NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ với Dân Việt về vai dì Tư Diệu khiến khán giả căm phẫn vì sự tàn ác trong phim "Thương con cá rô đồng" đang phát sóng.
Bà dì phải thường xuyên đánh chửi cháu ruột, lập mưu nọ kế kia, … vai diễn có làm khó Hạnh Thúy không? Phân đoạn nào khiến chị nhớ nhất?
- Bình thường tôi khá trầm, không hay nói, cũng không hay bộc lộ cá tính, nhiều người còn lầm tưởng là tôi hiền. Nên khi tôi vào một vai hay quát tháo dữ tợn cũng có chút lúng túng ban đầu. Nhưng khi ra phim trường thì không còn cảm giác đó nữa vì căn bản tính tôi rất mạnh mẽ, nóng tính, thẳng thắn nên để bộc lộ một cá tính mạnh không quá khó.
Với lại kiểu người như bà Tư Diệu tôi đã gặp nhiều trong đời thực, thậm chí nhiều người còn quá quắt hơn nên tôi có nhiều hình mẫu để thể hiện. Phân đoạn đáng nhớ thì nhiều, nhưng có môt phân đoạn tôi diễn xong mà lén ra ngoài khóc, đó là phân đoạn xé sách đi học của Nhớ lúc nhỏ. Lúc tôi còn nhỏ đi học sách của trường cho mượn, may thì mượn được sách đẹp, không thì sách rách hay mất bìa, vẽ bậy là chuyện thường, nên tôi thương sách từ đó.
Là một đạo diễn khi ở vai trò diễn viên, có lúc nào chị cần lên tiếng cho nhân vật không?
- Tôi tách bạch giữa hai vai trò, tôi chỉ đóng góp ý kiến của mình nếu đạo diễn lắng nghe và ghi nhận, nếu không thì tôi sẽ chỉ làm đúng việc, đúng trách nhiệm của mình thôi. Tất nhiên, tôi luôn tìm cách làm sao cho nhân vật hoặc câu chuyện "đã" nhất, đời nhất theo hiểu biết của mình và rất hay chia sẻ với đạo diễn, xin được phép thể hiện điều mình nghĩ. May mắn, lần nào cũng được các đạo diễn chấp thuận, thậm chí còn phát triển để mọi thứ sinh động, cảm xúc thêm.
Từ câu chuyện gia đình Thương, và cuộc sống hôm nay cũng có nhiều trường hợp bạo hành gia đình đáng lên án, chị thấy gia đình xây dựng nếp sống ra sao để hạn chế và không còn tình trạng này?
- Giáo dục vô cùng quan trọng, giáo dục đúng sẽ giúp con người ta phân biệt đúng, sai, thiện, ác… biết lên tiếng, biết đấu tranh, biết bảo vệ bản thân và những giá trị tốt đẹp. Bạo hành gia đình xảy ra bởi ta không dạy trẻ cách bảo vệ mình, người ta không được dạy đủ để dũng cảm lên tiếng với cái sai, cái ác, người ta cũng không được dạy đủ để nhân ái, yêu thương…
Nên thực tế mới có những trường hợp trẻ em, phụ nữ, người già bị bạo hành, đối xử tàn tệ từ ngày này qua ngày nọ mà không ai lên tiếng bởi họ nghĩ "đó không phải chuyện của mình". Tới khi câu chuyện vỡ lở, lại có rất nhiều người xông xáo kể tôi đã chứng kiến thế này, thế kia. Đó cũng là vô tâm thành ra nhẫn tâm. Mà giáo dục hiệu quả nhất theo tôi không phải ở trường học mà chính là trong gia đình, ông bà cha mẹ là tấm gương, là nơi rèn giũa đạo đức tốt nhất, hiệu quả nhất, thực tế nhất.
Thế hệ trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền tảng một gia đình. Dẫu có kém may mắn không có trọn vẹn đầy đủ cha mẹ nhưng tình thương, quan tâm chia sẻ của những người thân còn lại là điều rất cần thiết để tạo một trái tim yêu thương sống biết chia sẻ quan tâm. Chị có nghĩ vậy không?
- Như tôi đã chia sẻ ở trên, gia đình là nơi hình thành một con người đậm nét nhất. Ở trường học, qua sách vở trẻ em luôn được học những điều hay lẽ phải, cư xử đúng mực, dù đôi khi nhiều người nói rằng giáo điều hoặc chưa đủ sâu sắc. Nhưng nếu có gia đình đồng hành trong vai trò giáo dục thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ rất rốt. Khó có thể có một đứa trẻ đầy yêu thương, ấm áp khi gia đình bất hoà, cay đắng, tiêu cực…
Trường học là nơi dạy nhưng gia đình là nơi thực hành đầu tiên và hiệu quả nhất. Sự đầy đủ chưa chắc đã là môi trường tốt nhất để nhân cách hình thành và phát triển. Đôi khi sự thiếu thốn, không trọn vẹn lại đánh thức điều thiện lương, ước mơ của con người mạnh mẽ nhất thông qua tình yêu thương, san sẻ cùng nhau. Tóm lại, dù hoàn cảnh nào thì tình yêu thương, đồng cảm, san sẻ, quan tâm... cũng là những điều kiện tiên quyết để hình thành một tâm hồn biết yêu thương.
Các con của chị nói gì về vai diễn bà dì dữ dằn của chị không? Qua phim chị có thay đổi quan điểm giáo dục con cháu trong gia đình không?
- Các bé xem phim và hay trêu "Sao mẹ dữ vậy! Sao mẹ hư vậy". Nhưng ngay cả bé nhỏ 7 tuổi cũng đã rạch ròi giữa đời và phim, bé khen mẹ diễn giỏi. Có điều, bé dặn tôi là mai mốt đóng vai giàu và đẹp đi, đừng đóng vai ác nữa. Thú thật, ngay từ khi nhận kịch bản dù đóng vai bà dì ác độc, vô tâm nhưng tôi thương năm chị em Thương, Nhớ, Thiệt, Lắm, Lành dữ lắm! Cứ nghĩ nếu đây là chuyện xảy ra ngoài đời thật thì tội các con biết chừng nào.
Mà lại nghĩ, cuộc đời vô thường sống nay, chết mai biết đâu được, nên tôi thương con nhiều hơn và hay dặn dò, hướng dẫn nhiều thứ. Hy vọng kỹ năng sống và ứng xử của con được mạnh mẽ hơn để có thể biết bảo vệ mình khi cần. Tôi dạy các con thương nhau, thương gia đình mình.
Dịch giã kéo dài, mọi người đều ảnh hưởng từ cuộc sống tinh thần đến kinh tế và có người chọn cách tĩnh lặng sống chậm, chị chọn cách nào cho mình và gia đình?
- Cả nhà tôi trước giờ hợp nhau ở chỗ sống giản đơn nên những ngày dịch cũng thích nghi khá tốt. Tôi nghĩ, thời buổi khó khăn, mình may mắn có miếng ăn tử tế là mừng. May mắn nữa là mình nấu nướng, chế biến cũng tạm được nên hay làm món này món kia. Những món cũng đơn giản, dân dã mà cả nhà đều thích nên chuyện ăn uống không làm mình vất vả.
Chuyện tiền nong, kinh tế, công việc thì cũng hơi bị động nhưng nhìn cục diện chung tôi dự đoán được phần nào nên chuẩn bị tinh thần đón nhận. Giải phóng những bức bối bằng cách chăm sóc gia đình, gọi điện hỏi thăm bạn bè, gia đình, làm vườn, đọc sách, đọc kịch bản, dạy online, đăng kí học một lớp văn bằng 2 cũng ngốn hết thời gian. Tôi thấy mình sống bình thường, không chậm cũng chẳng nhanh. Có điều, ít di chuyển, ở nhà nhiều, được ở chung với các con, được chăm sóc chúng nhiều hơn, cũng vui. Chỉ có điều là không có tiền thôi. Nhưng vẫn ráng ổn.
Tôi nghĩ tinh thần quan trọng lắm, mình đừng bắt ép hay đòi hỏi cao thì dễ thanh thản, không đòi hỏi nhiều thì không bức bối thất vọng. Và chủ động tự chủ mọi thứ, cố gắng để mình không bị động, không trông chờ, cũng không dấn sâu vào những điều tiêu cực. Ai cũng có một ngày 24 giờ như nhau, cảm xúc chua cay, đắng chát, mặn ngọt như nhau. Phải biết chọn lựa mình muốn nếm cảm xúc gì thì tạo điều kiện cho cảm xúc đó trào dâng thôi.
Cảm ơn NSƯT Hạnh Thúy đã chia sẻ thông tin!
Phim "Thương con cá rô đồng" xoay quanh gia đình 5 chị em: Thương – Nhớ - Thiệt - Lắm – Lành. Cha mất sớm, không thân thích ruột rà nhà chỉ có mấy mẹ con sống lay lắt bằng đủ thứ công việc cày thuê, cuốc mướn ở vùng Đồng Tháp Mười – Long An. Nhà nghèo lại đông em, thương mẹ cực khổ, tảo tần Thương phải cáng đáng nhiều công việc phụ mẹ làm lụng lo cho các em có điều kiện đến trường. Trước đó, trong một lần dẫn Thiệt đi chợ huyện, cô để lạc mất em.
Khi Thương 10 tuổi, mẹ qua đời sau thời gian dài lao lực vì cực khổ. Nhớ vì cú sốc đó mà bị sợ hãi nhút nhát dù Thương hết lòng chạy chữa, thuốc thang. Cũng không ít lần cô bị lừa tiền bạc nhưng vẫn luôn mong đứa em có thể nói trở lại. Không thể dứt ra được nỗi ám ảnh cũ, dần dà Nhớ cố gắng bằng mọi cách khuyên Thương đừng lo lắng cho cô, gắng sức học nói nhưng đành bất lực và luôn tự trách mình.
Tuy tuổi còn nhỏ, Thương đã phải thay thế cả cha lẫn mẹ gánh nặng trên vai trách nhiệm chăm lo cho 3 em và cố gắng tìm kiếm lại đứa em trai thất lạc đã lâu theo lời trăn trối của mẹ trước khi bà qua đời. Sự kỳ vọng của Thương đặt hết vào Lắm và Lành. Cô làm mọi thứ để 2 em được ăn học tử tế. Công việc làm thuê, làm mướn nay có mai không cũng chẳng được là bao khiến cuộc sống của 4 chị em Thương luôn rơi vào cảnh túng thiếu.
“Thương con cá rô đồng” phát sóng trên sóng VTV3 dài 40 tập. Biên kịch: Ngọc Bích - La Nguyễn Quốc Vinh; đạo diễn: Hoàng Tuấn Cường, diễn viên: NSƯT Hạnh Thúy, Lê Phương, Thanh Thức, Huyền Diệu ...