TTVH Online

Vị tướng bôn ba làm việc nghĩa

Phong Cầm 09/05/2022 09:03 GMT+7

Trong chiến đấu, ông từng giữ các cương vị chính trị viên tiểu đoàn, quyền Chính ủy Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên; Tư lệnh phó về Chính trị Quân đoàn 29 (Quân khu 2).

Trở về đời thường, ông lại bôn ba đi nhiều địa phương, đến nhiều cơ quan, đơn vị, để chăm lo cho hoạt động tri ân liệt sĩ ngày càng thực chất, hiệu quả. Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam vẫn luôn kiệm lời khi nói về mình.

Làm việc nghĩa, không mảy may tính toán

Nhớ về những tháng năm bi tráng, đầy ắp kỷ niệm ở Trung đoàn Phú Xuân, có lần ông chia sẻ: "Hồi đó, anh em mình hy sinh nhiều quá! Không chỉ hy sinh vì bom đạn kẻ thù, mà còn vì sốt rét và vì đói. Bao nhiêu trường hợp thương tâm không sao quên được! Chính sách tử sĩ được chấp hành bằng cả tình cảm và đạo lý, nhưng hoàn cảnh chiến trường đôi khi "lực bất tòng tâm".

Đến bây giờ, chuyện tìm nơi an táng của nhiều đồng đội, chuyện chưa xác định được danh tính nhiều hài cốt liệt sĩ (HCLS)... vẫn là niềm day dứt trong ông.

Năm 2017, một lần trong chuyến công tác tri ân liệt sĩ, các gia đình liệt sĩ (GĐLS) ở Tây Ninh, khi thắp hương trên các ngôi mộ "liệt sĩ chưa biết tên" tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành, ông đã bật khóc và nhắc lại câu nói của đồng đội: "Hoà bình rồi, nhớ đưa nhau về quê"...

Trung tướng Lê Văn Hân thường ngồi chuyện trò cùng Đại tá Nguyễn Hùng Phong, nguyên Cục trưởng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần; bác sĩ Nguyễn Đình Thường, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Y tế; bác sĩ Trịnh Đình Cần, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Bộ Y tế.

Vì đều là thân nhân liệt sĩ nên các ông thấu hiểu những mong mỏi, khắc khoải chờ mong tin tức người thân của các GĐLS. Các ông rất băn khoăn, mong muốn Chính phủ sớm có chính sách, hoặc có một hình thức xã hội hóa để huy động cộng đồng chung tay góp sức cùng Đảng, Nhà nước hỗ trợ các GĐLS tiếp cận các chính sách, chế độ, sớm tìm được và đón HCLS trở về với gia đình; trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ các GĐLS còn khó khăn về vật chất, tinh thần.

Với tâm niệm đó, vào cuối năm 2009, sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi, thảo luận, các ông cùng chung ý tưởng đề nghị thành lập một tổ chức xã hội với tên gọi Hội HTGĐLS Việt Nam nhằm tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, GĐLS; với phương châm hoạt động là "tự nguyện và ân tình".

1 3.jpg

Trung tướng Lê Văn Hân trao kết quả giám định ADN cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Phi Nhân.

Đem những vấn đề trên tâm sự với bà Trần Thị Trung Chiến, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo nguyên cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cả hai người không những rất ủng hộ mà còn động viên, khuyến khích.

Với sự nỗ lực khẩn trương, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ và dường như có sự "trợ giúp của các anh hùng liệt sĩ", ngày 17/9/2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 1081/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội HTGĐLS Việt Nam.

Ngày 24/10/2010, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã diễn ra một sự kiện thu hút sự quan tâm của xã hội. Đó là Đại hội thành lập Hội HTGĐLS Việt Nam - một tổ chức xã hội mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cùng đại diện các bộ, ban, ngành đã đến dự.

Hội viên sáng lập tham dự có 191 người, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, Trung tướng Lê Văn Hân được bầu làm Chủ tịch hội.

Hội đã được thành lập như mong ước, song ban đầu chưa có trụ sở, phải mượn nhà riêng của bác sĩ Nguyễn Đình Thường làm trụ sở tạm thời.

"Đó là những năm tháng khó khăn, thiếu thốn mà chỉ có tình cảm và trách nhiệm đối với các anh hùng liệt sĩ, với đồng đội của những người trong hội; những nhà hảo tâm hướng về các liệt sĩ mới cùng nhau vượt qua được" - Trung tướng Lê Văn Hân nhớ lại.

Ngày 24/10/2015, Đại hội lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội. Sau 5 năm, kinh phí chi cho các hoạt động tri ân liệt sĩ (TALS) đã lên tới hơn 40 tỷ đồng bằng các nguồn lực xã hội hóa. Nhớ lại từ buổi đầu thành lập hội, mọi việc bắt đầu từ con số 0. Không có trụ sở thì đi mượn, đi thuê để có chỗ làm việc; không có bàn ghế, tủ, phương tiện làm việc thì tự cán bộ, nhân viên đóng góp. Những thiết bị cơ bản thì xin Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giúp đỡ, ủng hộ; từ chỗ chưa có hội đến có hội, từ chỗ chưa ai biết, đến nhiều người biết...

Với lòng nhiệt huyết và tình cảm trách nhiệm đối với các anh hùng liệt sĩ, GĐLS, Trung tướng Lê Văn Hân cùng ban lãnh đạo, các cán bộ trong hội đã đến nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để vận động, thuyết phục mọi người cùng đồng hành với hội trong hoạt động TALS.

Hơn 10 năm qua, hoạt động của hội được nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và động viên.

Còn nhớ, vào dịp 22/12/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm hội, ông nói: "Hội HTGĐLS không phải hội đặc thù, nhưng tôi biết các đồng chí còn hơn cả đặc thù, vì là những người "ăn cơm nhà, mặc áo vợ" mà đi làm việc nghĩa, không hề mảy may tính toán".

Cố Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khi làm việc với hội đã nói: "Bộ coi công việc của hội cũng là công việc của Bộ Quốc phòng".

Những tình cảm và sự quan tâm ấy là nguồn động viên, tăng thêm nghị lực, quyết tâm thực hiện mục đích cao cả và thiêng liêng là tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, GĐLS.

Đồng hành cùng gia đình liệt sĩ

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như tổ chức khảo sát thực trạng GĐLS từ các địa phương như ở tỉnh Hưng Yên, Gia Lai, Bến Tre, Quảng Trị, Quảng Nam... hội đã tổng hợp, đưa một số kiến nghị như một kênh phản biện xã hội nhằm góp phần điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi với liệt sĩ, GĐLS trong thời gian qua.

Hội tổ chức đón tiếp các thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh (CCB) và nhân dân có nguồn thông tin liệt sĩ tin cậy để phân tích, tổng hợp, tư vấn giúp GĐLS đi tìm HCLS được đúng hướng. Từ đó, hàng trăm GĐLS tìm được hài cốt người thân bằng phương pháp thực chứng qua những thông tin thu thập.

Trên trang website và nhiều báo, đài liên kết, hội đã chuyển tải hàng trăm nghìn thông tin liệt sĩ. Việc ký kết, phối hợp với các cơ quan chức năng như Cục Người có công, Viện pháp Y quân đội, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Pháp y quốc gia tổ chức giám định ADN được coi là biện pháp khoa học, do đó đã giám định ADN được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó trên 70% hài cốt liệt sĩ xác định đúng danh tính, đem lại niềm xúc động không nói thành lời của thân nhân liệt sĩ được đón người thân về quê hương yên nghỉ.

Qua đó, hội góp phần cung cấp dữ liệu vào ngân hàng gen quốc gia, góp phần bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, kiếm tiền vô nhân tính của các nhà "ngoại cảm" trong đau khổ của các GĐLS.

Là thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước Đề án 515, những năm gần đây, hội tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và trực tiếp tổ chức khai quật 11 nhóm mộ ở 9 nghĩa trang liệt sĩ tại miền Trung và phía Nam, lấy được 393 mẫu HCLS và đi đến 20 tỉnh, thành phố lấy hơn 400 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả giám định bước đầu được 38 trường hợp đúng, tổ chức trao kịp thời cho các GĐLS.

Với các hình thức vận động thông qua Chương trình giao lưu nghệ thuật TALS, Chương trình nhắn tin TALS, Gặp mặt GĐLS... đã thu hút hàng nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân và hơn nửa triệu người dân tham gia chương trình nhắn tin TALS, đồng hành cùng hội.

Hơn 10 năm qua, hội đã tặng 795 nhà tình nghĩa (mỗi nhà trị giá 50-60 triệu đồng), tặng 2.377 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/ 1sổ), 36.795 suất quà (2-3 triệu đồng/ suất), hơn 20.800 lượt người là đối tượng chính sách được khám bệnh cấp thuốc... (tổng giá trị ước tính khoảng 150 tỷ đồng). Đó là minh chứng cho các nỗ lực vận động tài trợ của hội và các tổ chức hội trong toàn quốc để tri ân GĐLS, Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền đất nước.

Sau 11 năm, Hội HTGĐLS Việt Nam đã xây dựng và phát triển một mạng lưới tổ chức hội ở khắp mọi miền đất nước, với 12 hội HTGĐLS tỉnh, thành phố và các tổ chức hội ở các địa phương.

Mặc dù công tác tổ chức phát triển hội còn nhiều khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng với tinh thần: Vì đồng đội đã mất, không dừng lại ở những gì đã làm được, hội và các tổ chức hội ngày càng lớn mạnh, sức lan tỏa ngày càng lớn, đã và đang là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các GĐLS, điểm đến tin cậy của các GĐLS.

Những kết quả và dấu ấn hơn 11 năm qua, không thể không nhắc tới tâm huyết, nỗ lực của Trung tướng Lê Văn Hân với vai trò là Chủ tịch hội, người bôn ba làm việc nghĩa được mọi người trân quý.



Nguyễn Lê Bảo Kỳ (theo QĐND)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN