TTVH Online

Lên vùng đất có tên Sì Lở Lầu ở Lai Châu khí hậu như châu Âu nghe chuyện người Mông, người Dao đỏ

Phong Cầm 23/07/2022 06:10 GMT+7

Ai có dịp về xã vùng cao biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu thời điểm này, sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay trên từng nếp nhà người Mông, Dao Đỏ; bản làng nhộn nhịp.

Sì Lở Lầu vùng đất xa xôi nhiều khó khăn

Lâu nay bà con vùng cao vẫn truyền tai nhau, muốn lên Sì Lở Lầu phải qua 8 tầng dốc, điều đó khiến nhiều người e ngại. Nhưng đó là chuyện của thời xa xưa, giờ đây những con dốc cao lầy lội mỗi khi mưa về ấy đã được thay bằng những con đường trải nhựa phẳng lỳ. 8 giờ sáng chúng tôi có mặt tại UBND xã, tình người và tình đất nơi này đã xua tan cái lạnh đặc trưng bởi rừng rậm, núi cao và sương mù.

Sau cái bắt tay thật chặt, anh Tẩn Sài Đông – Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) trải lòng bằng giọng nói trầm ấm: "Có một thời, nhắc đến Sì Lở Lầu dường như ai cũng sợ. Người ta sợ bởi đường xa đi lại khó khăn, sợ cái lạnh khắc nghiệt và sợ đến đây không có lương thực để sinh tồn.

Về Sì Lở Lầu nghe người Mông, Dao Đỏ kể chuyện làm ăn - Ảnh 1.

Chợ Sừng Sì Lở Lầu - Gọi là chợ Sừng bởi chợ họp vào ngày hai con vật có sừng trong 12 con giáp là con dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu), cứ sáu ngày chợ họp một lần. Chợ ở nơi xa xôi nên còn giữ được nét nguyên sơ. Ở đây chủ yếu là người Hà Nhì, Dao Đỏ, Mông đến mua, bán, trao đổi hàng hoá và giao lưu. Ảnh bảo Anh

"Sì Lở Lầu gần như bị cô lập cả mùa khô và mùa mưa. Bà con có việc cần ra trung tâm huyện thì phải đi bộ từ đêm. Nhận thức của người dân còn hạn chế, do đó địa phương muốn tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước rất vất vả bởi có tới hơn 90% dân số không biết tiếng phổ thông. 

Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc, mảnh đất còn nhiều khó khăn này đang từng ngày thay da đổi thịt", anh Đông chia sẻ.

Trong những chia sẻ của anh Đông, tôi biết thêm về thời tiết ở Sì Lở Lầu rất lạnh. Rét đậm rét hại khiến gia súc chết 400 con vào năm 2013. Mỗi năm ngô, lúa chỉ canh tác được vụ mùa. Song bằng nghị lực, ý chí khắc phục khó khăn, chịu thương chịu khó lao động, nhất là sự tuyên truyền kịp thời của cả hệ thống chính trị, người dân Sì Lở Lầu đã biết cách phòng chống thiên tai kịp thời, giảm thiệt hại về kinh tế.

Nông dân Sì Lở Lầu nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh

Lấy kinh tế năm 2015 làm mốc, thu nhập bình quân đầu người (xã Sì Lở Lầu cũ) đạt 15 triệu đồng/năm thì đến năm 2021 đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Ý thức được việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình là yếu tố quan trọng, do đó người dân nơi đây đã phát huy sức mạnh từ nội lực.

Hiện, toàn xã có tổng đàn gia súc, gia cầm có tới 4.474 con, ruộng trồng lúa của xã 376,8ha, ngô 351ha, thảo quả 221ha. Năng xuất ngô, lúa đạt từ 42 – 45 tấn/ha. Ngoài ra bà con còn trồng thêm hoa màu các loại khác với diện tích hàng trăm hecta.

Về Sì Lở Lầu nghe người Mông, Dao Đỏ kể chuyện làm ăn - Ảnh 2.

Những năm gần đây người dân Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu mạnh dạn đưa cây trồng mới và sản xuất, tiêu biểu như cây thất diệp nhất chi hoa. Ảnh Bảo Anh

Khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, bà con đã nhanh nhạy thích ứng với tình hình mới, những nam nữ thanh niên không chơi bời tụ tập mà thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa đi lao động tại các công ty, doanh nghiệp trong nước với số lượng khoảng 300 người.

Trung bình mỗi gia đình có từ 1 - 2 chiếc xe máy. Máy cày toàn xã cũng khoảng 400 cái, có gia đình còn mua được ô tô bán tải chở hàng hóa. Riêng bản Tả Chải có 116 hộ thì 99 gia đình xây nhà kiên cố, hộ nghèo của xã giảm còn 282 hộ.

Giờ thì ở Sì Lở Lầu cũng đã xuất hiện những triệu phú làm kinh tế giỏi, đi lên từ trồng thảo quả, tam thất như gia đình ông Phàn Phủ Tông ở bản Lả Nhì Thàng. Mạnh dạn đến xã Bản Lang thuê đất trồng chuối mỗi năm thu nhập 150 triệu đồng như gia đình ông Phàn Vần Sinh.

Về Sì Lở Lầu nghe người Mông, Dao Đỏ kể chuyện làm ăn - Ảnh 3.

So với trước đây, người dân Dao Đỏ ở Sì Lở Lầu đã biết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, bán tại các phiên chợ góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh Bảo Anh

Hơn thế, người dân còn biết liên kết thành lập HTX chở vật liệu xây dựng, thu mua nông sản địa phương bán sang Trung Quốc. Mới đây, một nhóm hộ ở bản Tỷ Phùng đã chủ động tham gia mô hình trồng cây thất diệp nhất chi hoa theo nguồn vốn chương trình 1385 của Thủ tướng Chính Phủ về hỗ trợ các xã khó khăn khu vực biên giới xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.

Mô hình đang cho những tín hiệu khả quan. Anh Cồ Lỳ Pô bản Tỷ Phùng cho biết: Được các cấp chính quyền từ TW đến địa phương quan tâm, chúng tôi cùng động viên nhau phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Từ một xã có khoảng cách xa nhất huyện thì nay thời gian đến xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã gần hơn bởi giao thông đi lại thuận tiện. Những chuyến xe xuôi ngược nối nhau vận chuyển hàng hóa tấp nập tạo nên khí thế sôi động cho mảnh đất miền biên viễn này.

Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Sì Lở Lầu đạt được 11/19 tiêu chí. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn. Phấn khởi nhất là những đoạn đường từ Bản Mới, bản Phố Vây, Xin Chải ra các khu sản xuất được bê tông hóa giúp người dân chở nông sản về nhà trong thời gian ngắn.

Cũng theo anh Đông, lộ trình thực hiện xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, chưa hẹn ngày về đích song chính quyền địa phương và người dân Sì Lở Lầu sẽ cố gắng nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong thời gian sớm.

Bảo Anh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN