Phùng Anh Lê vừa kháng cáo bản án sơ thẩm, cho rằng không phạm tội "Nhận hối lộ" như quy kết. Không chỉ sau khi bị tuyên án mà trong quá trình xét xử, Phùng Anh Lê luôn cho rằng mình không đánh đổi để nhận hối lộ.
Như Dân Việt đã đưa tin, Phùng Anh Lê – cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) vừa kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên vào ngày 14/8.
Theo đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã quyết định, xử phạt bị cáo Phùng Anh Lê 7 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ".
3 cựu thuộc cấp của Lê ở Công an quận Tây Hồ trước đây lần lượt lĩnh mức án như sau: Nguyễn Đức Châu 10 tháng 28 ngày tù, ghi nhận bị cáo Châu đã chấp hành xong hình phạt, trả tự do ngay tại tòa; Vũ Công Ngọc 6 tháng tù, cho hưởng án treo; Lê Đình Trung 4 tháng 12 ngày tù, trừ thời gian tạm giam, ghi nhận bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù.
Sau khi bị tuyên án sơ thẩm, Phùng Anh Lê kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân không có tội và bị oan. Các bị cáo còn lại không kháng cáo.
Theo quy định, nếu kháng cáo của Phùng Anh Lê hợp lệ, kháng cáo sẽ được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm.
Trở lại diễn biến vụ án Phùng Anh Lê bị xét xử tội "Nhận hối lộ", không chỉ sau khi bị tuyên án mà trong quá trình phiên sơ thẩm diễn ra, Phùng Anh Lê luôn kêu oan, cho rằng mình không phạm tội.
Lê thề độc giữa tòa, nói không phạm tội và cũng cho rằng bị trù dập.
Cụ thể, chiều 13/8, sau khi nghe Viện Kiểm sát đề nghị mức án với mình về tội "Nhận hối lộ" từ 9 đến 10 năm tù, tự bào chữa trước tòa, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ nói Viện Kiểm sát đề nghị bị cáo 1 năm, 10 năm như nhau bởi Lê không có tội.
Phùng Anh Lê cũng trình bày trước tòa rằng nếu tòa tuyên có tội, Phùng Anh Lê sẽ chống án, kêu oan đến lúc nào Lê không làm được nữa, thậm chí đến lúc chết.
"Trước khi chết tôi sẽ di chúc cho vợ tôi, các con tôi kêu oan bằng được, bởi đây là danh dự của cả dòng họ nhà tôi" – Phùng Anh Lê đã trình bày như thế trước tòa.
Về cáo buộc nhận 110 triệu đồng từ chú họ Phùng Văn Bảy, Lê dẫn chứng, các luật sư bào chữa đã trình bày rằng 14 lời khai của ông Bảy đều mâu thuẫn, không lần nào giống lần nào. Lê khẳng định không nhận 110 triệu đồng từ chú họ, thậm chí thề độc rằng nếu nhận tiền của ông Bảy thì "mẹ tôi chết".
Trong lời tự bào chữa của mình, Phùng Anh Lê đã bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở, rằng không được đem chuyện thề ra trình bày bởi pháp luật không có thề.
Tại tòa, Phùng Anh Lê đã từng hỏi thẳng cấp dưới, rằng liệu có mâu thuẫn gì với mình không. Theo đó, Lê đề nghị Hội đồng xét xử được hỏi ông Phạm Quý Hải – Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ.
Với ông Hải, Phùng Anh Lê hỏi trong suốt quá trình từ năm 2012 đến trước khi bị cáo Lê chuyển Công an quận Tây Hồ, ông Hải có mâu thuẫn gì với Lê không? "Tôi không mâu thuẫn gì với anh cả" - ông Phạm Quý Hải đáp ngắn gọn.
Bị cáo Lê tiếp tục hỏi, từ khi Công an TP.Hà Nội xuống làm việc đến quá trình khởi tố vụ án đến nay, ông Hải đã bao nhiêu lần khai không trung thực, có khai không trung thực không? "Tôi không trả lời" – ông Hải đáp.
Lê còn tự cho rằng 1 cựu thuộc cấp khác cũng có hiềm khích với mình, tuy nhiên tại tòa, người đó cũng bác bỏ nghi ngờ này của Lê.
Trước khi bị tuyên án, nói lời sau cùng, Lê nói gia đình có bố làm công an, Lê làm công an, em gái làm công an, con làm công an, cháu làm công an, tức là mấy đời đều là công an, Lê "không bao giờ đánh đổi những thứ to lớn, vô cùng để lấy số tiền 110 triệu".
Phùng Anh Lê nói mang mạng sống, danh dự bản thân, mang bố mẹ, vợ, các con ra để khẳng định rằng Lê không phạm tội.
"Nếu tôi từ giã cõi đời này có ân hận không, có day dứt không, điều đấy tôi để cho lương tâm những người đang giữ quyền công tố tại phiên tòa hôm nay mà đề nghị cho tôi từ 9 đến 10 năm tù giam" – Phùng Anh Lê nói trước tòa tối muộn ngày 13/8.
Trong phần trình bày của mình, Phùng Anh Lê cũng dành lời cảm ơn cho các luật sư, cho vợ, cho mẹ vì "mẹ yêu thương tôi rất nhiều, mẹ tôi không hiểu biết pháp luật, nhưng mẹ tôi luôn tin tưởng rằng con của mình là người tốt, là người có đạo đức, có hiếu"…
Lê cũng xin lỗi những người mà có quan hệ với mình, những người là đồng chí đồng đội, người thân "mà bị vạ lây".
"Nếu tôi được minh oan, và tôi được tuyên không có tội thì phúc lớn nhà tôi, đấy là tổ tiên nhà tôi, bố tôi, những gì linh thiêng nhất trong những ngày qua tôi cầu nguyện và tôi hướng đến được chứng minh. Còn nếu chưa được, có thể phúc phần nhà tôi chưa được lớn…" – Phùng Anh Lê nói.
Cơ quan truy tố cáo buộc, ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ và đánh anh Nguyễn Công T, xảy ra ngày 19/9/2016 tại phường Yên Phụ (Tây Hồ).
Khoảng 21 giờ cùng ngày, Tài bị đưa vào Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để thi hành quyết định tạm giữ trong thời hạn 3 ngày.
Do lo sợ Tài bị xử lý, chị Nguyễn Thu H (vợ Tài), ông Nguyễn Văn H (Ba Đình, bố đẻ chị H) cùng với Nguyễn Văn T (cháu họ ông Nguyễn Văn H) đã nhờ ông Phùng Văn Bảy tìm người giúp cho Tài được hòa giải với bị hại, không bị xử lý.
Do có quan hệ họ hàng với bị cáo Phùng Anh Lê nên ông Bảy đã đặt vấn đề và được Lê đồng ý giúp với yêu cầu phải đưa cho Lê 110 triệu đồng để hòa giải bồi thường.
Khoảng từ 21 giờ 30 phút đến 22 giờ ngày 22/9/2016, tại khu vực vỉa hè đối diện trụ sở Công an quận Tây Hồ, chị Nguyễn Thu H cùng với bố đẻ, Nguyễn Văn T đã đưa bọc tiền 103 triệu đồng cho ông Bảy.
Ông Bảy cho mượn thêm 7 triệu đồng rồi cầm trên tay bọc tiền 110 triệu đồng đi vào phòng làm việc của Lê. Tại đây, ông Bảy đã đưa cho Lê số tiền 110 triệu đồng theo yêu cầu của Lê để hòa giải bồi thường và không xử lý đối với Nguyễn Hữu Tài.
Sau khi nhận tiền từ chú họ, bị cáo Phùng Anh Lê đã chỉ đạo Nguyễn Đức Châu gọi Vũ Công Ngọc mang hồ sơ đến báo cáo Lê việc tạm giữ Tài. Sau đó Lê chỉ đạo Lê Đình Trung bàn giao Tài cho Vũ Công Ngọc để tha cho về không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.
Hậu quả dẫn đến Tài được tha trái pháp luật, đơn trình báo của anh Nguyễn Công T không được xác minh làm rõ, hành vi của Tài không bị điều tra xử lý cho đến khi Công an TP.Hà Nội phát hiện vụ việc và xử lý vào năm 2021.