Đến thăm mô hình trồng cây ba kích-1 loài cây dược liệu quý của gia đình ông Bùi Văn Sỹ, thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), chúng tôi mới thấy sức sống mãnh liệt của cây ba kích trên vùng đất này.
Trồng cây ba kích, chăn nuôi dê là 2 mô hình giúp gia đình ông Sỹ trở nên khá giả. Đó là nỗ lực học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, vươn lên làm giàu cho gia đình và chia sẻ cùng người dân kinh nghiệp trong sản xuất.
Gia đình ông Bùi Văn Sỹ, thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.
Đến thăm mô hình trồng cây ba kích của gia đình ông, chúng tôi mới thấy sức sống mãnh liệt của cây dược liệu quý trên vùng đất này.
Được bạn bè giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm trồng cây ba kích, năm 2014, gia đình ông mua 4 sào đất trồng thử nghiệm.
Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ cây dược liệu này mang lại thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác, cộng với vốn tích lũy kinh nghiệm của mình, gia đình ông mở rộng quy mô trồng ba kích lớn hơn.
Đến nay diện tích trồng cây ba kích của gia đình ông Sỹ lên đến 2 ha. Ông chia sẻ: Ba kích là loại cây dược liệu quý tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh.
Điều quan trọng khi trồng ba kích tím là khâu làm đất và bón phân. Đất trồng ba kích cần phải được làm kỹ, chất đất tốt nhất là đất đỏ, nó có tính mát, xốp.
Ông Sỹ chuẩn bị đất trồng rất kỹ nên có khóm ba kích trong vườn đào được nhiều củ chất lượng cao với trọng lượng lên đến 8kg.
Quan trọng thứ 2 khi trồng cây ba kích là phân bón. Bón phân cho vườn ba kích đúng giai đoạn và liệu lượng cây đủ dinh dưỡng để có thể leo lên cao.
Ngoài ra, người trồng ba kích tím cần chú ý tưới nước vào mùa khô và kiểm tra thường xuyên để diệt trừ kịp thời sâu cắn ngọn và lá non.
Để đầu ra cho thị trường củ ba kích tím lúc nào cũng đảm bảo. Ông Sỹ chia diện tích trồng ba kích thành nhiều lô, mỗi lô một độ tuổi khác nhau.
Trung bình mỗi khóm ba kích hiện nay đã đạt từ 3 - 4 kg/củ. Nếu tính trên toàn bộ 1ha cây dược liệu quý này thì sản lượng đạt 30 tấn củ ba kích tươi.
Với giá bán của ba kích trung bình hiện nay là 150.000 đồng/kg thì gia đình ông Sỹ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, củ ba kích để càng lâu năm thì sản lượng, chất lượng dược liệu càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán càng cao hơn.
Vì vậy, ông thường chăm sóc cây ba kích tím từ 4 đến 5 năm mới tiến hành đào củ. Với diện tích lớn, chất lượng luôn đảm bảo, có những lúc gia đình ông không đủ củ ba kích tím cung cấp ra thị trường.
Từ thành công của mình, ông khuyến khích bà con nông dân trong thôn, xã nhân rộng diện tích, mở rộng quy mô trồng cây ba kích tím để cùng phát triển kinh tế.
Không chỉ trồng cây ba kích, ông còn mở rộng trồng thêm cây bạch đàn, cây keo lấy gỗ, từ đó đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động có thu nhập ổn định.
Với bản tính cần cù chịu khó, luôn muốn tim tòi để mở rộng quy mô phát triển kinh tế, năm 2020 ông còn mở rộng thêm mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng. Lúc nhiều nhất trong chuồng nhà ông Sỹ có tới 200 con dê vỗ béo, 45 con dê thương phẩm.
Nuôi dê nhốt chuồng, giá bán ổn định, tiêu thụ tốt, trừ chi phí hàng năm gia đình ông cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Dám nghĩ, dám làm và thu được kết quả nhất định, mô hình trồng ba kích tím; nuôi dê nhốt chuồng của gia đình ông Sỹ đã mở ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Không chỉ tạo cơ hội cho người dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trồng ba kích; kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng; khai thác tốt tiềm năng tự nhiên, mô hình của ông Sỹ còn giúp khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tự nhiên quý cũng như góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc).