TTVH Online

Nhà nào cũng ăn hạt này, nhưng doanh nghiệp "than" không phát triển được, diêm dân thì lần lượt bỏ nghề

Phong Cầm 21/01/2022 17:12 GMT+7

Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Hiện nay, cả nước có 72 cơ sở sản xuất và chế biến muối, nhưng các đơn vị này đều có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu.

Nhà nào cũng ăn muối, diêm dân vẫn lần lượt bỏ nghề

Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư và liên kết sản xuất tiêu thụ muối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ muối do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 21/1, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán.

Hiện nay, cả nước có 72 cơ sở sản xuất và chế biến muối gồm các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, tuy nhiên các đơn vị này đều có quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ, lạc hậu.

Năm 2021, diện tích sản xuất muối cả nước là 11.393ha, giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp. Người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc chuyển sang làm nghề khác nên có một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang.

Sản lượng muối năm 2021 đạt hơn 914.000 tấn. Do thời tiết, khí hậu biến đổi phức tạp, có nhiều năm mưa nhiều hoặc hạn hán nhiều ảnh hưởng đến sản lượng muối của từng năm.

Nhu cầu muối trong nước vẫn rất cao, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn "than" không phát triển được? - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Ảnh: Khương Lực

Theo ông Thịnh, Việt Nam là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 400.000 - 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước (ước tính khoảng 1,5-1,6 triệu tấn, đến 2030 vào khoảng 2 triệu tấn/năm).

Muối nội địa giá trị thấp, tồn kho nhiều. Nhiều diêm dân đã bỏ nghề, chuyển sang công việc khác, doanh nghiệp ngành muối chật vật tìm hướng đi để tồn tại.

Một nguyên nhân nữa, đó là các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán.

Việc sản xuất muối chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân (chiếm 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng muối thấp. Chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp.

Lượng muối của các đồng muối công nghiệp chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh, cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nên cạnh tranh trực tiếp với muối do diêm dân sản xuất.

Nhu cầu muối trong nước vẫn rất cao, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn "than" không phát triển được? - Ảnh 2.

Bà con diêm dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) tận dụng thời tiết thuận lợi để thu hoạch ruộng muối. Ảnh: Q.D

Ninh Thuận là 1 trong 19 tỉnh, thành ven biển có sản lượng muối lớn nhất cả nước. Tổng diện tích đất sản xuất muối toàn tỉnh có 3.267ha, trong đó, diện tích muối công nghiệp 2.447ha; muối diêm dân 631ha.

Theo ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận, hầu hết các sản phẩm muối đều được các thương lái tại địa phương thu mua, trừ các doanh nghiệp lớn như BIM, Đầm Vua họ liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ sản phẩm.

Hiện tại, giá muối diêm dân nền đất giao động từ 350 - 600 đồng/kg, muối trải bạt giá 500 - 800 đồng/kg; muối công nghiệp từ 700 - 1.200 đồng/kg.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cũng cho hay, việc thu hút đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết muối còn nhiều những hạn chế, bất cập. Theo đó, các doanh nghiệp thu mua chế biến muối vẫn còn nhỏ lẻ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng để sản xuất chế biến muối công nghiệp.

Nhu cầu muối trong nước cao, tại sao không phát triển được?

Tại Hội thảo, ông Bùi Sơn Long - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ muối Biển đặt câu hỏi, nhu cầu muối trong nước rất cao nhưng tại sao vẫn không phát triển được? Như báo cáo của Cục trưởng Lê Đức Thịnh thì ta đang chạy theo sản lượng.

"Tôi thường xuyên tiếp nhận các nhà đầu tư về sản xuất cũng như chế biến muối. Tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào muối nhưng họ đang vướng rất nhiều vấn đề", ông Long nói.

Nhu cầu muối trong nước vẫn rất cao, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn "than" không phát triển được? - Ảnh 3.

Ông Bùi Sơn Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ muối Biển cho rằng, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào muối nhưng nguồn nguyên liệu đang rất thiếu. Ảnh: Khương Lực

Theo ông Long, nguyên liệu ở đâu ra mà chế biến muối. Hiện nay, ở miền Bắc có 2 doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng ở miền Bắc làm muối phơi cát, loại muối này không đưa vào chế biến.

"Muối phơi cát đang mai một dần và đang đi xuống về sản lượng, từ 250.000 tấn/năm, giờ loanh quanh, luẩn quẩn dưới 100.000 tấn/năm", ông Long cho hay.

Ông Long đặt vấn đề, vậy vì sao lại không có nguyên liệu? 8 đồng muối công nghiệp được Nhà nước đầu tư là làm muối công nghiệp. Hầu hết chỉ là chế biến thô, hầu hết không qua sơ chế và đi vào chế biến luôn.

"Đầu năm vừa rồi, tôi muốn đầu tư một nhà máy chế biến muối ở Phú Yên nhưng thiếu nguyên liệu. Chúng ta đang yếu ở khâu liên kết", ông Long chia sẻ.

Nhu cầu muối trong nước vẫn rất cao, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn "than" không phát triển được? - Ảnh 4.

Bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất muối của Pháp. Ảnh: Khương Lực

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất muối của Pháp, bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) cho biết, tổng sản lượng muối hàng năm của Pháp đạt 6 - 7 triệu tấn/năm. Muối được khai thác từ các mỏ ở dưới lòng đất, vùng Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.

Từ năm 2006 đến 2016 sản lượng muối của Pháp tăng 60%, phương thức sản xuất muối truyền thống được đưa vào thành quy trình, cấp bằng và chỉ dẫn địa lý.

"Việc phát triển về chất lượng muối được chăm chút hơn về hình ảnh. Tuy nhiên, việc bảo tồn quang cảnh tự nhiên và phát triển hoạt động liên quan đến ngành du lịch được quan tâm", bà Marion Chaminade chia sẻ.

Theo bà Marion Chaminade chia sẻ: "Muối của chúng tôi không chứa chất phụ gia, sản phẩm được công nhận mang nhiều lợi ích cho ngành này. Đối với chúng tôi để có chỉ dẫn địa lý phải xoay quanh chất lượng sản phẩm, tạo phân khúc sản phẩm với người tiêu dùng, cũng như củng cố phát triển nền kinh tế nông thôn kèm theo sự phát triển của ngành du lịch".


M.Ngọc - K.Lực
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN