Đợt hạn mặn năm 2019-2020, các chuyên gia nông nghiệp và nông dân ở miền Tây Nam Bộ rất bất ngờ khi biết, nhờ chiến thuật “mỗi gốc cây, vài bình nước”, một nông dân ở xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) đưa vườn sầu riêng vượt hạn, mặn mà không hề hấn gì.
Lão nông trồng sầu riêng này chính là ông Mười Nghĩa (Trần Văn Nghĩa, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang).
Sau đợt hạn, mặn 2020, tôi đi dọc tỉnh lộ 864, qua các xã chuyên canh sầu riêng của huyện Cai Lậy mà xót xa.
Hàng loạt vườn sầu riêng rụng lá trơ trụi. Dọc hai bên đường 864, chất đống củi khô sầu riêng. Những nông dân trồng sầu riêng ngồi ủ rũ, thẫn thờ, thất thần…
Tuy nhiên, cũng thời điểm đó, tại xã cù lao Tân Phong, ông nông dân với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng Mười Nghĩa vẫn vô tư lự.
Vườn sầu riêng gần 1ha với khoảng 100 gốc của ông Mười Nghĩa vượt hạn mặn ngon ơ, không chết một cây.
Tò mò, trước đợt hạn mặn năm 2022 dự báo tính chất rủi ro không ít cho cây sầu riêng, tôi tìm đến vườn của ông Mười Nghĩa.
Mục đích của tôi chỉ muốn tìm hiểu cách cứu sầu riêng lạ đời của ông hồi hạn mặn năm 2020.
Ông Mười Nghĩa đưa thẳng tôi ra vườn xem cách ông cứu cây sầu riêng.
Trong vườn sầu riêng, dưới những tán cây 25 năm tuổi, chất đống hơn 100 bình đựng nước lọc, loại 20l/bình.
Đây là những chiếc bình ông dùng để cứu vườn sầu riêng đợt hạn, nặm năm 2020.
Theo ông Mười Nghĩa, cũng như bao nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang, ông quay quắt khi nước mặn ùa vào và hạn hán đổ xuống vườn. Tuy nhiên, thay vì vật vã mua nước ngọt tưới cấp tập vườn sầu riêng như bao nông dân, ông Mười Nghĩa lại đi mua nước lọc, lấy bình.
"Tôi mua nước lọc chủ ý là lấy bình. Tôi có cách cứu cây sầu riêng", ông Mười Nghĩa cười ý nhị.
Sau khi gom đủ hơn 100 bình nước lọc, ông Mười Nghĩa triển khai ý tưởng cứu vườn sầu riêng.
Xung quanh mỗi gốc cây sầu riêng, tùy cây lớn nhỏ, ông đặt vài bình nước. Dưới đáy bình nước, ông lắp một van để điều tiết nước ra. Cách làm này giống như hệ thống tưới nhỏ giọt. Cứ 2 ngày, hết một bình nước, ông lại châm nước vào bình.
Clip: Ông Mười Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm chống hạn, mặn cho cây sầu riêng bằng đặt bình nước dưới gốc. Clip: Trần Đáng
Quan trọng, trong quá trình tưới cây không được dời bình nước. Theo ông Mười Nghĩa, dời bình là cây chết. Cây sầu riêng đang khát nước, khi đặt bình tưới cây, rễ cây sẽ vươn ra nhận nước. Nếu dời bình tưới, rễ cây sẽ đuổi theo mà không nhận được nước nuôi cây.
Bằng cách làm này, vườn sầu riêng của ông Mười Nghĩa vượt qua hạn mặn mà không chết một cây.
"Sau đợt hạn, mặn là tôi làm trái. Cây vẫn cho năng suất trái bình thường", ông Mười Nghĩa bộc bạch.
Hỏi ông học từ đâu cách cứu sầu riêng lạ đời này, ông Mười Nghĩa cười hề hề: "Học của Hội Nông dân chứ đâu".
Chuẩn bị cho mùa hạn, mặn năm nay, ông Mười Nghĩa đã cho xây hồ nước 50m3 để lấy nước ngọt tưới cây. Song song đó, ông còn lắp thêm hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng.
Tuy nhiên, ông Mười Nghĩa cũng cho biết, vẫn sẽ tiếp tục dùng biện pháp "gốc cây, bình nước" như vụ hạn, mặn năm 2020. "Nếu hạn mặn khốc liệt, kéo dài, đây là cách khả dĩ nhất cứu vườn sầu riêng", ông Mười Nghĩa khẳng định.
Cũng theo ông Mười Nghĩa, nếu nông dân duy trì được nước ngọt trong mương, không cần tưới vườn sầu riêng cũng có thể vượt qua hạn, mặn.
Theo đó, cứ cho mương ngập nước. Nông dân không cần lấy nước tưới cây. Cứ để cây rụng lá, còi cọc cũng không chết. Qua đợt hạn mặn, chỉ cần tưới nước là cây ra lá, phát triển trở lại.
"Rễ cây sầu riêng sẽ tự mò đến mương lấy nước. Tôi có làm rồi, cây không chết. Chứ tưới cái ào rồi kênh hết nước là cây chết. Bởi khi tưới, rễ non sẽ mò ra. Nếu ngưng cấp nước rễ non sẽ chết và cây chết", ông Mười Nghĩa chia sẻ.