Chân dài yêu đại gia là vấn đề muôn thuở thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đối với Vũ Hà Anh chọn người chồng cùng góp chung niềm vui, san sẻ công việc và như thế tất nhiên là góp chung cả về vật chất kinh tế.
Hà Anh là hình mẫu của chân dài quyến rũ, nổi tiếng và viên mãn bên ông xã là thầy giáo, phá vỡ quan điểm về chân dài và đại gia, chị hãnh diện khi mọi nguời nhắc về chị như thế?
- Có thể đối với xã hội hay showbiz, chuyện chân dài - đại gia là dĩ nhiên, một người cưới một người có sự tương xứng nhan sắc là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, đối với sự giáo dục trưởng thành trong gia đình tôi có nền tảng là một gia đình truyền thống, một gia đình có tiền đề tri thức nhà văn, nhà báo, họa sĩ… thì yêu một người không phải đại gia là điều bình thường.
Điều tôi tự hào là mình xuất phát điểm trong gia đình tri thức bình thường nhưng tôi đã phát triển và có thành công nhất định bằng sự tự lập. Tôi xin học bổng qua Anh du học, làm người mẫu đầu tiên của Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp ở thị trường quốc tế và khi về Việt Nam cũng có một chỗ đứng nhất định.
Ngoài thành công trong công việc, tôi có vai trò có ích cho xã hội như được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho Unicef Viet Nam, có gia đình hạnh phúc riêng với một người chồng rất thương yêu và có một bé gái kháu khỉnh, dễ thương... đó là niềm tự hào của một cô gái tự thân vận động để có hạnh phúc xứng đáng.
Tôi không nghĩ quá nhiều về việc mình là model thì mình phải yêu đại gia hoặc mình dĩ nhiên phải có một cuộc sống sung sướng. Cho nên đối với tôi hạnh phúc đạt được do mình phấn đấu, tự tâm nỗ lực chứ không mong chờ tự có do hào nhoáng nghề nghiệp mang lại.
Thật ra mối liên hệ giữa tài sản và sự hấp dẫn cá nhân khá chặt chẽ, tạo nên những cuộc tình đại gia với chân dài là điều dễ hiểu, gái yêu tài trai yêu sắc, Hà Anh thấy điều này đúng không?
- Tôi liên tưởng trong môi trường làm việc của mình, biết nhiều người thành công có tiền và địa vị nên yêu chân dài thì đúng không có gì sai. Một người phụ nữ đẹp bị hấp dẫn bởi một người đàn ông thành đạt cũng bình thường, không có gì đáng bàn vì mỗi người có quyền lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, có một ranh giới khá mong manh mà ai cũng biết giữa tình yêu với việc tìm được người phù hợp mà là người địa vị có tiền, khác với việc những cô gái trẻ có chút ngoại hình chỉ tập trung săn tìm những người nhiều tiền để yêu trao đổi. Đối với tôi đây là sự trao đổi của cá nhân họ, không phải việc của mình.
Với người thân của mình như em gái hay con gái Hà Anh sẽ nói về vấn đề này như thế nào?
- Với tôi, nếu em gái mình hay xa hơn là con gái của mình là bé Myla trong tương lai thì tôi sẽ dạy rằng: "Tình yêu không đến dựa trên sự trao đổi, đặc biệt là sự trao đổi tiền bạc. Tình yêu là cảm xúc, rung động, thấu hiểu, yêu thương, tử tế, hấp dẫn lẫn nhau". Tôi sẽ trang bị kiến thức, kỹ năng, tri thức để em gái, con gái thành công, tự lập trên đôi chân của mình.
Sau này trên bước đường xây dựng hạnh phúc, cô ấy gặp người đàn ông có tiền hay người đàn ông không có tiền nhiều hay thành công đến mức nào thì cô ấy sẽ luôn tự tin là một nửa của người đàn ông đó, bất kể người đàn ông đó có quyền lực hay không.
Ví dụ mọi người có thể nhìn vào phu nhân tổng thống Obama, người đàn bà thông minh tài giỏi. Vậy tại sao chúng ta không thể có cả hai, một sự nghiệp độc lập, một hạnh phúc độc lập và chúng ta sẻ chia với người đàn ông mình yêu thương.
Tôi không muốn nói đến việc có nên lên án hay không vì mọi người có cuộc sống riêng, sướng hay khổ là do cá nhân lựa chọn phải chấp nhận. Cá nhân tôi sẽ không lựa chọn đánh đổi, mình có sự giỏi giang cố gắng thì sẽ gặp được người đàn ông tương xứng, nếu không cũng không sao vì không đánh đổi.
Nhìn lại hôn nhân của chính mình, Hà Anh yêu và có hôn nhân hạnh phúc với một thầy giáo, điều này có đồng nghĩa cả hai độc lập kinh tế?
- Tôi thấy trong mọi chuyện đều có được và mất. Tôi có những người bạn thành công trong công việc, có địa vị, có thể tôi cũng rung động nhưng tôi còn nhìn thấy ở những người đàn ông này rất bận rộn, họ dành rất nhiều thời gian cho công ty, cho trách nhiệm của họ, chính vì vậy họ không có thời gian dành cho mình và gia đình, cho cuộc sống cá nhân. Tôi nhìn thấy anh ta có thể rất giàu có về tiền bạc nhưng không "giàu có" về mặt thời gian để dành cho gia đình nhỏ của mình, để chơi với con, rồi cùng gia đình đi du lịch…
Tôi lựa chọn kiểu đàn ông của gia đình, trạc tuổi mình, có chí tiến thủ, cả hai cùng xây dựng cuộc sống của mình. Nếu không phải là nguời chồng hiện tại, mà giả sử người chồng tôi có sự thành đạt, có rất nhiều tiền thì chắc sẽ lớn tuổi và có thể anh sẽ có thiếu hụt điều Hà Anh cần đó là cùng nhau chăm sóc gia đình.
Có lúc nào Hà Anh… chạnh lòng suy nghĩ nếu chồng là đại gia thì… sự độc lập của chị sẽ được cộng hưởng nhiều hơn?
- Đối với mỗi người sẽ có lựa chọn khác nhau, mỗi cô gái sẽ có sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu, với hạnh phúc cô ấy mường tượng hay đúng đích đến trong cuộc sống cô ấy muốn. Hạnh phúc được định nghĩa theo mỗi quan điểm của cá nhân. Với tôi, hạnh phúc được đánh giá qua thời gian, chất lượng của gia đình dành cho nhau để tận hưởng cuộc sống.
Gia đình tôi khi làm việc thì cũng làm hết mình hăng say cùng nhau và có thời gian cùng đi du lịch khám phá cuộc sống đầy hào hứng. Nên tôi đã lựa chọn người chồng thầy giáo chứ không chọn người đàn ông rất nhiều tiền sẽ cho tôi đủ đầy trong cuộc sống về mặt tài chính. Vì tôi tin rằng với chính sự tự lập của mình, tôi sẽ có cuộc sống thoải mái cùng với tài chính của người chồng gộp lại.
Một số gia đình truyền thống Việt vẫn còn có quan điểm chồng là trụ cột, vợ là tay giữ "hòm chìa khóa", còn với gia đình Hà Anh điều này có khác đi không?
- Từ thế hệ ông bà, bố mẹ của tôi đã không theo suy nghĩ truyền thống người đàn ông là trụ cột duy nhất trong gia đình. Từ thời ông tôi, dù ông là nhà văn nổi tiếng nhưng bà của tôi cũng là Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam, bà rất giỏi và là một phụ nữ quyền lực, cho nên gánh nặng về kinh tế được cả hai chia sẻ, thời gian chăm sóc gia đình đều được cân bằng.
Vì vậy, từ nhỏ đến khi lớn lên, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ người đàn ông phải là trụ cột gia đình, nên kể cả thế hệ ông bà cách đây 70 năm, đến thế hệ ba mẹ và bây giờ là thế hệ tôi cũng lớn lên như thế. Đó là lí do tôi thích nghi với việc xã hội hiện đại lấy chồng là có sự chia sẻ kinh tế, cùng vun cuộc sống là điều bình thường.
Tôi thấy thoải mái về điều đó và người đàn ông yêu tôi cũng cảm thấy thoải mái, giảm đi gánh nặng về trụ cột kinh tế, lo cho gia đình, có sự chia sẻ của người phụ nữ. Ngược lại, tôi cũng không có gánh nặng mình là người duy nhất phải chăm sóc, nuôi nấng con cái, mà tôi có sự trợ giúp của chồng.
Tôi nghĩ, ở thế hệ hiện đại, hội nhập - cách mà mỗi gia đình có được để gìn giữ hạnh phúc của mình đó là có sự chia sẻ từ kinh tế đến những điều chăm sóc nhỏ nhặt trong gia đình. Mỗi người, tùy thế mạnh của mình và tùy sự yêu thích cũng như khả năng thời gian có thể để cùng chia sẻ xây dựng cho gia đình. Tôi nghĩ đây là bí quyết để gia đình tôi hòa thuận và hạnh phúc đến hôm nay.
Cảm ơn Hà Anh đã chia sẻ!