Đặt mục tiêu chuyển đổi từ công ty cung cấp dịch viễn thông thành công ty cung cấp dịch vụ số, Viettel có lộ trình giảm dần tỷ trọng doanh thu viễn thông trong cơ cấu tổng doanh thu nhưng vẫn phải giữ được vị trí trọng yếu trong toàn ngành.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Viettel thúc đẩy các dịch vụ số từ chính dịch vụ viễn thông
"Quả ngọt" từ quá trình đầu tư sớm cho chuyển đổi số
Tại Việt Nam hiện nay, Viettel tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về viễn thông về thị phần thuê bao di động và giữ vững thị phần internet cáp quang (FTTH). Doanh thu dịch vụ viễn thông của Tập đoàn ước tính đóng góp khoảng 50% tỷ trọng doanh thu của toàn ngành. Trước đó theo công bố của Bộ TT&TT, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2022 toàn ngành viễn thông đạt hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
"Chuyển dịch số mạnh mẽ, tạo ra mô hình kinh doanh mới với ưu thế tập trung về công nghệ và sản phẩm, Viettel phải giữ vững vị trí số 1 về viễn thông trong nước cả về mạng lưới, chăm sóc khách hàng, dịch vụ khác hàng..."- ông Đỗ Minh Phương- PTGD Tập đoàn Viettel nhận định.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, đơn vị vận hành, kinh doanh viễn thông của Viettel, cho biết việc Covid-19 được khống chế cuối quý 1-2022 đã giúp khách hàng tiêu dùng data từ dịch vụ Viettel trong 6 tháng đầu năm tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm nay, Viettel phát triển được gần 3 triệu thuê bao 4G, tăng tới 8,4% so với cả năm 2001.
Một yếu tố quan trọng giúp mảng viễn thông Viettel vẫn tiến lên bất chấp bối cảnh cảnh khó khăn, theo lãnh đạo Viettel Telecom là từ việc đầu tư sớm cho nhu cầu data di động ngày càng tăng. Với sứ mệnh là DN chủ đạo kiến tạo xã hội số, Viettel Telecom đã quyết liệt tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh mục tiêu phổ cập kết nối internet. Hiện tại internet của Viettel đến với gần 100% xã; gần 70% thôn tổ có hạ tầng kết nối sẵn sàng.
Viettel đồng thời tăng cường phủ sóng 4G, đầu tư mạnh cho 5G. Trong 6 tháng đầu năm, Viettel đã phát triển mới gần 3 nghìn trạm phát sóng di động, nâng tổng số toàn mạng lên gần 140 nghìn trạm phát sóng. Đồng thời, Viettel đầu tư và đưa vào hoạt động gần 6.000km cáp quang, đưa mạng lưới Viettel lên hơn 350 nghìn km cáp quang.
Tính đến nay Viettel đã có độ phủ sóng 4G 97% dân số trên cả nước. Viettel hiện là mạng có tốc độ internet di động tải xuống cao nhất, độ khả dụng 4G lớn nhất và trải nghiệm vùng phủ 4G tốt nhất VN. Hệ thống đo kiểm chất lượng viễn thông hàng đầu thế giới Umlaut đã đánh giá chất lượng mạng lưới của Viettel tăng lên 8 bậc so với tháng 12/2021, hiện đứng số 1 Việt Nam và ở vị trí số 9 ở Châu Á Thái Bình Dương.
Trong 6 tháng đầu năm Viettel thực hiện đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi thuê bao 3G lên 4G. Lũy kế 6 tháng thuê bao 4G tăng gần 3 triệu thuê bao; nâng tổng số thuê bao 4G lên gần 40 triệu, chiếm gần 75% tổng thuê bao di động của Viettel. Tăng trưởng data của Viettel đã có sự hồi phục mạnh trở lại, tốc độ tăng trưởng đạt mức 2 con số.
Với 5G, với giấy phép thử nghiệm ở 33 tỉnh/ TP, Viettel đang phát sóng tại 168 vị trí và tích cực hợp tác với đối tác và mở rộng phạm vi các ứng dụng như AR/VR cho giải trí, hệ sinh thái IoT, hoàn thiện kiến trúc mạng lõi…
"Bờ vai" hỗ trợ doanh nghiệp, người dân CĐS
Trong suốt hơn 2 năm bùng phát đại dịch, lĩnh vực viễn thông hứng chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong bối cảnh đó lĩnh vực viễn thông của Viettel bám sát "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh đồng thời có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ, chia sẻ với người dân, cộng đồng doanh nghiệp như tặng dung lượng data, giảm giá cước di động. Viettel cũng đã tặng băng thông cho hơn 6,7 triệu thuê bao FTTH với tổng trị giá 4.356 tỷ, triển khai gói cước Internet giá rẻ cho các hộ gia đình nông thôn…
Những hành động của Viettel trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn này không chỉ mang ý nghĩa chung tay với cộng đồng mà còn là cách Viettel giúp chính mình. Hỗ trợ của Viettel đã giúp người dùng duy trì kết nối đồng thời cũng giúp lĩnh vực viễn thông của Viettel chặn đà suy giảm, giữ được khách hàng, thậm chí tăng doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng (ARPU) tiêu dùng data.
Viettel cũng đã tập trung triển khai hệ sinh thái cho khách hàng DN vừa và nhỏ (SMEs), hộ kinh doanh cá thể từng bước tạo nhu cầu cho thị trường. "Định hướng của Viettel Telecom là xây dựng các hệ sản phẩm giải pháp số cho hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, phục vụ đến 70% nhu cầu của SMEs, bán lẻ, hộ gia đình, đặc biệt là các cá thể kinh doanh trên môi trường số", ông Cao Anh Sơn cho biết.
Năm 2022, Viettel đã tổ chức bộ máy, nguồn lực tập trung vào các nhóm khách hàng cụ thể, giải quyết các bài toán chuyển dịch số cho SMEs, hộ kinh doanh với hệ sinh thái giao dịch điện tử cung cấp đại trà như dịch vụ hợp đồng điện tử - vContract, chữ ký số MobileCA/CloudCA...
Đặc biệt, Viettel đã đưa vESS - nền tảng số quản trị DN một cách toàn diện - vào kinh doanh thử nghiệm. Hệ thống này của Viettel Telecom giúp số hoá 77% hoạt động của các DN; tiết kiệm 11% chi phí hoạt động chung và rút ngắn 36% thời gian ra quyết định. Chỉ trong hơn một tháng kể từ khi ra mắt, vESS đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng DN và các hiệp hội với gần 2.000 lượt DN đăng ký và gần 1.500 DN đã sử dụng các ứng dụng.