Năm 2020, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã nhận được 133 công trình tham dự. Sau một thời gian xem xét và đánh giá, đã có 45 công trình được trao giải,
Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam lần thứ 26, Giải thưởng WIPO năm 2020.
Năm 2020, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã nhận được 133 công trình tham dự. Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các công trình và chọn trao giải thưởng cho 45 công trình bao gồm: 05 Giải Nhất, 11 Giải Nhì, 13 Giải Ba, 16 Giải Khuyến khích.
05 Giải Nhất thuộc về: Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa có công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng huấn luyện kip chiến đấu cabin YHK của Đài điều khiển tên lửa phòng không S125-2TM" của nhóm tác giả Thiếu tá, Thạc sỹ Chu Văn Hiệp; Trung tá, Tiến sỹ Phạm Đức Thỏa, Nguyễn Xuân Thiện, Võ Hồng Thắng và các cộng sự thuộc Viện Tên lửa- Viện KH&CN Quân sự, Bộ Quốc phòng.
Lĩnh vực công nghệ vật liệu có công trình "Tận dụng đất cứng, đất tầng phủ để sản xuất ngói chất lượng cao" của nhóm tác giả Tiến sỹ Nguyễn Quang Mâu, Thạc sỹ Nguyễn Quang Toàn, Thạc sỹ Nguyễn Duy Tấn thuộc Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt, tỉnh Quảng Ninh.
Lĩnh vực công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới, có công trình "Nghiên cứu phát triển trạm sạc nhanh cho xe ôtô điện theo tiêu chuẩn chademo, nhằm thúc đẩy, khuyến khích việc sử dụng ôtô điện tại Việt Nam" của nhóm tác giả Kỹ sư Trần Dũng, Kỹ sư Bùi Phúc Chính, Kỹ sư Đinh Huy Vũ, Hà Đức Tường Quân, Lê Quang Vương thuộc Trung tâm sản xuất thiết bị điện, điện tử, Điện lực miền Trung.
Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống có công trình "Tổ hợp lai các giống gà nội (MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ" của tác giả Lê Văn Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, tỉnh Bình Định.
Lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên có công trình "Áp dụng công nghệ nghiền siêu mịn trong sản xuất gạch ốp lát Cotto chất lượng cao" của nhóm tác giả Tiến sỹ Nguyễn Quang Mâu, Thạc sỹ Đồng Đức Chính, Kỹ sư Trần Văn Tuân của Công ty cổ phần Gốm Đất Việt- Đông Triều.
Giải thưởng WIPO được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao cho công trình "Áp dụng công nghệ nghiền siêu mịn trong sản xuất gạch ốp lát Cotto chất lượng cao" của tác giả Anh hùng lao động TS Nguyễn Quang Mâu và các cộng sự, Công ty Cổ phần gốm Đất Việt.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao các công trình được giải. Cũng theo ông Dũng, các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Ngay sau lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát động giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021. Ông cho biết, năm 2021 giải thưởng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như cơ khí tự động hoá, vật liệu, thông tin, điện tử và viễn thông, sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt hy vọng giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục được các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong cả nước nhiệt tình ủng hộ và tham gia.