UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trường hợp chó thả rông, vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Thực hiện Kế hoạch về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; dừng chăn nuôi và xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên địa bàn phường, UBND phường Đại Kim đã tổ chức ra quân tuyên truyền, bắt chó thả rông. Dự và kiểm tra công tác phát động, có lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường; Trưởng các ngành đoàn thể chính trị; Tổ trưởng các tổ dân phố và thành viên của đội chuyên trách bắt chó thả rông.
Tại buổi ra quân, UBND phường quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra bắt, xử lý chó thả rông; giao nhiệm vụ cho đội bắt thả rông đồng thời phát động đợt ra quân trên địa bàn phường.
Sau buổi lễ phát động, tổ chuyên trách bắt chó thả rông đã triển khai việc ra quân bắt chó và tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin như đài truyền thanh phường, trên xe tải lưu động đi các tuyến phố; băng rôn, tờ rơi… với nội dung tuyên truyền như:
Quy định bắt buộc đối với người nuôi chó: Người nuôi chó phải khai báo, đăng ký nuôi chó với UBND phường; Cam kết nuôi nhốt, xích, giữ chó trong khuôn viên của gia đình; phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Phải quản lý chó, không thả rông chó; khi đưa chó ra nơi công cộng phải có rọ mõm, có dây xích và có người dắt, phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó 1 lần/1 năm.
UBND phường Đại Kim cũng cho biết, chó thả rông nơi công cộng không có người dắt, giữ hoặc người dắt, giữ nhưng không đeo rõ mõm cho chó sẽ bị bắt.
Trường hợp chó thả rông, vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 7 Nghị định số 90 năm 2017 sửa đổi tại Nghị định 04 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y): Không tiêm phòng vắc xin phòng Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với các hành vi: thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật phóng uế nơi công cộng; nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư (theo quy định tại điểm D khoản 1điều 7 Nghị định số 167 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội)
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác (theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Trường hợp chó tấn công gây tổn hại sức khoẻ cho người khác thì chủ nuôi chó sẽ phải bồi thường thiệt hại.( theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013; Nghị định 4/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 sửa đổi một số điều của Nghị định 90/2017/NĐ-CP)
UBND phường Đại Kim cũng thông tin, để nhận lại chó bị bắt cần có các giấy tờ như: Chủ vật nuôi chó xuất trình chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân); Giấy đăng ký chăn nuôi có xác nhận của UBND phường. Xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo hoặc sổ theo dõi sức khỏe cho chó, mèo đã tiêm phòng bệnh dại; Cam kết không tái vi phạm các hành vi vi phạm trong chăn nuôi. Nộp phí chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian lưu giữ chó, mèo và nộp tiền xử phạt hành chính theo quy định.
UBND phường Đại Kim cũng cho biết, sau khi bắt giữ chó, đội sẽ lưu giữ tại phường trong vòng 48 giờ. Sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người đến nhận, hoặc người đến nhận không có đủ hồ sơ chứng minh quyền sở hữu chó bị bắt giữ (chó vô chủ).
UBND phường sẽ chuyển về Bệnh viện Thú y theo quy định. Bằng việc làm thiết thực, tuyên truyền sâu rộng trông nhân dân, phường Đại Kim tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng an toàn bệnh dại trong năm 2022 và duy trì các năm tiếp theo.