Mô hình tôm-lúa là mô hình nuôi trồng hiệu quả đang được nhiều nông dân giỏi trên địa bàn xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tích cực nhân rộng. Hiện, diện tích mô hình tôm-lúa toàn xã hơn 1.700ha, bình quân lợi nhuận từ 70-110 triệu đồng/ha/năm.
Đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp tỉnh 5 liền nhờ mô hình tôm-lúa
Những năm qua, Hội Nông dân huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây là 1 trong 3 phong trào thi đua trọng tâm được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện An Biên triển khai thực hiện sâu rộng.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân vươn lên làm giàu chính đáng nhờ mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Điển hình như, ông Danh Mẫm, ấp Xẻo Đước 1, xã Đông Yên, đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ năm 2017-2021 với mô hình tôm - lúa.
Ông Danh Mẫm chia sẻ: từ năm 2016 trở về trước, gia đình ông cũng như phần đông người dân xã Đông Yên chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, nhưng sản xuất không hiệu quả.
Được Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, gia đình ông Danh Mẫm đã đi đầu trong chuyển đổi từ 1 vụ lúa mùa sang canh tác 1 vụ tôm - 1 vụ lúa. Gia đình ông Mẫm trúng mùa vụ tôm đầu tiên khi tôm nuôi đạt năng suất, lại bán được giá cao. Có đà, ông Mẫm mở rộng diện tích canh tác 1 vụ tôm - 1 vụ lúa lên vài ha.
Ông Mẫm gọi đây là mô hình "tôm sạch – lúa thơm". Qua thực tiễn canh tác nhiều năm, ông Mẫm đúc kết: "Canh tác lúa - tôm cho thu nhập cao gần 3 lần so với độc canh cây lúa, và gần 2 lần so với nuôi mình con tôm.
Sau vụ nuôi tôm, các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ. Không chỉ vậy, sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của vi sinh vật làm thức ăn cho tôm.
Chính vì lợi ích kép ấy mà nhà nông canh tác lúa - tôm không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí khá lớn cho phân bón, sản phẩm tạo ra thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe cộng đồng".
Sau ông Mẫm, nhiều hộ dân trong xã dần chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang lúa - tôm. Được Hội Nông dân xã cho tham gia vay vốn dự án "Tôm - lúa" từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, từ vài hecta ban đầu, sự thành công của gia đình ông Mẫm đã góp phần thúc đẩy phong trào chuyển đổi sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu.
Từ chỗ chỉ vài ha nhỏ lẻ, hiện diện tích tôm - lúa toàn xã Đông Yên hơn 1.700ha, bình quân lợi nhuận từ 70-110 triệu đồng/ha/năm.
Với những thành tích đạt được trong sản xuất, tích cực giúp đỡ người nghèo khó, sẵn lòng đóng góp xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, từ năm 2017 - 2021, ông Mẫm được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Danh Mẫm còn gương mẫu, nhiệt tình trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Ngoài phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, nông dân ông còn tận tình giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình nghèo, gia đình khó khăn về vốn, kiến thức làm ăn, tạo điều kiện cho họ vươn lên làm kinh tế để ổn định cuộc sống.