Nhiều nông dân trăn trở vì “cõng” chi phí sản xuất, bởi giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón hiện ở mức cao, chi phí thuê đất, nhân công… cũng tăng vọt, khiến cho lợi nhuận nhà nông trồng lúa ngày càng bị teo tóp, thậm chí là không có lời.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân bày tỏ nỗi niềm, trong đó mong muốn giá vật tư nông nghiệp nhanh chóng được bình ổn.
Làm 10 công lúa, vụ Hè Thu này, ông Nguyễn Văn Khoa (Tám Khoa) ở ấp Trung Hưng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Chi phí vụ này bị đội lên, tổng cộng tốn khoảng 20 triệu đồng.
Ông Tám liệt kê, tiền xới đất là 1.800.000đ, trục đất 400.000đ, tiền giống 2.100.000đ, chi phí phân thuốc khoảng 12.000.000đ, tiền thuê xịt giống, bón phân khoảng 1.000.000đ…
Các chi phí đều tăng, đáng nói là mùa này một số loại phân tăng giá đến hơn 300.000 đ/bao, có loại tăng gấp đôi.
Hôm gặp chúng tôi, ông Tám Khoa cho biết đã nhận cọc chờ ngày thu hoạch lúa, giá bán là 6.000 đ/kg. “Với năng suất 25 giạ/công, tui đã ngồi nhẩm tính thì không có lời. Bởi vậy, làm xong vụ này thì tui sẽ bỏ chớ không làm thêm vụ 3”.
Theo ông Tám “nguyên nhân là do chi phí cao quá, chỉ riêng vật tư đã chiếm muốn hết. Nhiều năm nay đã vậy, gần đây chi phí càng đội lên cao hơn”.
Cũng ở xã Trung Hiệp, anh Nguyễn Hữu Thông ở ấp Rạch Nưng trồng gần 20 công cam, than vãn: “Phân thuốc bây giờ mắc quá, nông dân làm vất vả, giá nông sản bấp bênh nên lời không nhiều, thậm chí còn bị lỗ.
Đáng nói là khi giá xăng tăng thì giá phân thuốc tăng theo rất nhanh nhưng khi giá xăng giảm thì giá phân thuốc vẫn “ngự” ở mức cao”.
Mang ra bao phân vừa mua hôm trước, anh Thông nói: Giá bao phân này hồi trước 650.000 đ/bao, giờ là 1.400.000 đ/bao “mà trả tiền mặt chớ mua thiếu thì giá còn cao hơn. Tính ra bán bao nhiêu giạ lúa, bao nhiêu ký cam mới mua được một bao phân”.
Anh Thông chia sẻ: Mấy lần đi mua phân, nghĩ là chuẩn bị đủ tiền rồi nhưng khi tới cửa hàng thì được cho hay giá đã tăng lên. Bị hụt tiền nên phải mua giảm số lượng so dự kiến.
Anh Thông cho biết thêm, nếu trước đây mướn đất trồng cam tốn chi phí đầu tư 70 triệu đồng/công thì hiện đã tăng lên khoảng trăm triệu đồng/công. Năm ngoái mướn đất 5 triệu đồng/công/năm, giờ lên 6 triệu đồng. Chai thuốc cỏ lúc trước 150.000 đ/chai, giờ 200.000 đ/chai. Phân Urê trước đây 450.000 đ/bao, giờ lên 800.000- 900.000 đ/bao…
Theo anh Thông, nông dân trồng lúa đã gặp khó, nhiều người bỏ vụ. Còn nông dân trồng cam thì “hồi xưa có thể lời nhiều chớ bây giờ lời meo lắm”. Để giảm chi phí phân thuốc và nâng cao chất lượng trái cam, anh Thông đã áp dụng trồng cam theo hướng hữu cơ, xài thuốc sinh học, hạn chế thấp nhất xài phân thuốc hóa học.
Hớp ngụm trà với ánh mắt suy tư, anh Thông đề xuất: “Ngành chức năng cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp giá cả vật tư nông nghiệp bình ổn. Bên cạnh, quan tâm đê điều, cống bộng để đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu vì canh tác thì “nhất nước, nhì phân…”. Có vậy thì nông dân sản xuất nông nghiệp mới có lời, giúp ổn định cuộc sống”.
Cập nhật giá cả phân thuốc hàng ngày, ông Nguyễn Thanh Hùng- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Rạch Nưng cho biết: Ở đây làm ruộng hầu như nông dân xài phân loại 1,4 triệu đồng/bao vì đất ở đây rất nghèo dinh dưỡng, nên khi phân tăng giá và giữ ở mức cao như hiện nay bà còn rất rầu.
Sản phẩm làm ra đã vất vả, chi phí lại tăng, trong khi bán ra cũng bị thiệt vì phải qua nhiều khâu trung gian. Tuy nhiên, từ chi phí nhân công đến giá vật tư nông nghiệp gần đây đều tăng cao sẽ gây khó cho nông dân. Do đó, cần làm sao cân đối bình ổn giá cả phân bón, thuốc trừ sâu…
Ông Nguyễn Hồng Nâu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hiệp cho biết: Thời gian qua, nhiều nông dân trồng lúa “gánh” quá nhiều chi phí tăng, nên không có lời, nhiều người đã bỏ vụ, có người chuyển sang trồng màu, cam, bưởi… để cải thiện thu nhập, điều này rất mừng, nhưng ngược lại cũng rất băn khoăn do nông dân lên vườn quá mức quy định, máy móc đi lại khó khăn, dịch bệnh, sâu bọ… sẽ ảnh hưởng đến những người trồng lúa còn lại.
Tới đây, BCH Hội Nông dân xã kiến nghị phải có quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất; quan tâm xử lý vấn đề kinh bộng sao cho đảm bảo nước tưới tiêu. Đồng thời, làm sao cân đối bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Hiện nông dân chăn nuôi, trồng trọt đều gặp khó khăn, bởi nông sản bán không có giá. Nếu chỉ làm 5- 10 công ruộng thì khó có dư, muốn nuôi con ăn học thì phải làm thêm nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Tôi mong muốn sắp tới giá lúa sẽ tăng cao hơn, đặc biệt là chi phí phân thuốc giảm xuống để nông dân có lời khá hơn.