"Chợ búa" nhưng không phải chợ bán búa. Tiếng Việt mà nói chợ kèm thêm một danh từ đứng sau chỉ đồ vật, con vật thì là để nói cái chợ bán vật đó, như "chợ gạo" là bán gạo, "chợ trâu" là bán trâu, thậm chí ngày trước còn cả "chợ người", và bây giờ thì còn có "chợ lao động".
Nhưng "chợ búa" không phải là chợ bán búa. Búa đây không phải là một đồ vật đem bán, không phải là một mặt hàng. Vậy thì nó là gì để chợ búa là chợ búa thôi?
Ta phải hỏi các nhà ngôn ngữ học xem sao. Họ sẽ bảo ta "chợ búa" là loại từ giống như "đường sá", "cây cối", "bếp núc", "đồng áng"… tức là từ đứng sau cũng có nghĩa như từ đứng trước. Hai từ nghĩa như nhau tổ hợp thành một từ ghép chỉ nghĩa chung, nói khái quát. Đó gọi là từ ghép đẳng lập. Vậy "chợ búa" nghĩa là chợ nói chung. Ít từ điển tiếng Việt giải nghĩa cặn kẽ các từ ghép này. Có người cho "chợ búa" là đọc theo cách dịch nghĩa từ tiếng Hán "thị phủ" (thị là chợ, phủ là búa). Cách giải thích này nghe ra khiên cưỡng. Từ điển "Tiếng nói nôm na" của Lê Gia (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1999) thì nói rõ hơn. Theo đó từ "chợ" là do từ "chạ" mà ra, mà "chạ" có nghĩa là "tiếng ồn ào trong đám đông với nhau, lộn xộn". Còn "chợ búa" là do đọc từ "chạ bố" mà nên. Tác giả Lê Gia giải nghĩa: "búa" do "chữ "bô" là vải vóc, tiền bạc, sắp bày ra, nói rõ ra, khắp nơi, và chữ "bô" (cũng đọc là "bộ" là bến sông, chợ họp bên sông". Thế là "chạ bố" đọc thành "chợ búa". Thôi cứ theo sách ta biết vậy. "Chợ búa" cũng là chợ, nhưng không phải là chợ bán búa.
Vốn là thế nên ban đầu "chợ búa" được dùng bình thường, không có nghĩa xấu gì cả. Gặp người bán hàng ở chợ hỏi câu "dạo này hàng hóa chợ búa của chị thế nào" là một câu hỏi thăm bình thường, quen thuộc. Khi nói về công việc làm ăn của nhau ta vẫn có thể nói "vợ tôi dân chợ búa, chạy chợ hàng ngày". Trong ngữ cảnh đó ba chữ "dân chợ búa" chỉ một nghề nghiệp.
Nhưng có phải vì cái từ "búa" này vẫn gợi đến hình ảnh chiếc búa mà từ "chợ búa" trong tiếng Việt đã được chuyển nghĩa để dùng chỉ những kẻ bặm trợn, hung dữ. "Chợ búa" khi được dùng như thế đã thành ra một tính từ chỉ phẩm chất theo nghĩa tiêu cực. Tay ấy có cái mặt trông rất chợ búa. Bọn đó là dân chợ búa đấy. Theo nghĩa này, dân chợ búa có cùng nghĩa như dân anh chị, dân giang hồ, dân côn đồ, tức là những kẻ xấu.
Lan man "chợ búa" lại nghĩ tới "chợ giời". Chợ giời không phải bán giời, tất nhiên rồi. Trừ có ông Tú Xương (1870 - 1907) luẩn quẩn đói nghèo đã nghĩ "lúc túng toan lên bán cả trời" bị "trời cười thằng bé nó hay chơi". Chợ giời cũng không phải là chợ trên trời mà các chư tiên đã có lần dặn Tản Đà có văn thơ hay "anh gánh lên đây bán chợ giời". Ở đây chợ giời là thứ chợ bày bán hàng ngoài giời, trên các bãi đất trống hay các vỉa hè đường phố. Chợ này trong tiếng Pháp gọi là "marché aux puces" (chợ bọ chét). Nguyên do lúc đầu chợ này do những người gom các quần áo cũ đem bán mà trong các quần áo cũ thường có bọ chét. Ở Việt Nam từ "chợ giời" chỉ một loại chợ bán đủ thứ đồ thượng vàng hạ cám, thật giả lẫn lộn. Do đó mấy tiếng "dân chợ giời" cũng mang nghĩa tiêu cực chỉ loại người giỏi đánh tráo, lừa đảo trong việc mua bán. Câu cửa miệng "bán giời không văn tự" không biết có phải từ đây ra không. Chợ trời vì thế còn được ví von về nhân tình thế thái. Nhà thơ Tố Hữu từng ngẫm ngợi chuyện quốc gia quốc tế và cuộc đời: "Chợ trời thật giả đâu chân lý/Hàng hóa lương tâm cũng thiếu thừa". Còn nhà thơ Nguyễn Duy khi trở lại Lạng Sơn mười năm sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã cám cảnh ngậm ngùi: "Đồng Đăng, Ải Khẩu, Bằng Tường/Chợ trời bán bán buôn buôn tít mù/Ta đầy một bị ưu tư/Giá như cũng bán được như bán hàng".
Nhưng có những chợ giời bán các đồ cũ thường mở vào cuối tuần. Lại nữa là những chợ giời bán sách cũ cho người yêu sách thích sách thảng hoặc tìm được cuốn mình cần thì không khỏi sung sướng.
Còn "chợ văn" là bán văn, nhưng khác với các chợ bán những hàng hóa khác. Xưa các cụ ta coi văn chương là thú chơi tao nhã của các bậc tri âm tri kỷ. Chữ mà lấm mùi kim tiền là bỉ ổi, hạ tiện. Nhưng sang thời hiện đại thì văn chương cũng phải đem bán phố phường vì văn nhân cũng phải bươn chải kiếm sống bằng cái nghề của mình như bao người làm các nghề khác. Chợ văn có hai cấp bán văn. Cấp thứ nhất là người viết văn làm thơ đem sản phẩm của mình bán cho các tờ báo tạp chí, các nhà xuất bản. Loại hình chợ này chỉ có khi mô hình đời sống phương Tây tràn vào phương Đông. Báo chí mở ra và bài đăng báo có nhuận bút. Các tác giả viết bài gửi cho báo để lấy nhuận bút, nhưng các ông chủ báo thì luôn tìm cách trả nhuận bút sao cho thấp nhất. Món hàng văn thơ bị mua rẻ khiến các văn thi nhân thấy mình bị rẻ rúng vì kim tiền. Nguyễn Bính đã phải than lên trong thơ: "Làm thơ đem bán cho thiên hạ/Thiên hạ đem thơ đọ với tiền". Nghe kể khi đọc được câu thơ này ông chủ báo biết là Nguyễn Bính "chửi xéo" mình nên đã phải tăng tiền trả thơ cho nhà thơ và xin ông sửa lại câu thơ kẻo xấu mặt mình. Nguyễn Bính đã sửa câu "Thiên hạ đem thơ đọ với tiền" thành "Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền". Sửa thế vẫn hiện rõ cảnh nghèo túng chật vật kiếm sống của thi nhân.
Nhưng in báo đã khổ vì tiền mà in sách còn khổ hơn, đấy là cấp thứ hai của chợ văn. Sách in ra phải đem bán, người viết sách phải chịu bao điều khổ cực. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ở buổi đầu của nghề in sách bán sách lo văn ế đã phải thốt lên: "Bao nhiêu củi nước mới thành văn/Được bán văn ra chết mấy lần/Ông chủ nhà in in đã đắt!/Lại ông hàng sách mấy mươi phần". Tình cảnh ấy khiến văn nhân thi sĩ lâm cảnh nghèo túng. Vẫn chính Tản Đà than thở:
Giấy người, mực người, thuê người in
Mướn cửa hàng người bán phường phố
Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó
Kiếm được thời ít, tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.
Chung quy lại chợ là cái nơi trao đổi hàng hóa, ở đó kẻ bán người mua cò kè mặc cả trả giá để bán được cái cần bán và mua được cái cần mua theo quy luật cung cầu. Chợ búa là cần thiết cho đời sống dân sinh hàng ngày. Chợ trời là thỏa mãn những nhu cầu vật dụng đời sống ngoài lương thực thực phẩm. Chợ văn là tìm đất sống cho chữ nghĩa khi đã trở thành hàng hóa. Chợ nào cũng là chợ cả.
Hà Nội 31/12/2021