanh hơn lương của khu vực công. Dù sao thì tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức cũng không thể thấp hơn lương tối thiểu vùng (lương công nhân, lao động khối tư nhân)", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, hiện nay, phân hóa tiền lương và mức sống của người hưởng lương giữa khu vực công và khu vực thị trường rất lớn nên dẫn đến hậu quả rất nguy hại là: Để bù đắp tiền lương, người hưởng lương khu vực công sẽ không chuyên tâm trong công việc, nảy sinh tiêu cực, bỏ bê công việc, thậm chí tham nhũng quyền lực rất lớn. Hoặc một bộ phận không nhỏ có xu hướng bỏ khu vực công sang khu vực thị trường, nhất là người có trình độ cao, người tài; đồng thời không thu hút được đối tượng này vào khu vực công.
Ông Dũng cũng cho rằng năm 2023, dịch bệnh Covid-19 chưa thể chấm dứt, nền kinh tế phục hồi nhưng còn rất khó khăn. Bởi vậy, việc cải cách tiền lương theo lộ trình mà Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định cũng không dễ dàng; do đó điều chỉnh bước đi để đảm bảo tính khả thi. Trước mắt cần thực hiện ngay việc bảo đảm tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức không thấp hơn mức lương bình quân thấp nhất (tối thiểu) của 4 vùng khu vực DN. Đồng thời, thực hiện giảm biên chế khu vực công theo quy định và chuyển mạnh những đơn vịå sự nghiệp cung cấp dịch vụ công sang thực hiện tự chủ về tiền lương
Mới đây khi trả lời kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ trưởng thừa nhận, chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, nhưng thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của viên chức ngành y tế, giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.
Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Đồng thời, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ sẽ trình Chính phủ báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách.…