Ngư dân ở làng biển Trung Lương nay "lên đời" thành khu phố Trung Lương (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bao đời nay vẫn bám biển mưu sinh. Ở đây, 2- 3 giờ sáng dân đã ra biển, hôm gặp bầy cá lớn "trúng" cả triệu bạc, nhưng có hôm về tay không
Làng ngư phủ dưới chân núi Bà
Dưới chân dãy núi Bà (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), có một làng lưới thúng với 200 hộ ngư phủ chuyên tận dụng các bãi rạn, gành đá hiểm trở ven bờ để hành nghề.
Những ngày này, vùng biển khu phố Trung Lương, thị trấn Cát Tiến lại nhộn nhịp trở lại, ngư dân hối hả vươn khơi đánh bắt những mẻ cá tươi rói.
Khoảng 2- 3h sáng, ngư dân 'lọ mọ' men theo con đường mòn ven núi dẫn xuống bãi Nhỏ, bãi Bục - nơi để thuyền thúng và ngư lưới cụ.
Đến bãi, có khoảng 5- 6 ngư dân hợp sức để khiêng những chiếc thúng xuống biển, sau đó nổ máy chạy thẳng ra hướng vùng biển xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn), xa hơn là vùng biển Đề Gi (huyện Phù Cát) để bắt đầu ngày mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió.
Mỗi ngày có gần 200 thuyền thúng của người địa phương ra khơi đánh bắt thủy sản. Do đánh bắt ở vùng biển gần bờ chủ yếu là cá nhỏ như: cá hố, cá đối, cá kình, cá bè, cua ghẹ.
Ngư dân Nguyễn Văn Hồng (49 tuổi, ở khu phố Trung Lương, thị trấn Cát Tiến), cho biết: "Tuy giá các loại thủy sản có giảm hơn so với trước do ảnh hưởng dịch Covid-19. Song, nhờ được ra khơi mà gia đình tôi còn có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn này".
Làng Trung Lương khá đặc thù, một bên đánh bắt thủy sản hải, số còn lại thì làm nông. Mấy năm nay, du lịch khu vực bán đảo Phương Mai phát triển, kéo theo vùng Cát Tiến cũng vực dậy, đô thị nở rộ khang trang.
Khi điều kiện sống tăng lên, cơ hội làm ăn dễ dàng hơn nhiều người dân ở vùng biển Trung Lương cũng chuyển sang kinh doanh, buôn bán hoặc chuyển đổi việc làm khác.
Hiện, vẫn còn trên 200 hộ dân Trung Lương theo nghề biển ven bờ. "Hộ khẩu" của họ trên biển được thể hiện bằng chiếc thúng câu. Mùa hè, các chủ thúng lưới di chuyển ra bãi cát trước làng để neo đậu hành nghề. Còn mưa bão, gió bấc các chủ thúng di chuyển đến khu vực eo biển, gành đá có tục danh bãi Bụt, bãi Nhỏ dưới chân núi Bà để trú ẩn mưu sinh.
Ngư dân Nguyễn Ca, chuyên nghề lưới bắt ghẹ chia sẻ: "So với cá thì ghẹ bán giá tiền cao hơn nhiều nhưng cũng hên xui lắm. Gặp may mắn trúng vài ký ghẹ kiếm tiền triệu nhưng có ngày đánh bắt được đúng một con, bù qua bù lại thôi xem như đủ ngày công lao động phổ thông".
Lão ngư Trần Xuân Lộc cùng hàng trăm chủ thúng lưới ở làng biển Trung Lương (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bắt đầu "mở biển" vươn khơi đánh cá.
Gia đình ông Lộc hơn 3 đời hành nghề chài lưới ở vùng biển dưới chân núi Bà (huyện Phù Cát, Bình Định).
Từ nhỏ, ông Lộc đã theo cha mình học làm quen với sóng biển, gành đá dọc khu vực bán đảo Phương Mai, chân núi Bà ra mạn khơi Đề Gi.
Năm nay đã 62 tuổi song ông Lộc vẫn khỏe khoắn, dẻo dai đeo đẳng với nghề. Ông nói, công việc này đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm nên cũng không kể tuổi tác chỉ cần có sức khỏe là hành nghề được.
"Ngày xưa, ông cha tôi sử dụng thuyền nan làm bằng thân tre, gỗ để đánh cá. Tuy nhiên, khoảng 30 năm trở lại đây thì dân làng chuyển sang đánh cá bằng thúng lưới. Thuyền thúng tròn dễ xoay xở, luồn lách di chuyển trong điều kiện đánh bắt ven bờ, gần các bãi rạn, gành đá để săn tôm, cá", ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, mấy năm gần đây, nghề thúng lưới ở Trung Lương đã dần thay đổi hiện đại dần. Các thúng lưới đều chạy bằng máy nổ công suất 6 đến 8 mã lực, trang thiết bị, ngư lưới cụ đánh bắt thay đổi nên việc ra khơi đánh bắt thuận lợi hơn, cho thu nhập cao hơn trước nhiều.
Người dân địa phương cho biết, ngư phủ làng lưới thúng Trung Lương ra khơi săn cá ban đêm, theo nhiều 2 mốc thời gian chính trong ngày. Nhiều người ra khơi vào lúc 17 giờ chiều, số khác thì ra khơi lúc 2 giờ sáng.
Các ngư dân đánh bắt đến khoảng 6 giờ sáng thì di chuyển vào bãi Bụt để xuống cá. Lúc này, những người vợ của họ đã thức dậy men theo sườn núi đến bãi neo đậu để mang cá về các chợ đầu mối trong vùng để bán hoặc bán thẳng cho các thương lái.
"Chúng tôi săn đủ các loại cá, như: đối, hố, kình, bè, mú, gáy, róc, hồng, liệt, sòng, cua ghẹ…Cá thả lưới trong đêm nên rất tươi, mang đến các chợ đầu mối trong vùng phục vụ người dân. Giá các loại cá từ 50 đến 150 ngàn đồng/kg, cua và ghẹ giá từ 150 đến 250 ngàn đồng/kg. Mấy hôm nay cách ly bà con ai nấy cũng muốn có cá biển tươi ăn nên đánh bắt cũng có thu nhập", lão ngư NguyễnTrung (thị trấn Cát Tiến) chia sẻ.
Theo ông Trung, thu nhập của người đánh cá bằng thúng lưới bình quân mỗi ngày 200 – 500.000 đồng.
Có hôm trúng đàn cá lớn thu nhập tăng lên vài triệu đồng/ngày, nhiều tàu trúng đậm mẻ cá khủng chỉ trong 1 đêm đánh bắt thu từ 15 đến 20 triệu đồng (hiếm gặp). Phạm vi đánh bắt của các ngư dân thúng lưới Trung Lương từ 1 hải lý trở vào bờ, họ chọn điểm nhiều ghềnh đá, hốc đá, rạn đá san hô, bãi cỏ biển để đánh bắt.
"Cá hay vào gần bờ trú ẩn dưới các bãi đá, trong các hốc đá, bãi rêu cỏ nên chúng tôi tận dụng điểm này để đánh bắt. Thúng cá nhỏ, có thể di chuyển được vào các vùng bãi rạn, hốc đá để thả lưới đánh cá. Nghề này nói dễ nhưng rất nguy hiểm, phải có kinh nghiệm, tay nghề đặc biệt việc sử dụng thuyền thúng mới làm được nó rất khó", ông Trung bộc bạch.
Lãnh đạo UBND thị trấn Cát Tiến cho biết, vừa rồi địa phương thực hiện giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", kể cả ngư dân cũng không được ra khơi đánh bắt nên ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì vậy, hết giãn cách, ngư dân rất phấn khởi vươn khơi đánh bắt.