Ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá phân bón thế giới lên mức cao nhất mọi thời đại. Trong nước, giá phân bón cũng đang tăng, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tạm dừng xuất khẩu phân bón.
Ngay sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, giá phân bón mà cụ thể là đạm urê trên thị trường đã lập tức tăng 25%.
Nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón trong nước đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg tùy loại và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm.
Theo TS.Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhiều dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại…
"Nga chiếm vai trò quan trọng trong tổng nguồn cung phân bón trên toàn thế giới và trên 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ chiến sự Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh" - ông Hà nói.
Theo ông Hà, hiện 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Thời gian tới mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam.
"Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng do lo ngại nguồn cung kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus cũng như chiến sự Nga - Ukraine" - ông Hà nhận định.
Trong khi giá phân bón trong nước tăng cao thì trong 2 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận Việt Nam xuất khẩu một lượng phân bón khổng lồ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu kỷ lục 352.672 tấn phân bón, trị giá 241,7 triệu USD, tăng mạnh 72,1% về lượng và tăng gần 4 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu trung bình phân bón đạt 685 USD/tấn, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Campuchia đang là thị trường nhập khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, trong tháng 2/2022 xuất khẩu phân bón sang Campuchia giảm mạnh 51% cả về lượng và kim ngạch và giảm 1,1% về giá so với tháng 1/2022, đạt 17.581 tấn, tương đương 8,39 triệu USD, giá 477,4 USD/tấn.
Nhận định về việc kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng kỷ lục, ông Phùng Hà cho rằng, thực tế năng lực sản xuất phân bón của các doanh nghiệp thừa khả năng cung ứng cho nhu cầu sản xuất trong nước và còn dư để xuất khẩu.
Trong năm 2021, nước ta xuất khẩu trên 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 559,35 triệu USD, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch so với năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục về lượng từ trước tới nay.
Trong đó, Campuchia chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Ngoài Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia cũng nhập khẩu nhiều phân bón của Việt Nam.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn căng thẳng, giá phân bón thế giới tăng cao, tôi cho rằng cần thiết phải có biện pháp tạm ngừng xuất khẩu phân bón lúc này để ổn định tâm lý sản xuất trong nước" - ông Hà nói.
Thực tế, chiến sự Nga - Ukraine đã khiến giá phân bón thế giới tăng cao nhất mọi thời đại. Theo Chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ của Green Markets, giá phân bón tuần qua cao hơn gần 10% so với tuần trước đó và là mức giá cao nhất từng được ghi nhận.
Giá phân bón bình quân toàn cầu hiện cao hơn 40% so với một tháng trước, trước thời điểm căng thẳng địa chính trị leo thang. Giá phân bón urê toàn cầu đã tăng 60,5% trong vòng 1 năm qua.
Trong khi đó, giá phân kali trên toàn cầu đã bắt đầu tăng mạnh từ năm 2021 khi phương Tây áp đặt lệnh cấm vận với Belarus. Hiện, giá phân kali đã áp sát ngưỡng 800 USD/tấn, cao gấp đôi so với cùng thời điểm này năm trước.
Giá phân bón tăng cao cho thấy, mức độ phụ thuộc nông nghiệp trên thế giới vào xuất khẩu phân bón của Nga.
Trong khi đó, Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) cảnh báo, chiến sự Nga-Ukraine đang khiến ngành phân bón toàn cầu gặp khủng hoảng, sẽ khiến một nạn đói toàn cầu có thể diễn ra do chuỗi cung ứng nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị.
Theo Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), khoảng 40% lượng lúa mì và ngô xuất khẩu của Ukraine được dành cho Trung Đông và châu Phi nên sự thay đổi lớn của giá đối với các loại cây lương thực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực.
Ông Corey Rosenbusch - Viện trưởng Viện Phân bón Nga cho biết, Nga là một quốc gia quan trọng trên thị trường phân bón quốc tế.
Ba trong số các nhà sản xuất phân bón lớn nhất trên thế giới có trụ sở tại Nga, bao gồm Uralkali, Eurochem và PhosAgro.
Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, Nga sản xuất trung bình 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% sản lượng phân bón trên thế giới.
Tính từ năm 2014 đến nay, sản xuất phân bón chứa đạm của Nga tăng ở mức trung bình 4,8%/năm, năm 2019 Nga sản xuất 10,4 triệu tấn, đứng thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc với 36,9 triệu tấn, Mỹ với 11,3 triệu tấn/năm.