Hơn 60 tấn cá đặc sản to bự đã quá thời gian nuôi nhưng không bán được, trong khi đó giá cám liên tục tăng khiến ông Nguyễn Đình Chiểu -hộ nuôi cá lồng ở xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình như ngồi trên đống lửa.
Với mô hình nuôi cá lồng trên sông, ông Nguyễn Đình Chiểu được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017. Hiện nay, ông Chiểu đang nuôi hơn 30 lồng cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn và 2 ao nuôi với diện tích 5 mẫu nuôi cá trê vàng đặc sản.
Ông Chiểu buồn rầu nói: "Liên tục 2 năm nay, người nuôi cá lồng gặp chồng chất khó khăn. Mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát, người nuôi cá ngắc ngoải, sống dở chết dở khi mà gánh cảnh "một cổ ba tròng".
Cá to bự, ông Chiểu đã nuôi quá thời gian nhưng không bán được, giá cá giảm sâu mà vẫn phải nuôi cầm cự, giá cám thì tăng liên tục...
Ông Chiểu cho biết: So với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cá các loại giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Cụ thể: Giá cá lăng trước bán 60.000 đồng/kg thì nay còn có 40.000 đồng/kg. Giá cá chép giòn giảm sâu, từ 120.000/kg đồng nay còn có 80.000-90.000 đồng/kg. Giá cá trắm cỏ loại to 3-7 kg/con cũng chỉ còn có 40 .000 đồng/kg. Giá cá diêu hồng cũng giảm sâu.
"Giá các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn đã giảm, lại còn ế không bán. Tôi gọi điện thoại cho cả trăm thương lái nhưng họ đều lắc đầu. Do dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hàng, quán ăn, các điểm tham quan, du lịch dừng hoạt động khiến thị trường tiêu thụ giảm mạnh" - ông Chiểu chia sẻ.
Ông Chiểu cho biết, gia đình ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng "thả nổi" trên sông để nuôi cá lồng. Ông cũng phải thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng 1 tỷ đồng đầu tư sản xuất. Dù cá lồng có bán được hay không hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng đầy đủ.
Trong khi đó, giá cám lại tăng thêm 100.000-120.000 đồng/bao cám 25kg. Giá cám ngô cũng tăng, giá hạt đậu tương cũng tăng hàng chục nghìn đồng/kg. "Trong 2 năm nay, giá cám đồng loạt tăng liên tục. Phía cung cấp cám có giải thích là do nhập nguyên liệu từ Trung Quốc tăng. Để nuôi 30 lồng cá mỗi lần nhà tôi nhập cả chục tấn thức ăn, giá cám tăng xót hết cả ruột".
Để duy trì đàn cá, ông Chiểu đã đầu tư máy sản xuất cám, mua các nguyên liệu ngô, đậu tương, khô cá… về tự phối trộn làm cám viên; đồng thời cắt giảm 50% thức ăn của cá. Cụ thể, trước đây 1 lồng cá ông Chiểu cho ăn 4-5 bao cám, thì nay chỉ còn 2 bao cám.
Tuy vậy, hiện nay ông Chiểu vẫn đang chịu áp lực rất lớn về chi phí thức ăn cho cá hàng ngày. Bình quân mỗi ngày ông Chiểu phải chi 24-25 triệu đồng tiền thức ăn cho cá.
Ông Chiểu cho biết thêm: Hơn chục năm nuôi cá, trải qua bao sóng gió, đã có lúc bị bão đánh bẹp lồng, trôi sông hàng chục tấn cá nhưng chưa bao giờ ông Chiểu khó khăn như lúc này.
"Càng nuôi cá càng lỗ là có thật. Từ đầu năm đến giờ, tôi xuất bán 100 tấn cá lăng, trê vàng thì bị lỗ 1,4 tỷ đồng. Hiện tôi còn 60 tấn cá lăng đặc sản nuôi hơn 2 năm to bự nhưng không bán được" ông Chiểu cười chua xót.
Theo tính toán của ông Chiểu, trước những khó khăn bủa vây, hơn 80% người nuôi cá lồng ở Thái Bình đã bỏ nghề, treo lồng. Toàn tỉnh Thái Bình có hơn 200 lồng cá thì giờ chỉ còn hơn 40 lồng cá duy trì sản xuất.
"Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hoành hành, người nuôi cá chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời hỗ trợ việc tiêu thụ cá lồng cho người dân. Đồng thời có chương trình hỗ trợ mua thức ăn theo phương thức trả chậm để giảm bớt gánh nặng cho người nuôi cá" - ông Chiểu bày tỏ.