TTVH Online

Số ca Covid-19 tăng vọt, có nên trữ thuốc dự phòng?

Phong Cầm 20/02/2022 07:05 GMT+7

Số ca mắc Covid-19 không ngừng gia tăng khiến gia đình có F0 ngày càng nhiều. Hầu hết mọi người đều lo lắng trữ thuốc gì và tự chăm sóc sức khỏe thế nào.

Căng thẳng vì "đợi đến lượt" mắc Covid-19

Chị Lâm Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhà chị đang căng thẳng chờ đợi "hai vạch" vì cô hàng xóm đã mắc Covid-19, con chị mới đi học được 1 buổi cũng đang là F1.

"Đồng nghiệp, họ hàng, bạn bè, hàng xóm đều đang thi nhau báo mắc Covid-19 nên mình cũng chả biết là đang diện F1 hay F2 vì làm sao mà nhớ hết. Do đó, hai vợ chồng mình và 2 đứa con ngày nào cũng "ngoáy mũi" chờ đến lượt mắc Covid-19", chị Lâm Anh cho biết.

Trong lúc chờ đợi "hai vạch", chị cũng đã tích cóp nhiều loại thuốc, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo SpO2 để phòng ngừa. 

Về việc tích trữ thuốc để phải tự điều trị Covid-19 tại nhà của người dân, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Phụ trách Phòng Quản lý chất lượng (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, dịch Covid-19 bùng phát nên nhiều người dân có tâm lý dự trữ thuốc men. Tuy nhiên, thuốc có hạn sử dụng không để được lâu và hiện không thiếu thuốc nên người dân không nên tích trữ nhiều.

Số ca Covid-19 tăng vọt, có nên dự trữ thuốc dự phòng? - Ảnh 1.

Một số thuốc và vật dụng y tế cần chuẩn bị cho trường hợp phải điều trị Covid-19 tại nhà. (Túi thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Khi có bệnh, kể cả Covid-19 hay các bệnh khác thì người dân nên tìm đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ, không lo thiếu thuốc.

"Trong điều kiện phòng khi trong nhà có người mắc Covid-19 thì người dân có thể để trong nhà 1 số loại thuốc không kê đơn như  thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc ngậm giảm đau rát họng, si-rô hoặc thuốc viên giảm ho... Nếu có điều kiện thì người dân có thể chuẩn bị sẵn phương tiện theo dõi như nhiệt kế, huyết áp kế, máy đo độ bão hòa oxy (SpO2)", bác sĩ Thái chia sẻ.

Về việc một số người mua các thuốc kháng virus để tự điều trị Covid-19 như thuốc chứa Molnupiravir, Favipiravir, bác sĩ Thái cho biết, đây là 2 thuốc phải do bác sĩ chỉ định, tùy theo tình hình sức khỏe, triệu chứng của người mắc Covid-19.

Do đó, người dân không tự mua các loại thuốc này và tự điều trị nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc khi chưa cần thiết có thể khiến người bệnh không khỏi bệnh mà còn gặp các tác dụng phụ không mong muốn…

Người mắc Covid-19 tự theo dõi sức khỏe thế nào?

Theo bác sĩ Thái, khi nhiều người mắc Covid-19, hệ thống y tế quá tải có thể sẽ không liên hệ được nhân viên y tế và xin được sự trợ giúp. Vì thế, người bệnh nên đảm bảo các biện pháp phòng dịch, bình tĩnh, đảm bảo nghỉ ngơi thoải mái, không bỏ bữa, uống đủ nước và tự theo dõi sức khỏe bản thân.

Số ca Covid-19 tăng vọt, có nên dự trữ thuốc dự phòng? - Ảnh 2.

Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Ảnh SKĐS

Hàng ngày, người bệnh cần tập thở và vận động tại chỗ nhẹ nhàng khoảng 15 phút. Mỗi buổi sáng và buổi chiều hoặc bất cứ lúc nào có thể, người bệnh cần tự theo dõi bản thân, tự đếm nhịp thở, tự đếm mạch và đo độ bão hòa oxy SpO2, tự đo huyết áp. Đây là các thao tác cần thiết để biết tình trạng cơ thể có diễn biến nặng hay không?

Nếu người bệnh thấy mệt lả, thở nhanh trên 25 lần/phút, độ bão hòa oxy SpO2 dưới 96%, mạch nhanh trên 120 nhịp/phút, huyết áp tụt dưới 90/60 mmHg hoặc có bất kỳ tình trạng nào cảm thấy nguy hiểm thì cần ngay lập tức liên hệ vận chuyển cấp cứu 115 để đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong thời gian chưa xuất hiện tình trạng nặng hoặc cấp cứu, người bệnh cần tích cực gọi điện thoại hoặc liên lạc qua internet với các Trạm y tế lưu động quanh nhà, với tổ Covid-19 cộng đồng, với các nhóm Zalo chống dịch tại tổ dân phố... để có được sự hỗ trợ kịp thời khi cần.

Về việc dùng vitamin để nâng cao sức khỏe, bác sĩ Thái cho biết, các thuốc bổ sung vitamin B, vitamin C sẽ chỉ phát huy hiệu quả trong những trường hợp thiếu hụt vitamin B, vitamin C, thường là do cơ thể suy kiệt ốm lâu ngày hoặc do chế độ dinh dưỡng thiên lệch gây thiếu hụt nguồn cung cấp vitamin B, C.

Còn người bệnh Covid-19 nếu vốn dĩ ăn uống bình thường, không có bệnh nền thì không nhất thiết phải dùng thuốc bổ sung vitamin B, C trong quá trình điều trị.

Số ca Covid-19 tăng vọt, có nên dự trữ thuốc dự phòng? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế hướng dẫn người mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Ảnh HCDC

"Người mắc Covid-19 cũng không nên xông mũi họng bằng các tinh dầu vì trên thực tế đã có trường hợp dùng các loại tinh dầu này lại gây viêm mũi họng nặng hơn do dị ứng hoặc kích ứng tại chỗ. Do vậy cần hết sức thận trọng khi sử dụng các loại tinh dầu này", bác sĩ Thái nhận định.

"Người mắc Covid-19 có thể xông các bài thuốc lá như lá chanh, lá bưởi, sả, lá tre, vông, tía tô, ngải cứu, cúc tần... là cách điều trị dân gian cho các trường hợp nhiễm virus cấp tính đường hô hấp như cúm.

Cách điều trị này đã cho thấy cũng có hiệu quả trong bệnh Covid-19 mức độ nhẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý chuẩn bị nồi nước xông sao cho an toàn, tránh bị bỏng khi xông.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái


Diệu Linh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN