Các giáo viên tại Phú Thọ đang gấp rút ôn tập, bổ sung lượng kiến thức, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho sĩ tử bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 này.
Thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 trên địa bàn tỉnh có 15.883 thí sinh. Trong đó, 15.386 thí sinh là học sinh lớp 12, năm học 2021-2022; 507 thí sinh tự do.
Để tổ chức kỳ thi, tỉnh Phú Thọ đã bố trí 39 điểm thi, với 708 phòng thi. Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ phối hợp với các sở, ngành, địa phương bố trí đầy đủ các lực lượng, thành phần tham gia tổ chức kỳ thi với tổng số 2.651 người; ngoài ra còn bố trí 300 cán bộ quản lý, giáo viên dự phòng.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã rà soát, nắm bắt thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thí sinh vùng sâu, vùng xa, thí sinh đi lại khó khăn để có phương án hỗ trợ đi lại, ăn ở trong những ngày tham dự kỳ thi.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho kỳ thi; phương án đảm bảo an toàn tại các điểm thi; việc huy động đội ngũ sinh viên tình nguyện hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trong những ngày thi, phương án bảo đảm nguồn điện, phương án vệ sinh an toàn thực phẩm... tại các điểm thi đã được các ngành chức năng lên phương án sẵn sàng, góp phần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành. Tỉnh Phú Thọ đặt ra mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không tạo áp lực cho thí sinh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
"Tỉnh Phú Thọ mong muốn Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo cấp Quốc gia thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo tỉnh Phú Thọ kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức kỳ thi", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng nhấn mạnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Văn - Ngoại ngữ, Trường THPT Tử Đà (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) nhận định, về cơ bản cấu trúc đề thi kỳ thi năm nay sẽ giữ ổn định so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Do đó, đối với phần đọc hiểu (chiếm 30% số điểm toàn bài), các em cần ôn tập các kiến thức liên quan đến Đọc hiểu văn bản như: Phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thể thơ, các biện pháp tu từ, nhận biết hình ảnh, chi tiết...
Các em cần rèn kĩ năng nhận diện, phân loại câu hỏi đọc hiểu và cách trả lời từng loại câu hỏi. Thời gian dành cho phần này khoảng 15-20 phút.
Đối với phần Làm văn, trong quá trình ôn tập, cần trang bị cho mình vốn kiến thức xã hội, có thể khái quát thành chủ đề hoặc lĩnh vực để tích lũy kiến thức.
Các em cần có quan điểm riêng, biết liên hệ vào thực tiễn của bản thân. Vậy nên cần luyện tập cách bày tỏ quan điểm nhận thức và hành động. Ngoài việc giải thích ngắn gọn khái niệm, làm rõ yêu cầu của đề bài bằng lí lẽ và dẫn chứng, cần lật lại vấn đề để bài viết sâu sắc hơn. Thời gian dành cho phần này khoảng 20 -25 phút.
Phần Nghị luận văn học trong đề thi môn Ngữ văn luôn là thách thức lớn đối với mọi học sinh. Đây là phần chiếm nhiều điểm nhất trong bài thi, đòi hỏi người viết phải có kiến thức văn học và cả kỹ năng tạo lập văn bản.
Do vậy, để có thể đạt điểm cao trong phần này, các em cần phải nắm được kiến thức về tác giả, tác phẩm, chủ đề, các ý chính, nét đặc sắc trong nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Đối với văn xuôi, phải nắm được cốt truyện, sự việc, nhân vật, hiểu chính xác các chi tiết, hình ảnh tiêu biểu... Đối với thơ, tốt nhất là thuộc bài, nắm được mạch cảm xúc, ý nghĩa các hình ảnh thơ, nét nghệ thuật đặc sắc… Đối với kịch, phải nắm được tình huống, xung đột kịch, tính cách nhân vật kịch…
Ngoài ra, học sinh cũng cần rèn luyện kĩ năng so sánh, liên hệ. Có khả năng đánh giá, bình luận về vấn đề. Thường xuyên đọc để tăng vốn từ vựng; tích cực làm văn để luyện khả năng huy động kiến thức và kỹ năng viết. Thời gian dành cho phần này khoảng 80 phút.
Thầy giáo Kiều Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Chân (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) là giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Hóa học của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thấy Kiều Hưng cho rằng, thí sinh cần phải phân tích, nghiên cứu cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT năm học 2021-2022.
Thí sinh cần xây dựng kế hoạch ôn tập môn Hóa học theo định hướng đề thi tham khảo, bám sát sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt chú ý đối với môn Hóa học, kiến thức không phải độc lập cụ thể ở lớp 10,11,12 riêng biệt mà có sự giao thoa. Do đó, cần so sánh các vấn đề, nội dung; chú ý vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
"Kiến thức trọng tâm môn Hóa học lớp 11 vào sự điện li - C,N,P và hợp chất, các loại phân bón hóa học, bài tập hidrocacbon; lớp 12 tập trung chủ yếu este, chất béo, cacbohidrat - amin, aminoaxit, peptit đơn giản, polime, chất dẻo, cao su, tơ + đại cương kim loại: tính chất vật lí, điều chế, dãy điện hóa, quy tắc anpha - kim loại kiềm, kiềm thổ, nhôm, sát + bài tập tổng hợp vô cơ, hữu cơ.
Giai đoạn nước rút này, các em ôn tập kiến thức cơ bản, đọc lại sách giáo khoa và kết hợp ôn tập kiến thức cơ bản với duy trì việc luyện đề, làm quen áp lực phòng thi và cách phân bố thời gian trong quá trình làm bài sao cho hợp lí.
Trong quá trình làm bài thi, các em không được để mất điểm câu hỏi nhận biết 25%. Khi làm bài, cần đọc qua đề để nhận dạng mức độ các câu hỏi, làm câu dễ trước, khó sau, chú ý phân phối thời gian trong quá trình làm bài", thầy giáo Kiều Hưng chia sẻ.
Với kinh nghiệm 18 năm gắn bó với bộ môn Toán, từng dẫn dắt nhiều học sinh đạt các giải tỉnh và Quốc gia, cô giáo Phạm Thị Thu Hiền – Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, để làm tốt bài thi môn Toán, các thí sinh cần tìm "từ khóa" chính trong câu hỏi, xác định đúng yêu cầu của đề bài.
Riêng với môn Toán, cấu trúc đề gôm 50 câu hỏi trong đó có 38 câu mức độ 1,2 và chỉ có 12 câu mức độ 3,4. Trong 12 câu mức độ 3,4 được sắp xếp không theo thứ tự từ dễ đến khó, chính vì vậy các em cần xác định được 7 câu ở mức độ 3, và 5 câu ở mức độ 4 để sắp xếp thứ tự hoàn thành các câu hỏi cho hợp lí.
"Hãy nhớ mình không đạt điểm 9 là do mình làm sai câu hỏi dễ, chứ không phải mình không làm được câu hỏi khó. Khi làm bài, hãy tự trả lời trước rồi đọc đáp án sau, tạo thói quen quên đi đáp án cho sẵn và tuyệt đối không được bỏ trống đáp án.
Dành thời gian 5 phút trước khi nộp bài để soát lại bài làm của mình thật cẩn thận, đảm bảo mình đã tô đúng đáp án, tránh tình trạng làm ra đáp án này lại tô nhầm đáp án khác", cô giáo Phạm Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Thầy giáo Nguyễn Lam - Tổ Trưởng Tổ Anh, Trường THPT Quế Lâm (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) sau khi phân tích kỹ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT năm học 2021-2022 đánh giá, các câu ở mức độ 1 và 2 chiếm tỉ lệ đến 70%.
Từ đó cho thấy, khi làm bài thi đối với những học sinh ở trình độ trung bình và yếu, các em chỉ cần tập trung vào 2 loại câu này là có thể đạt được hiệu quả cao.
"Trong quá trình làm bài thi, các em phải bình tĩnh, phân bổ thời gian hợp lý vì môn Tiếng anh có đến 50 câu trắc nghiệm chỉ trong vòng 60 phút. Do đó, các em phải nhanh chóng chọn những câu ở mức độ 1 và 2 và hoàn thiện trong 30 phút đầu. Sau đó, tập trung vào các câu còn lại.
Một điều lưu ý là nhớ dành 5 phút cuối cùng để hoàn thiện hết số câu quá khó, không được để sót thì điểm thi mới có thể như mong muốn", thầy giáo Nguyễn Lam lưu ý.