Mã số vùng trồng và mã số đóng gói vẫn chưa được cấp, trong khi sầu riêng Bình Phước sắp thu hoạch rộ. Nông dân và doanh nghiệp lo sợ sẽ tiếp tục bán trôi nổi trên thị trường vì không kịp xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, thành viên HTX cây ăn trái dịch vụ Long An - Minh Hưng đang trồng 5ha sầu riêng VietGAP ở xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng).
Ông Hùng cho biết, nhờ điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, sầu riêng ở Bình Phước có chất lượng thơm ngon. Sầu riêng trở thành cây trồng rất tiềm năng ở Bình Phước.
Tuy nhiên, để sầu riêng cho giá trị cao và bền vững thì phải xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, nhất là sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện để xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc là phải có mã số vùng trồng.
Đầu năm 2022, Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng của tỉnh. Ông Hùng là 1 trong các hộ dân được đề nghị cấp mã số vùng trồng.
Thế nhưng, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là sầu riêng Bình Phước bước vào vụ thu hoạch rộ.
"Đến giờ, mã số vùng trồng vẫn chưa được cấp, người trồng sầu riêng đang sốt ruột", ông Hùng nói.
HTX cây ăn trái dịch vụ Long An - Minh Hưng có tổng diện tích 105ha, chủ yếu là cây sầu riêng. Từ năm 2020, HTX được cấp chứng nhận VietGAP.
Ông Lưu Hoàng Thạch – Giám đốc HTX Long An - Minh Hưng cho biết, sầu riêng là cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Đầu vụ, giá sầu riêng có thể lên đến 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, càng về cuối vụ, giá sầu riêng sẽ càng giảm xuống.
Năm 2021, vướng dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ sầu riêng gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, giá sầu riêng tại vườn chỉ còn 17.000-20.000 đồng/kg.
Ông Thạch cho rằng, mã số vùng trồng sẽ tạo động lực để nông dân sản xuất sạch, phục vụ xuất khẩu và đem lại giá bán ổn định hơn.
Từ đầu năm 2022, các thành viên HTX được Phòng nông nghiệp huyện Bù Đăng hỗ trợ thủ tục để được cấp mã số vùng trồng sầu riêng. Tuy nhiên, thủ tục đến nay vẫn chưa hoàn tất.
"Người trồng sầu riêng lo lắng sẽ không kịp xuất khẩu sầu riêng trong vụ này, mà phải tiếp tục bán ra thị trường tự do như năm ngoái", ông Thạch nói.
Ngoài mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng tiến hành hoàn tất thủ tục để cấp mã số đóng gói cho Công ty TNHH Minh Hàng. Đây là đơn vị chuyên thu mua, chế biến để xuất khẩu sầu riêng ở xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng).
Năm 2021, công ty Minh Hàng chưa thể xuất khẩu sầu riêng do chưa đủ điều kiện. Đến nay, công ty cũng chưa được cấp mã số đóng gói.
Theo Sở NNPTNT Bình Phước, toàn tỉnh hiện có hơn 12.500ha cây ăn trái, trong đó cây sầu riêng khoảng 3.000ha.
Tính đến nay, Bình Phước mới chỉ có 7 vùng trồng của các loại trái cây như mít, chuối, xoài là được cấp mã số vùng trồng. Riêng cây sầu riêng vẫn chưa có vùng trồng nào được cấp mã số.
Bình Phước cũng chỉ mới có 6 cơ sở được cấp mã số đóng gói để xuất khẩu trái cây.
Tiến độ cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói trên địa bàn tỉnh còn chậm. Vụ sầu riêng đang đến gần, nhiều nông dân và doanh nghiệp đang nóng ruột chờ đợi để không lỡ hẹn xuất khẩu trong vụ mùa sắp tới.