Một trong những điển hình làm giàu từ nuôi rắn hổ hèo là gia đình anh Nguyễn Hữu Phước, sinh năm 1975 tại ấp Bình An I, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Ở miền Đông người ta gọi rắn có trong Sách Đỏ này là rắn Long Thừa, miền Tây gọi là rắn hổ hèo, miền Trung gọi là rắn ráo trâu và miền Bắc là rắn hổ trâu.
Rất nhiều tên gọi nhưng tên chung của loài rắn này là hổ dện (hổ vện) vì trên mình nó có nhiều vằn vện. Đây không phải là loài rắn độc, nguy hiểm mà có nhiều công dụng trong y học, nhất là sản xuất thuốc chữa bệnh.
Ngoài ra rắn hổ hèo còn là loại thực phẫm bổ dưỡng, thơm ngon nên rắn hổ hèo đang được bán trên trị trường với mức giá khá cao, bình quân từ 450.000 đồng/kg.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, những năm gần đây nhiều mô hình nuôi rắn hổ hèo thương phẩm đã được nhiều nông dân lựa chọn phát triển kinh tế, cho hiệu quả cao và mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Một trong những điển hình làm giàu từ nuôi rắn hổ hèo là gia đình anh Nguyễn Hữu Phước, sinh năm 1975 tại ấp Bình An I, xã An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Anh Phước còn là hội viên nông dân của xã, một trong những gương điển hình vượt khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ vật nuôi.
Bốn năm trước đây, gia đình anh Nguyễn Hữu Phước chỉ sản xuất riêng lẻ, độc canh cây lúa, nên thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Được Hội nông dân xã bảo lãnh vay 10 triệu đồng từ ngân hàng chính sách huyện, anh Phước đã mạnh dạng chuyển đổi kinh tế.
Nhận thấy rắn hổ hèo đang được tiêu thụ cao trên thị trường, anh Phước quyết định mua rắn giống về nuôi thí điểm. Do mới tiếp cận với mô hình nuôi rắn Long Thừa, chưa có kinh nghiệm nhiều nên năng suất không cao.
Trao đổi với anh Nguyễn Hữu Phước, anh cho biết:… “Ban đầu khi mới bắt đầu nuôi rắn, chưa có kinh nghiệm nên rắn không lớn, năng suất thấp. Sau khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi rắn hổ hèo và học hỏi kinh nghiệm từ báo, đài và những người đi trước, giờ đây mô hình nuôi rắn hổ hèo của gia đình đã ổn định và mở rộng quy mô nuôi,...".
Bình quân mỗi lứa nuôi rắn hổ hèo cho gia đình anh Phước thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng sau thời gian 12 tháng nuôi. Ngoài ra việc bán rắn con dưới dạng rắn giống cũng cho thu nhập cao. Với 100 con rắn cái, sau mỗi lứa đẻ, rắn con có giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/con” cho lợi nhuận từ 100 triệu đồng trở lên…
Theo anh Phước nuôi rắn hổ hèo, nếu so với nuôi trăn thì nuôi rắn hổ hèo lợi nhuận cao hơn. Rắn hổ hèo dễ nuôi, ít bị bệnh, vốn đầu tư ban đầu cho xây dựng chuồng trại và rắn giống không lớn, phù hợp với điều kiện hộ nông dân nghèo nên thu hút nhiều người tham gia mô hình này.
Anh Phước chia sẽ: “Chuồng nuôi rắn hổ hèo có nhiều dạng, chuồng làm bằng xi măng hoặc chuồng lưới. Diện tích mỗi chuồng nuôi từ 2m2, ngang 2m, dài 1,2m và chiều cao là 1m, cửa chuồng làm bên hông để tiện vệ sinh. Bên trong chuồng có đặt vĩ tre để rắn nằm, mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ để tạo sự thoáng mát.
Chỗ đặt chuồng rắn hổ hèo phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh gió. Bình quân mỗi chuồng nuôi được từ 50 con rắn hổ hèo. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên phân loại rắn, nhằm phát hiện kịp thời và cách ly rắn bệnh để điều trị, ngăn ngừa dịch bệnh cho rắn, tránh thất thoát làm giảm năng suất…
Cũng theo anh Phước cho biết, nguồn thức ăn cho rắn hổ hèo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tính hiệu quả của mô hình nuôi rắn. Rắn hổ hèo được chăm sóc tốt có sức lớn nhanh, nên nhu cầu thức ăn của rắn rất cao và tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, mà nguồn thức ăn cho rắn cũng khác nhau.
Anh Phước cho biết: “Rắn hổ hèo là loài động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi dưỡng. Rắn hổ hèo rất kỹ tính, thức ăn chính của rắn hổ hèo là cóc, nhái ...con mồi phải còn sống.
Hơn nữa, rắn chỉ ăn khoảng 2 đến 3 lần trong 1 tuần. Trong giai đoạn rắn còn nhỏ, nguồn thức ăn chủ yếu là nhái con, khi nuôi được khoảng 6 tháng có thể sử dụng những loại con mồi lớn hơn như ếch, cóc, chuột tùy theo điều kiện thực tế...".
Theo anh Phước, sau 1 năm tuổi rắn hổ hèo trưởng thành đạt trọng lượng trung bình từ 1,3 đến 1,6 kg/con. Rắn nuôi sau một năm thì rắn đực và rắn cái sẽ tự phối giống, sau 34 ngày con rắn cái bắt đầu đẻ trứng.
Mỗi lứa, rắn Long Thừa mẹ đẻ từ 7 đến 10 trứng. Khi thấy rắn hết đẻ trứng thì nên cho tất cả trứng vào một cái thùng gỗ có chứa đất, cát mặt đậy kín để giữ độ ấm trong khi ấp. Sau 75 ngày trứng rắn sẽ nở với tỷ lệ rất cao. Rắn con từ 7 đến 8 ngày tuổi bắt đầu lột da và lớn rất nhanh, có thể bán rắn con dưới dạng rắn giống với giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/con…
Ngoài ra việc chọn và chăm sóc rắn sinh sản cũng rất quan trọng. Anh Phước cho biết thêm: “Việc chọn giống rắn làm bố mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng con rắn sau này. Chọn rắn đực, rắn cái làm giống phải dựa trên ngoại hình, rắn từ khi sinh ra đến trưởng thành không có lần nào bị nhiễm bệnh.
Theo anh Phước, trong quá trình nuôi, rắn hổ hèo chóng lớn, da rắn mượt, thân hình dài cân đối. Rắn đực và rắn cái phải khác dòng để khi lai tạo tránh tình trạng cận huyết, thoái hóa giống. Bên cạnh việc chọn lựa rắn giống thì vấn đề đảm bảo tỷ lệ trứng rắn nở cao cũng cần được quan tâm.
Để đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao chúng ta có thể nuôi ghép 2 con rắn đực với 10 con rắn cái. Thời gian rắn đẻ sau khi phối giống khoảng 30 đến 35 ngày. Một con cái có thể đẻ từ 12 đến 21 trứng…
Hiện nay thị trường rắn hổ hèo rất phong phú và đa dạng, Rắn thương phẩm đang được cung cấp cho nhiều nhà hàng trong nước và xuất khẩu. Theo giá thị trường hiện nay, người nông dân nuôi rắn hổ hèo thương phẩm, sau khi trừ mọi chi phí, bình quân lời mỗi con từ 300.000 đến 350.000đồng/con/một năm nuôi.
Đây thực sự là một mô hình không những góp phần giảm nghèo bền vững, mà còn là cơ hội vươn lên làm giàu cho người nông dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn.