Nhiều năm qua, những lô đất chính chủ của hàng trăm khách hàng tại dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 vẫn chưa được cấp phép xây dựng. Cũng bởi vậy mà nhiều người dân “mắc kẹt”, chôn tài sản chưa biết ngày nào sẽ được giải quyết.
Những ngày giữa tháng 9/2022, phóng viên Dân Việt ghi nhận nhiều công trình thấp tầng (biệt thự liền kề) ở Khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) đã xây dựng xong phần thô nhưng bị bỏ hoang, nhiều thanh sắt trụ han dỉ, trơ giữa trời, một số biển thông tin về dự án rách bươm.
Tại một số khu vực bãi đất trống (dự ánThanh Hà A Cienco 5), hàng trăm con trâu đang được chăn thả. Bên cạnh đó, tuyến đường lớn chạy vào dự án Thanh Hà A Cienco 5 phủ bóng cây xanh ở hai bên, nhiều phương tiện nườm nượp qua lại.
Cách đó khoảng chừng 500m là dự án Thanh Hà B Cienco 5. Tại một căn phòng rộng chừng hơn 30 m2, nhiều chủ đất tập trung bày tỏ bức xúc về việc họ có đất tại khu đô thị này nhưng hiện nay chưa thể xây được nhà.
Ngồi ở hàng ghế thứ 3 của căn phòng họp, anh L.Q.M, SN 1981, (quận Hà Đông, Hà Nội), một người mua đất tại dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 kể rằng, bản thân anh như "ngồi trên đống lửa" nhiều năm nay.
Năm 2019, trước khi xuống tiền mua đất, anh M. tìm hiểu dự án thì thấy có nhiều tiện ích tốt, không gian thoáng đãng rất lý tưởng và giá đất lúc đó cũng rất phù hợp với những người có thu nhập thấp như anh.
"Sau đó tôi đã xuống tiền mua 100m2 với giá 3,4 tỷ đồng. Chúng tôi mua mảnh đất với mục đích xây nhà để ở. Tuy nhiên, sau khi mua đất xong, cuối năm 2019, đi xin thủ tục cấp phép xây dựng thì chúng tôi được biết dự án đang bị dừng xây dựng do vướng phải một số sai phạm, điều chỉnh", anh M. kể.
Theo anh M., hiện tại, gia đình anh không chỉ "mắc kẹt" tại dự án này mà hàng tháng còn đang phải gánh khoản nợ ngân hàng, phải trả lãi 9 triệu đồng. Cả gia đình anh đến nay cũng phải đi thuê nhà, phát sinh thêm chi phí 4 triệu đồng/1 tháng.
Cùng chung cảnh ngộ với anh M., chị Trần Thị A ( ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng mua 300m2 đất tại khu đô thị Thanh Hà B – Cienco 5 với giá 10 tỷ đồng vào năm 2020.
Chị A. mua với mục đích để xây nhà ở và được Ban quản lý dự án hứa hẹn 1 năm sau sẽ được xây nhà. Tuy nhiên, đến nay chị A vẫn chưa được cấp phép xây nhà. Mang thắc mắc đến hỏi Ban quản lý dự án, chủ đầu tư nhưng chị A. chỉ nhận được câu trả lời là chưa thể xây dựng được nhà.
"Lúc đầu tôi dồn hết vốn liếng để mua đất nên chưa có tiền để xây nhà luôn. Sau đó, tôi gặp Ban quản lý dự án thì họ hứa hẹn là sau 1 năm sẽ được xây nhà và tôi nghĩ rằng 1 năm nữa mình cũng sẽ gom góp đủ tiền để xây. Tuy nhiên, từ đó đến nay rất nhiều lần trao đổi với ban quản lý dự án nhưng vẫn không biết được lý do cụ thể tại sao tôi không được xây nhà", chị A. chia sẻ.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hằng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng mua đất tại dự án khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 và chưa thể xây nhà ở.
Chị Hằng cho biết, trước đó, chị đã bán nhà ở phố Huế cùng với việc vay mượn nhiều nơi được hơn 10 tỷ đồng để mua 3 lô đất tại dự án cách đây 4 năm. Mục đích để xây dựng nhà ở, tuy nhiên sau khi mua xong đất mới vỡ lẽ vì không được xây dựng, lý do cũng không biết tại sao. Sau đó, chị Hằng đã phải quyết định "cắt lỗ" bán 3 lô đất để thu hồi vốn.
"Sau khi ký hợp đồng mua bán thì tôi mong muốn được xây dựng nhà ngay. Tuy nhiên, gặp ban quản lý dự án thì họ chỉ nói rằng ký hợp đồng thôi chứ không hứa bao giờ được xây. Tôi vô cùng hoang mang không biết chờ đến khi nào nên đành quyết định bán hết các lô đất đã mua và mất rất nhiều tiều vào dự án này", chị Hằng bức xúc chia sẻ.
Trường hợp của chị Hằng chỉ là một trong số hàng trăm chủ đất khác cũng đang phải chịu chung cảnh ngộ "mua đất nhưng chưa thể xây được nhà.
"Tôi đã mất rất nhiều tiền khi đầu tư vào dự án này, lúc đầu tìm hiểu dự án rất nhiều ưu điểm, pháp lý rất tốt nhưng sau khi mua xong thì không được xây nhà. Điều này khiến tôi cảm thấy rất bức xúc. Toàn bộ tài sản đổ vào đây mất hết. Chỉ vì việc này mà gia đình vợ chồng tôi xích mích, hưởng lớn đến tinh thần và cuộc sống của tôi", chị Hằng bức xúc.
Còn trường hợp của chị Trần Thị A. sau khi mua 300m2 đất dự tính chỉ dùng 100m2 đất xây nhà, còn 200m2 đất sẽ bán lại nhằm có thêm tiền để xây nhà và vốn kinh doanh.
Chị A. dự định đưa toàn bộ gia đình dọn về đây ở, cũng tiện khi các con học ở trường Tuệ Đức. Tuy nhiên, không xây được nhà, gia đình chị A phải đi thuê nhà hết 6 triệu đồng/tháng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình chị A. vì còn phải chăm lo cho 4 người con cùng gia đình nội, ngoại.
"Khi đó tôi đã dồn hết tiền vào mua đất nên sau khi tài sản bị chôn vùi hết vào dự án khiến tôi cụt vốn, cuộc sống rất khó khăn. Trong khi, đất muốn bán cũng không bán được vì gặp vấn đề như vậy ai người ta còn dám vào mua. Tôi mong rằng cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp giải quyết vướng mắc để người dân ở dự án này được xây dựng trở lại, các hạ tầng còn lại của dự án sớm hoàn thiện để người dân được hưởng lợi", chị A chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, tại dự án này có khoảng 5.000 lô biệt thự thấp tầng. Để có thể được cấp phép xây dựng, các lô đất xây dựng biệt thự này cần được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định thiết kế cơ sở.
Khi chưa có những quyết định hành chính làm khó dự án này, chủ dự án đã trình cơ quan chức năng thẩm định được khoảng 500 lô. Những lô còn lại hiện "không đủ cơ sở thẩm định" sau Quyết định của UBND TP.Hà Nội.
Trước đó, năm 2008, xuất phát từ mục tiêu nhằm hình thành tuyến đường mới nối khu vực Hà Đông qua các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được cấp phép triển khai theo hình thức BT.
Dự án xây dựng giai đoạn 1 với chiều dài 19,9km; giai đoạn 2 có chiều dài 21,6km. Tổng số tiền hoàn vốn cho dự án này tính theo hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 60 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng bàn giao.
Theo chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp lần đầu ngày 25/4/2008, dự án có tổng vốn đầu tư là 6.076 tỷ đồng, lãi vay trong quá trình thực hiện dự án là 920 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BT là 607 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư tự huy động. Một hợp đồng BT dự án đường trục phía Nam Hà Tây đã được ký vào tháng 4/2008 giữa Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tây và Cienco 5 (với vai trò là nhà đầu tư) và Cienco 5 Land (với vai trò là doanh nghiệp dự án).
Theo hợp đồng BT, để hoàn trả cho bên B (được xác định là Cienco 5 và Cienco 5 Land) xây dựng và hoàn thành công trình BT, bên B sẽ được giao làm chủ đầu tư xây dựng 3 dự án khu đô thị mới là Thanh Hà A – Cienco 5, Thanh Hà B – Cienco 5 và Mỹ Hưng – Cienco 5. Doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land được Cienco 5 thành lập. Tại thời điểm thành lập, Cienco 5 Land có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó Cienco 5 sở hữu 49% vốn.
Trong suốt 8 năm, vốn điều lệ của Cienco 5 Land đã tăng một cách chóng mặt lên đến 600 tỷ đồng nhưng tỷ lệ cổ phần của Cienco 5 sở hữu lại giảm xuống còn 3,3%. Các dự án khu đô thị gần như bị "đắp chiếu", hoang hóa.
Đến tháng 4/2016, Tập đoàn Mường Thanh công bố mua lại 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), thuộc Cienco 5.
Được biết, tổng giá trị thương vụ này là 3.500 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: 1.000 tỷ đồng mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land và 2.000 tỷ đồng khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho Cienco 5 Land. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Mường Thanh sẽ kiểm soát các dự án của Cienco 5 Land tại quận Hà Đông, Hà Nội, trong đó có khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5.
Sau nhiều năm, đến nay, dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 đã bị tạm dừng xây dựng để thanh tra và điều chỉnh quy hoạch đô thị và đến nay vẫn chưa được phê duyệt điều chỉnh và xây dựng trở lại.
Việc tạm dừng xây dựng kéo dài ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn hộ dân đã mua đất nền tại Thanh hà - Cienco 5. Không xây được nhà, không có chỗ ở, lãng phí tài sản,… hàng trăm hộ dân đã nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở liền Kề, Biệt thự Thanh hà vẫn chưa được phê duyệt.