Theo các chuyên gia pháp lý, nếu hiểu cứng nhắc rằng người ra đường sẽ phải có tất cả các giấy tờ như UBND TP. Hà Nội vừa quy định, việc này sẽ gây khó khăn cho nhiều người thuộc trường hợp đi lại làm việc thiết yếu, cấp bách.
Trao đổi với PV, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Ngay tối qua rất nhiều người dân gọi điện cho ông trao đổi về văn bản mới của TP.Hà Nội quy định về việc ra đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo văn bản này của UBND TP.Hà Nội, để phòng chống dịch trong thời điểm giãn cách xã hội, thành phố yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định cấp và sử dụng giấy đi đường. Ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, văn bản của TP. Hà Nội cho thấy có quá nhiều thủ tục hành chính và giấy phép "con". Cần xem xét văn bản của TP.Hà Nội đặt ra những yêu cầu như vậy có ảnh hưởng gì đến các quy định của pháp luật.
"Việc một giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị, ngoài xác nhận của cơ quan đơn vị, còn phải xác nhận của chính quyền nơi cơ quan, đơn vị đó hoạt động. Điều này tăng thêm khó khăn cho phường, nếu trên địa bàn phường đó có nhiều cơ quan, đơn vị thì sẽ có nhiều người được phân công đi làm sẽ phải đến xin xác nhận", ông Nhưỡng nói.
Vẫn theo ông Nhưỡng, trong câu chuyện này làm sao phân biệt thế nào là giấy tờ giả và giấy tờ thật nếu lực lượng chức năng chỉ kiểm tra bằng mắt thường, không có giám định, nên việc đặt ra quy định mới có tác dụng hay nảy sinh nhiều vấn đề nhiêu khê.
"Trên cơ sở ý kiến phản ánh của người dân, UBND TP.Hà Nội cần nghiên cứu cân nhắc lại việc đưa ra quy định mới để vừa chống dịch hiệu quả, không gây ra nhiều bất cập, nhiêu khê cho người dân", ông Nhưỡng bày tỏ.
Liên quan đến các giải pháp về phòng chống dịch, ông Lưu Bình Nhưỡng nói thêm: Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội có nghị quyết cho phép Chính phủ và Thủ tướng Thủ tướng áp dụng những biện pháp cần thiết, chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật nhưng đó là thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không được ủy quyền cho cấp dưới.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rất rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để chống dịch. Điều đó có nghĩa văn bản đưa ra biện pháp phải là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương này phải thực hiện biện pháp này, biện pháp kia để chống dịch thì địa phương thực hiện. Theo tình hình nên có những địa phương áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, nhưng có địa phương chỉ áp dụng Chỉ thị 15.
Trước diễn biến này, nhiều người cho rằng quy định mới của UBND TP.Hà Nội sẽ khiến người dân, doanh nghiệp tốn thêm thời gian để xử lý việc hành chính, có thể khó khăn trong những tình huống khẩn cấp.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội chia sẻ, đây là những quy định với mục đích để kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những người ra đường của UBND TP.Hà Nội.
Việc này xuất phát từ thực tế là thời gian vừa qua mặc dù thực hiện giãn cách xã hội, nhưng trên phố vẫn nhiều người đi lại, nhiều người đi lại không có lý do chính đáng, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phân tích về câu chữ trong văn bản, luật sư Cường cho biết, trong văn bản ghi, công dân ra đường ngoài CMND/CCCD phải có lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ là có thể do lỗi kĩ thuật (thiếu từ "hoặc").
"Bởi lịch làm việc, lịch trực thường là ghi vào bảng hoặc trong sổ của doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể phát cho mỗi người lao động một bảng lịch làm việc, lịch trực. Còn văn bản phân công làm việc nhiệm vụ thì có thể mỗi người sẽ có một văn bản riêng..." – luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận.
Từ đó, vị luật sư cho rằng, với những người cần phải ra đường thì chỉ cần có giấy đi đường, giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD) và giấy giới thiệu hoặc phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị là được.
"Nếu hiểu một cách máy móc hoặc cứng nhắc và yêu cầu phải có tất cả các loại giấy tờ liệt kê nêu trên là không cần thiết, sẽ gây khó khăn cho nhiều người thuộc trường hợp đi lại làm việc thiết yếu, cấp bách.
Hoạt động tuần tra kiểm soát, kiểm tra cũng có thể gây ách tắc giao thông nếu như quy định về giấy tờ không rõ ràng và còn cách nhiều cách hiểu khác nhau..." – luật sư Cường nói.
Mặt khác, theo luật sư Cường, đối với mỗi người dân, thời gian 15 ngày so với một cuộc đời không phải là nhiều nhưng so với thời gian để thực hiện phòng chống dịch bệnh covid-19 thì đó là thời gian vàng.
Bởi vậy dù muốn hay không muốn, dù có bao nhiêu lý do cá nhân chăng nữa thì mọi người vẫn phải chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh. Mọi hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh đều có thể bị áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội thì cần thông báo, thông tin kịp thời cho tổ dân phố, chính quyền địa phương để có các giải pháp hỗ trợ.