UBND TP.Hà Nội vừa thống nhất một số nội dung về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong lĩnh vực vận tải do Sở GTVT Hà Nội đề xuất.
Chiều 25/7, UBND TP.Hà Nội có thông báo về việc Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND (Chỉ thị 17) ngày 23/7/2021 về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội để phòng chống dịch Covid-19 của Chủ tịch UBND Thành phố trong lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký nêu rõ, xét báo cáo chỉ đạo của Sở GTVT tại văn bản số 3459/SGTVT-VP (Văn bản 3459) ngày 24/7/2021 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong lĩnh vực hoạt động vận tải, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách, UBND TP.Hà Nội có ý kiến thống nhất về nguyên tắc nội dung Kế hoạch của Sở GTVT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong lĩnh vực vận tải.
"Yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo Tổng Công ty vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn TP xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP và nghiêm túc triển khai thực hiện đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh", văn bản nêu rõ.
Văn bản cũng nêu rõ, UBND TP.Hà Nội cơ bản đồng ý về chủ trương tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe mô tô, xe 2 bánh theo đề xuất của Sở GTVT tại Văn bản số 3459 để có biện pháp chặt chẽ đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ngành TP và các đơn vị liên quan cần lưu ý. Cụ thể, Sở GTVT chủ trì, cùng với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát kỹ, thống nhất hình thức tổ chức, quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, xe 2 bánh đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đúng mục đích, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trong đó đảm bảo nguyên tắc: Đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện thuộc quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp phải đăng ký danh sách với Sở Công Thương, Sở TTTT và các Sở chuyên ngành để tổng hợp, gửi Sở GTVT cấp mã số xác nhận; đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
"Dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe mô tô, xe 2 bánh đối với cá nhân hoạt động tự do trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị số 17 của ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND TP để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19", văn bản cho hay.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội cũng giao Sở Y tế chủ trì cùng với các sở, ngành nghiên cứu, rà soát, xem xét việc tạo điều kiện ưu tiên bố trí các điểm xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng dịch khi có điều kiện cho các đối tượng là người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân có đăng ký hoạt động trên địa bàn TP.
"Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh; trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo, đề xuất UBND TP chỉ đạo, giải quyết kịp thời", UBND TP.Hà Nội yêu cầu.
Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, sáng 25/7, thông tin thêm về vấn đề lưu thông hàng hóa trên địa bàn, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong ngày đầu Hà Nội giãn cách, sở đã cấp phép cho 2.200 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động theo "luồng xanh" của TP. Việc đăng ký hoàn toàn trên mạng; không quá 4 phút đã được cấp phép.
"Xe vận chuyển hàng hóa 2 bánh (shipper) gồm 2 đối tượng: 1 là nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử thì TP cho phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Hai là các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống thì TP cấm hoạt động", ông Viện nói rõ.
Trước đó, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt về vấn đề liên quan đến các "shipper công nghệ", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đội ngũ giao hàng của các ứng dụng công nghệ như Grab, Now, Be… sẽ bị cấm, lý do shipper di chuyển nhiều, tiếp xúc khắp thành phố nên nguy cơ lây nhiễm, truyền dịch bệnh rất cao. "Từ thực tế này, để ngăn ngừa, phòng sự lây lan của dịch Covid-19 có hiệu quả nhất, Sở GTVT phải yêu cầu dừng dịch vụ này. Thời gian là 15 ngày", ông Viện nói.
Liên quan đến việc các xe công nghệ như Grab, Gojek, Be... có được đăng ký với Sở GTVT Hà Nội để hoạt động hay không, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định vẫn cấm loại hình này.
Về việc vì sao một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16 không cấm dịch vụ ship (giao hàng thiết yếu), song Hà Nội lại dừng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội đã nghiên cứu kinh nghiệm từ các tỉnh để có phương án quản lý chặt chẽ hơn, với phương châm đảm bảo công tác phòng chống dịch là trước hết và trên hết.
"Mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch Covid-19, nếu Hà Nội không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm. Dịch đang rất phức tạp, mua hàng thiết yếu không có nghĩa cứ thích gì là gọi ship, từ cốc trà sữa đến cốc cà phê", ông Viện nói và cho rằng, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố vẫn mở cửa bình thường, hơn nữa các siêu thị được phép hoạt động vẫn có đội ngũ vận chuyển hàng riêng đến tận nhà.
Chiều 24/7, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long đã ký ban hành văn bản về việc "dừng hoạt động đối với xe mô tô 2 bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19".
Văn bản được gửi đến Công ty TNHH Grab (ứng dụng Grab); Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be); Công ty TNHH Gojek Việt Nam (ứng dụng Gojek); Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (ứng dụng My Go); Công ty cổ phần FastGo Việt Nam (ứng dựng FastGo).
Theo đó, văn bản nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19. Sở GTVT Hà Nội yêu cầu:
Thứ nhất: Dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm", kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Thứ hai: Yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe_ dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe từ ngày 24/7/2021 cho đến khi có thông báo mới đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm", kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Thứ ba: Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe không thực hiện việc dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô.